Công ty cổ phần PVR Hà Nội (PVR) gần đây đã gây chú ý khi bà Trần Thị Thắm vợ của Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Bùi Văn Phú, đăng ký bán toàn bộ gần 12,5 triệu cổ phiếu, tương đương 24,05% vốn công ty. Quyết định này diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn tài chính.

Bà Thắm sẽ thực hiện giao dịch từ ngày 15/5 đến 13/6, thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Tại thời điểm hiện tại, ông Bùi Văn Phú vẫn nắm giữ 5,23% vốn tương đương hơn 2,7 triệu cổ phần. Nếu thương vụ này thành công, bà Thắm sẽ không còn là cổ đông của PVR Hà Nội.

Hiện tại, cổ phiếu PVR đang bị hạn chế giao dịch do tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Giá cổ phiếu ghi nhận ở mức 1.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/5 và hầu như không có giao dịch nào thực hiện. Theo mức giá này, tài sản mà bà Thắm nắm giữ có giá trị khoảng 13,7 tỷ.

doanh-nghiep-lam-du-an-hanoi-time-tower-dung-hoat-dong-vo-chu-tich-thao-chay-ban-sach-24-co-phan-1747379919.jpg

Hồi tháng 8 năm ngoái, bà Thắm cũng từng đăng ký bán hết số cổ phiếu của mình nhưng không thành công do không có thanh khoản. Mới đây, vào tháng 12 năm ngoái doanh nghiệp này đã quyết định dừng hoạt động kinh doanh và dự kiến sẽ ngừng hoạt động từ 1/1/2025 cho đến hết năm.

Trong quý I, PVR Hà Nội không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, chỉ đạt doanh thu tài chính vỏn vẹn 48.000 đồng, trong khi chi phí tài chính lên tới gần 322 triệu. Kết quả là công ty lỗ ròng gần 383 triệu.

Cuối tháng 10/2023, PVR Hà Nội bị phong tỏa tài khoản ngân hàng theo quyết định của tòa án do liên quan đến vụ kiện tranh chấp với Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX). Sau đó, công ty thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến 14/11/2024 để sắp xếp lại nhân sự và tìm kiếm hướng đi mới.

Theo tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 12/2024, PVR Hà Nội cho biết họ không còn kinh phí để duy trì hoạt động, dẫn đến việc cán bộ nhân viên xin nghỉ. Hiện tại, chỉ còn một số thành viên trong ban lãnh đạo làm việc hai ngày mỗi tuần để thực hiện các công việc cần thiết như lập báo cáo gửi sở ban ngành và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tài chính.

Ông Bùi Văn Phú khẳng định rằng công ty không còn khả năng vay mượn từ các tổ chức tín dụng hay cá nhân, và cần thêm thời gian để nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hồi vốn và trả nợ.

Dự án Hanoi Time Tower, một trong những dự án lớn nhất của PVR Hà Nội hiện vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 cho thấy dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên đã bị thu hồi, trong khi dự án CT10-11 Văn Phú (Hanoi Time Tower) vẫn đang đình trệ.

Khách hàng liên tục yêu cầu rút vốn, thanh lý hợp đồng do dự án chậm tiến độ. Một khoản đầu tư lớn khác vào Công ty cổ phần Đầu tư Bình An cũng chưa tìm được đối tác mua hoặc chuyển nhượng vốn cổ phần.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của PVR Hà Nội đạt 976 tỷ đồng, nhưng tiền mặt trong quỹ chỉ còn 92 triệu. Phần lớn tài sản là hàng tồn kho với giá trị 693 tỷ, chủ yếu nằm tại dự án Hanoi Time Tower. Ngoài ra, công ty còn một khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác hơn 231 tỷ.

Về nguồn vốn, PVR Hà Nội còn phải xử lý khoản người mua trả tiền trước gần 257 tỷ nhận từ dự án Hanoi Time Tower, một dự n vốn đã chậm tiến độ từ năm 2013.

---------------

PVR Hà Nội, có nguồn gốc từ Công ty cổ phần Dầu khí Tản Viên, được thành lập vào tháng 11/2006 với mục tiêu phát triển dự án Hồ Suối Hai thành khu du lịch nghỉ dưỡng. Thời điểm đó, doanh nghiệp được xác định là đơn vị chuyên kinh doanh bất động sản thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.