Một lần nữa, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG lại gây “xôn xao” thị trường chứng khoán trong phiên ngày 10/2/2023 với thị giá đóng cửa ở mức 893.400/cp. Đây là phiên thứ 8 liên tiếp cổ phiếu của “kỳ lân” công nghệ này tăng trần.

Đáng chú ý, so với 7 phiên trước đó, mỗi phiên đều khớp lệnh 100 cổ phiếu thì phiên ngày 10/2 ghi nhận 300 cổ phiếu được khớp lệnh.

co-phieu-gia-cao-nhat-lich-su-chung-khoan-viet-nam-1676048522.PNG
Nguồn: 24h.money

Với mức 893.400/cp, VNZ đã trở thành cổ phiếu đắt nhất trong lịch sử 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đó, vị trí này thuộc về cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định ghi nhận tại ngày 21/5/2007 với mức 847.000 đồng/cp. Kết phiên ngày 10/2, BMC đang giao dịch với mức 13.250 cp.

Cổ phiếu VNZ tăng kéo theo khối tài sản của các cổ đông VNZ cũng tăng chóng mắt. Điển hình như ông Lê Hồng Minh – CEO VNG, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông ước tính gần 3.200 tỷ đồng. So với hồi đầu tháng 2, tài sản của ông đã tăng thêm hơn 2.400 tỷ đồng. Hiện tại, ông Lê Hồng Minh đang sở hữu hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ, tương đương 9,8% vốn.

Chào sàn UPCoM từ ngày 5/1/2023, tuy nhiên cổ phiếu của VNZ vẫn im hơi lặng tiếng trong suốt hơn chục phiên giao dịch do trắng bên bán.

Đến phiên ngày 1/2/2023, những cổ phiếu đầu tiên của VNZ đã được khớp lệnh trên sàn chứng khoán với khối lượng 100 cp. Đồng thời, cổ phiếu này cũng bắt đầu đà tăng trần “lạ lùng” với mỗi phiên chỉ 100 cổ phiếu.

Trái ngược với đà tăng giá ấn tượng của VNZ, kết quả kinh doanh của công ty lại không mấy khả quan. Theo BCTC mới vừa công bố, năm 2022, công ty ghi nhận mức lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, trong đó lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 858,3 tỷ đồng.

co-phieu-gia-cao-nhat-lich-su-chung-khoan-viet-nam-1-1676048626.jpg
 

VNZ giải trình gì về cổ phiếu tăng trần liên tiếp?

Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), từ ngày 16/5/2022, doanh nghiệp có cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tiếp trở lên phải công bố thông tin liên quan đến biến động giá.

Sau nhiều phiên cổ phiếu tăng trần liên tiếp, ngày 10/02, VNZ vừa có văn bản giải trình về việc này.

Cụ thể, VNZ cho biết giá cổ phiếu tăng trần hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của các nhà đầu tư.

Đồng thời, “kỳ lân” công nghệ này cũng cho biết thêm công ty không có bất kỳ can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu thời gian qua. Hiện tại, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường, không có biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Có thể thấy, giải trình của VNZ cũng tương tự như “văn mẫu” mà nhiều doanh nghiệp khác đã dùng trước đây.