
Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 133.400 tỷ đồng và duy trì lợi nhuận sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 8% về doanh thu và giảm 16% về lợi nhuận ròng so với cùng kỳ 2021.
Lần đầu tiên từ khi niêm yết, MWG chỉ hoàn thành được 95% chỉ tiêu doanh thu và 65% kế hoạch lợi nhuận. Sau nhiều năm tăng trưởng và liên tục mở rộng, những “cơn gió ngược” trong năm 2022 là cơ hội để doanh nghiệp tập trung rà soát hoạt động kinh doanh và củng cố nội lực của doanh nghiệp.
Sự tăng trưởng doanh thu của công ty trong năm 2022 có sự đóng góp đáng kể của chuỗi Điện Máy Xanh Supermini – mô hình cửa hàng điện máy siêu nhỏ phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con các khu vực vùng sâu, vùng xa. Mô hình này đã mang về 10.000 tỷ đồng doanh thu từ hơn 1.000 điểm bán sau chỉ hơn 2 năm thử nghiệm.
Năm nay, TopZone – chuỗi cửa hàng ủy quyền chính hãng chuyên kinh doanh các sản phẩm Apple tại Việt Nam được ra mắt từ tháng 10/2021 – đóng góp hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu từ 100 điểm bán. Cùng với sự thành công của Topzone, tổng doanh thu từ sản phẩm Apple trên toàn hệ thống MWG cũng tăng trưởng ấn tượng khoảng 40% so với năm trước. Cả hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đều tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ, mang về tổng doanh thu 105.000 tỷ đồng cho công ty.

Ông Tài cùng ban lãnh đạo cũng thẳng thắn nhìn nhận những thứ chưa làm tốt, những điều chỉnh cần thực hiện để tồn tại và thích nghi với điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, ông và các cộng sự cũng cần tìm ra những cản trở phải mạnh mẽ cắt bỏ để công ty có thể tiếp tục đi xa hơn, bền vững hơn.
Trong đó, chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh đã trải qua cuộc “đại phẫu”, bao gồm tái định vị thương hiệu từ mô hình “chợ hiện đại” thành “siêu thị mini” và thay đổi cách thức bố trí sắp xếp cửa hàng để khách hàng có không gian mua sắm thoải mái và thuận tiện hơn, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, rà soát, xử lý dứt điểm các cửa hàng sai vị trí, hoạt động không hiệu quả và củng cố nền tảng vận hành hướng đến cải thiện mạnh mẽ hiệu quả hoạt động.
Sau tái cấu trúc, với 1.728 cửa hàng hoạt động cuối năm 2022 (giảm gần 20% so với 2021), doanh thu trung bình trong những tháng cuối năm ổn định ở mức 1,3-1,4 tỷ đồng/ cửa hàng. Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 (khi nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng cao trong các đợt bùng phát dịch Covid).
Đối với An Khang, sau khi đạt quy mô 500 nhà thuốc vào cuối năm 2022, công ty đã tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận. Ngoài ra, MWG cũng thu hẹp các chuỗi mới, chấm dứt những thử nghiệm mà không có tiềm năng tăng trưởng đủ lớn trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Tài tin rằng mỗi thành công hay thất bại đều mang lại bài học kinh nghiệm. Đối với hơn 70.000 nhân viên, mặc dù thu nhập bị ảnh hưởng do kết quả kinh doanh năm 2022 không đạt như mong đợi, ông vô cùng cảm kích khi phần lớn đội ngũ này vẫn lựa chọn tiếp tục gắn bó với công ty, đồng lòng chia sẻ cùng nhau và quyết tâm chiến đấu cho kết quả tốt đẹp hơn ngay cả khi năm 2023 được dự đoán còn nhiều thách thức phía trước.
Ban lãnh đạo công ty nhận định những bất ổn kinh tế, xung đột địa – chính trị, vấn đề thiếu hụt năng lượng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên các yếu tố lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, việc làm…Vì vậy, tâm lý tiêu dùng tiết kiệm cũng như chi phí doanh nghiệp tăng cao sẽ khó thay đổi trong năm 2023. Các diễn biến vĩ mô bất lợi sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi đó, các doanh nghiệp không đủ sức chống chịu, không có khả năng cạnh tranh sẽ phải rời khỏi thị trường.