Đó là TAGLINE, hay là SLOGAN?

Cứ viết một câu hay một vài câu về sản phẩm nghe lạ tai lại có vần điệu thì đó chính là slogan! Còn tagline là gì nhỉ? Cũng chỉ là những câu nghe sao có vần có duyên có nhắc đến đặc tính sản phẩm thôi sao? Vậy thì tagline với slogan là một chứ gì nữa nhỉ?

Chính những quan niệm sai lầm như này mà ngày nay những câu nghe tưởng chừng như là slogan lại nhan nhản ngoài kia, nhưng khách hàng mục tiêu lại tuyệt không nhớ, hay thậm chí không hiểu. Slogan hay tagline đều không chỉ đơn giản lên các nhóm trên mạng để "xin", càng không thể qua loa đại khái mà viết bừa. Hãy hiểu đúng tầm quan trọng và vai trò của slogan, cũng như tagline nhé!


I. SLOGAN LÀ GÌ?

“Slogan là một cụm từ ngắn được sắp xếp theo một cách đặc biệt, giúp định vị thương hiệu sản phẩm hay công ty.” 
- Theo Entrepreneur -
Cụ thể hơn, slogan là câu văn ngắn nhưng có thể truyền tải được thông tin cốt lõi mà doanh nghiệp hay thương hiệu muốn người tiêu dùng nhớ đến khi nhắc về. Những thông tin cốt lõi đó bao gồm lời hứa, cam kết của doanh nghiệp về giá trị cốt lõi hay hướng phát triển cho sản phẩm. 

Chắc hẳn ai cũng quan tâm đến những câu slogan hay, hãy cùng MondiaL khám phá:

Hình thức của slogan: Ở Việt Nam, hình thức của slogan thường thấy sẽ là lối chơi chữ, điệp âm, từ ngữ có nghĩa mở rộng,...

Nếu như một thương hiệu được nhận diện và định vị bằng hình ảnh thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu thì slogan là lời nói giúp thương hiệu định vị với khách hàng thông qua giác quan và vào trong tiềm thức. Slogan cũng là một công cụ định vị thương hiệu nằm trong bộ nhận diện thương hiệu.

II. THỜI GIAN TỒN TẠI CỦA SLOGAN

Và dĩ nhiên, slogan là để truyền đạt thông tin về những giá trị cốt lõi, lời hứa của doanh nghiệp, nó song hành cùnghành trình phát triển của doanh nghiệp. Vậy nên slogan càng không thể bị thay đổi ngày một ngày hai. Thử hình dung với một doanh nghiệp, hôm nay hứa một lời ngày mai lại nói kiểu khác, bản thân bạn có cảm thấy tin tưởng để hợp tác hay tin dùng hay không?

Có những doanh nghiệp giữ nguyên slogan từ khi bắt đầu thành lập trên thị trường cho đến bây giờ. Nổi tiếng như câu "Just do it" của Nike hay "Think different" của Apple.

Vậy thì những câu nghe cũng bắt tai, cũng thu hút, cũng có vần và xuất hiện theo từng đợt của doanh nghiệp được gọi là gì?

"Bạn có thắc mắc, MondiaL sẽ giải đáp!" Đó chính là những câu tagline.

III. PHÂN BIỆT TAGLINE VỚI SLOGAN


Nếu slogan là những câu truyền tải thông tin có giá trị cốt lõi về doanh nghiệp thì tagline lại là những câu truyền tải mục tiêu cho một chiến dịch hay đặc tính của sản phẩm. Một chiến dịch quảng cáo luôn bao gồm key message (thông tin cốt lõi của chiến dịch) và big idea (ý tưởng lớn cho toàn bộ chiến dịch). Vai trò của tagline lúc này là giúp truyền tải ngắn gọn thông tin của key message hoặc big idea.

Ví dụ thực tế:

  • Viettel

Slogan: Hãy nói theo cách của bạn

Tagline: Khi công nghệ tiến lên phía trước, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau

  • Omo

Slogan: Đánh bay mọi vết bẩn cứng đầu

Tagline: Học hỏi điều hay, ngại gì vết bẩn

  • Vinamilk

Slogan: Sức khỏe và vẻ đẹp của bạn

Tagline: Chất lượng quốc tế - Chất lượng Vinamilk
Tận hưởng cuộc sống
Vì thế hệ tương lai vượt trội
Vươn cao Việt Nam