mika-1626226832.jpg

Doanh nhân Trần Nhật Thành quê ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông từng là học sinh của một trường chuyên nổi tiếng khắp cả nước - trường chuyên Phan Bội Châu. Năm 1975, ông Thành tốt nghiệp Thạc sĩ với tấm bằng chuyên ngành kỹ thuật xây dựng của Đại học Kharkov, Liên Bang Xô Viết. Sau đó ông trở về nước làm giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ông cũng từng có một khoảng thời gian giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học Kỹ thuật xây dựng. Hiện tại, ông đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Tập đoàn Xây dựng DELTA và đang giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Đại gia nắm trong tay nhiều lô đất vàng

Ngoài là Chủ tịch HĐQT của DELTA Group, ông Thành còn được biết đến là một đại gia khi cùng vợ và nhóm nhà đầu tư DELTA sở hữu nhiều lô đất vàng tại Hà Nội. 

Đầu tiên phải nhắc đến lô đất vàng tại 11A Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Lô đất này do Công ty Cổ phần Tạp phẩm và Bảo hộ lao động (Sunprotexim) sở hữu. Hiện nay bà Nguyễn Thị Kim Dung đang nắm giữ Chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sunprotexim và bà Nguyễn Thị Kim Dung được biết đến là vợ của ông Trần Nhật Thành. Ngoài lô đất vàng tại 11A Cát Linh, Sunprotexim còn sở hữu nhiều lô đất vàng khác ở Hà Nội như 30 Đoàn Thị Điểm, 352 Giải Phóng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung cùng nhóm nhà đầu tư DELTA (gồm CTCP Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp DELTA và CTCP Xây dựng và Ứng dụng Công nghệ Delta - V ) nắm trong tay 79% số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty Cổ phần Vải sợi may mặc miền Bắc (TET). TET là một doanh nghiệp sở hữu nhiều lô đất như:12.407 m2 đất kho và xưởng tại 79 Lạc Trung, Tổng kho Đức Giang với diện tích hơn 25.000m2, tổng kho Giáp Bát với diện tích khoảng 3.700 m2.

pasted-image-0-1626227292.png

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Vợ ông Trần Nhật Thành

Ngoài ra, vào tháng 9/2017 các cổ đông sáng lập và cổ đông nhà nước đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Nhật Anh. Ông Trần Ngọc Hà là người đại diện pháp luật tại Nhật Anh. Ông Hà cũng là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Sunprotexim. Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Nhật Anh đang là đơn vị quản lý và sử dụng khu đất 605 Minh Khai.

DELTA Group - nơi in đậm dấu ấn lãnh đạo của doanh nhân Trần Nhật Thành

Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta (doanh nghiệp trung tâm của Tập đoàn Delta) được thành lập vào năm 1993 với khoảng 100 nhân sự, chủ yếu xuất thân từ Trung tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học Xây dựng.

Buổi đầu khởi nghiệp, Delta là nhà thầu thi công cọc khoan nhồi, thi công tầng hầm rồi tiến tới phát triển lĩnh vực tư vấn thiết kế với việc thành lập Công ty Cổ phần tư vấn kiến trúc xây dựng TT-As (viết tắt là TT-Associates)

Tới năm 2009, Delta mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm cung ứng cho ngành công nghiệp xây dựng. Và tới năm 2012 thì tập đoàn chính thức lấn sân sang kinh doanh bất động sản với việc thành lập các đơn vị như: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh thương mại Bảo Long, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Hà Nội Sunrise.

Năm 2014, một dấu mốc đáng chú ý trong hành trình phát triển của Delta đó là sự ra đời của Công ty Cổ phần xây dựng và ứng dụng công nghệ DELTA – V, đơn vị chuyên thiết kế, thi công các dự án xây dựng quy mô lớn.

Hiện tại, Delta được biết đến là chủ đầu tư của dự án khu nhà ở xã hội AMC I, thuộc dự án khu đô thị AMC – EL DORADO tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dự án này do công ty con là Công ty Cổ phần Phát triển AMC Toàn Cầu đứng ra phát triển.

Tập đoàn Delta là cơ nghiệp của ông Trần Nhật Thành, người sáng lập và đương kim chủ tịch HĐQT. Ông Trần Nhật Thành có bằng thạc sĩ chuyên ngành kĩ thuật xây dựng của Đại học Kharcop, Liên Xô. Từ năm 1975, ông về nước và trở thành giảng viên của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đảm trách tới chức giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng – nơi mà sau này, ông đã gây dựng nên Tập đoàn Delta.

vietnambusinessinsider-co-dong-cua-xay-dung-delta-1658295126.png
 

Tính đến hết năm 2019, ông Trần Nhật Thành sở hữu 77,14% cổ phần tại Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta. Trong khi đó, Tổng giám đốc Trần Thành Vinh nắm 16,33%, Phó tổng giám đốc Nguyễn Đăng Quang nắm 1,02%, Phó tổng giám đốc Nguyễn Minh Hiền nắm 1%, Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Thu nắm 1%, Phó tổng giám đốc Hoàng Ngọc Tú nắm 0,62%. Các cổ đông còn lại là: Nguyễn Thị Thu Hồng 0,28%, Nguyễn Văn Quang 0,9%, Nguyễn Thị Kim Dung 1,71%.

Trải qua 26 năm với nhiều thăng trầm trên con đường hình thành và phát triển, đến nay DELTA đã trở thành một doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực xây dựng với hơn 12 công ty thành viên, hơn 2.500 cán bộ kỹ sư, kiến trúc sư và hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, tiên tiến.

Ngay từ những ngày đầu, DELTA Group đã đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại vào thi công các công trình như hệ thống máy hiện đại để kiểm tra chất lượng công trình như thiết bị thí nghiệm Osterberg, máy khoan cọc nhồi thế hệ mới có thể khoan cọc có đường kính tới 2,5m, sâu hàng trăm mét, máy khoan RCD, máy đào tường vây kích thước lớn, máy kiểm tra độ thẳng đứng Koden,... Ngoài ra, Tập đoàn DELTA cũng áp dụng các công nghệ khoa học tiên tiến vào thi công như phương pháp Top-down, phương pháp Bottom-up, phương pháp khoan dùng phụ gia Polymer,... và hiện nay doanh nghiệp đang tập trung mũi nhọn về ứng dụng các thành tựu mới về vật liệu xây dựng như vật liệu thép làm từ sợi polymer, bê tông tự chảy cường độ siêu cao. 

Khi Chính phủ phát động phong trào “khoa học công nghệ phát triển lên xã hội 4.0”, Tập đoàn Xây dựng Delta cũng áp dụng khoa học kỹ thuật 4.0 vào doanh nghiệp với hệ thống quản lý BIM (Mô hình hóa thông tin công trình) vào năm 2018.  BIM là một kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng dựa trên mô hình 3D kỹ thuật số. Nó cho phép tất cả các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng dữ liệu để thiết kế và xây dựng công trình. Thông qua mô hình này, sẽ phân tích được nhiều yếu tố như thời gian thực hiện, giá thành, phương pháp xây dựng.

Ông Trần Nhật Thành đã từng chia sẻ: “Là người có nhiều năm kinh nghiệm về ngành kỹ thuật xây dựng, tôi thấm thía rằng, việc xây dựng một doanh nghiệp cũng như xây một tòa nhà. Để có tòa nhà vững chãi thì phải xây dựng nền móng vững chắc. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, cần phải được xây dựng trên một nền tảng vững bền”. Có thể nói nền tảng vững bền mà ông Thành đang muốn nói ở đây ngoài công nghệ tiên tiến thì nguồn nhân sự cũng là một yếu tố quan trọng không kém. Ông Thành luôn muốn xây dựng được một nguồn nhân lực có chất lượng cao, yêu nghề và phù hợp với văn hóa tại DELTA. 

Ông cũng có chia sẻ thêm: “Quan điểm của tôi không phải chọn người học giỏi nhất bởi người học giỏi nhất chưa chắc đã là người làm việc giỏi nhất. Những người được chúng tôi chọn là người có tư cách, yêu nghề, ham học và có chí tiến thủ.” DELTA không lựa chọn cách thức thu hút nhân tài từ các doanh nghiệp khác mà lựa chọn chủ động đào tạo người tài có sẵn trong công ty một các bài bản. Tại DELTA, nhân viên cảm thấy tiến bộ từng ngày, cảm nhận được giá trị của mình và quan trọng là họ cảm thấy được sống và làm việc trong một môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp.

Bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại và chất lượng nguồn nhân lực, DELTA đã tự tạo dựng nên thương hiệu của mình bằng nhiều công trình, dự án lớn nhỏ khác nhau. Nổi bật là thi công móng cọc và tầng hầm cho các công trình cao nhất Việt Nam: Bitexco Financial Tower, Lotte Center Hanoi, Keangnam Hanoi Landmark,.... Thi công xây dựng các khu đô thị, các dự án lớn như Times City, Royal City, Goldmark City, Sunbay Park... và thi công các công trình tầng hầm sâu nhất, lớn nhất như: Trung tâm thương mại VIncom Centre, Royal City, Eden,...

Hơn thế nữa, với vai trò là tổng thầu, DELTA Group đã đồng hành và hợp tác với các chủ đầu tư hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Sungroup, Masterise Homes, HCTC, Crystal Bay, HD Mon Holdings,... Trong một lần phỏng vấn, ông Trần Nhật Thành có chia sẻ: “Trong một thời gian dài, Delta đảm nhận tới hơn 60% các công trình của VinGroup. Đây cũng là đơn vị đối tác uy tín trên thương trường. Đến hiện tại các công trình của VinGroup thì Delta chỉ nhận tới 25% khối lượng dự án của năm, phần còn lại họ giao cho các công ty khác như; CotecCons, Hòa Bình,...”

Bức tranh tài chính – kinh doanh của Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta

Cũng như các “ông lớn” trong ngành xây dựng, Delta có doanh thu nhiều nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của Delta lại đi giật lùi, lần lượt đạt 3.724 tỷ đồng, 3.542 tỷ đồng và 2.888 tỷ đồng.

Biên lãi gộp dù cải thiện theo từng năm, song vẫn rất mỏng, chỉ đạt lần lượt: 2,5%, 2,7% và 3,9%.

Trong các năm, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đều đặn với giá trị lớn khiến lợi nhuận trước thuế của công ty bị ăn mòn rất mạnh và suy giảm liên tiếp, lần lượt là: 20 tỷ đồng, 19 tỷ đồng và 15,6 tỷ đồng.

Khấu trừ thuế, lãi ròng của công ty xuống mức: 16 tỷ đồng, 15 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng. Số lãi mỏng manh này khiến các chỉ số ROA và ROE đều ở mức cực thấp.

Về tài sản, trong giai đoạn nói trên, tổng tài sản của Delta thăng giáng khá mạnh, từ 4.705 tỷ đồng lên 5.324 tỷ đồng rồi lại sụt xuống 4.618 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm đa số với các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho bằng 81% (2017), 80% (2018), 78% (2019) tổng tài sản.

ket-qua-kinh-doanh-delta-1658295126.png
 

Khoảng 85% tài sản của Delta được tài trợ bằng nợ phải trả (tỷ lệ tương ứng qua các năm là 85%, 86%, 84%), cho thấy mức độ tự chủ tài chính của công ty khá thấp.

Với vốn chủ sở hữu chỉ hơn 700 tỷ đồng (được bồi đắp bằng lợi nhuận lũy kế), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty lên tới 5 – 6 lần, lần lượt là: 5,6 lần (năm 2017), 6,2 lần (năm 2018) và 5,2 lần (năm 2019). Đây là hệ số rất cao, dẫu cho xây dựng là ngành thâm dụng vốn.

Nếu chỉ tính riêng nợ vay thì tổng nợ vay vào năm 2019 của Delta cũng đã lên tới 1.364 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (736 tỷ đồng), tiếp tục cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy khá lớn của công ty này.

Tình trạng phụ thuộc vào vốn vay của Delta cũng được thể hiện khá rõ ở dòng tiền tài chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn như nâm 2019, tiền thu từ đi vay là 1.644 tỷ đồng, tiền trả nợ vay là 1.818 tỷ đồng. Những năm trước, dòng tiền vay/trả còn lớn hơn thế…

Tính đến cuối 2021, Delta có tổng tài sản hơn 5.329 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Tuy nhiên, phải thu ngắn hạn chiếm 34%, hàng tồn kho chiếm 37% tổng tài sản. 

Suốt 3 năm 2019 - 2021, Delta duy trì nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn so với nợ vay dài hạn. Tổng nợ vay luôn gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu. Tính tại năm 2021, nợ vay đạt 1.165 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước.

Nguyên Thảo

Vietnam Business Insider