Trong ngày 30/09, hợp đồng hoán đổi tín dụng (CDS) của Credit Suisse tăng mạnh, qua đó làm dấy lên nỗi lo về tình hình tài chính của Ngân hàng Thụy Sỹ này. 

CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra.

Tuy nhiên, cuối tuần trước, các giám đốc cấp cao tại Credit Suisse đã lên tiếng trấn an các khách hàng, đối tác và nhà đầu tư về thanh khoản và vị thế vốn của họ.

“Đội ngũ của chúng tôi đang tích cực trao đổi với các khách hàng và đối tác lớn vào cuối tuần trước”, một giám đốc tại Credit Suisse cho biết. “Chúng tôi cũng nhận được những cuộc gọi từ các nhà đầu tư hàng đầu của Credit Suisse, họ gửi thông điệp ủng hộ tới Credit Suisse”.

Trước đó, một số bài báo cho biết Credit Suisse đã chính thức tiếp cận với các nhà đầu tư để bàn về khả năng huy động thêm vốn. Vị giám đốc của Credit Suisse phản đối các bài viết này, cho rằng Credit Suisse đang cố không huy động vốn khi giá cổ phiếu ở mức thấp kỷ lục và chi phí vay cao hơn (vì mới bị hạ bậc tín nhiệm).

Sau khi cổ phiếu Credit Suisse giảm hơn 25% trong tháng trước, Tổng Giám đốc Ulrich Körner đã gửi thông báo để trấn an nhân viên về tình hình vốn và thanh khoản tại Ngân hàng.

credit-suisse-1664786866.jpg
 

Sau khi xuất hiện nhiều lời đồn thổi về tình hình tài chính của Credit Suisse trên mạng xã hội, các nhân viên nhận được thông báo rằng: “Mối quan ngại của nhiều bên liên quan tới Credit Suisse vẫn là tình hình vốn và sức mạnh tài chính của ngân hàng. Credit Suisse có vị thế vốn, thanh khoản và bảng cân đối kế toán mạnh. Diễn biến giá cổ phiếu không làm thay đổi sự thật đó”.

Trước đó, theo đề xuất với hội đồng quản trị, Credit Suisse đang tìm cách bán một số mảng kinh doanh. Các đề xuất này có thể chia ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ thành ba phần: mảng tư vấn tài chính, "một ngân hàng quản lý nợ xấu" để nắm giữ các tài sản có rủi ro cao và các hoạt động kinh doanh còn lại. Hiện Credit Suisse vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin trên.

Credit Suisse cho biết: "Chúng tôi sẽ cập nhật tiến độ đánh giá chiến lược toàn diện khi công bố doanh thu quý III/2022. Sẽ là quá sớm để bình luận về bất kỳ kết quả nào trước đó".

Chủ tịch Credit Suisse Group Axel Lehmann đã bổ nhiệm Ulrich Körner làm Giám đốc điều hành ngân hàng này vào mùa Hè vừa qua, với một bản tóm tắt chiến lược cải tổ ngân hàng này, vốn đã bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối gián điệp của ngân hàng này vào năm 2019, khi cựu Giám đốc quản lý tài sản quốc tế của ngân hàng này, ông Iqbal Khan tố cáo một thám tử tư theo dõi ông và vợ ông vì nghi ngờ họ tìm cách "lôi kéo" các đồng nghiệp cũ khi rời Credit Suisse chuyển sang làm cho ngân hàng đối thủ UBS. Bên cạnh đó, việc đóng cửa quỹ đầu tư, mức lỗ hoạt động kỷ lục và một loạt vụ kiện cáo trong những năm gần đây cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng này.

Hồi đầu tháng này, Reuters đưa tin rằng Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ, cũng đang tìm cách cắt giảm khoảng 5.000 việc làm, tương đương 1/10 tổng số nhân viên của họ, như một phần của nỗ lực giảm chi phí.

Vào tháng 5/2022, Credit Suisse trong giai đoạn đầu cân nhắc các lựa chọn để tăng vốn sau một chuỗi thua lỗ đã làm xói mòn “vùng đệm” tài chính của ngân hàng này. Hiện nay, 2 trong 3 lĩnh vực kinh doanh của Credit Suisse là investment banking và Allfunds vẫn đang hoạt động kém hiệu quả.

Năm ngoái, Credit Suisse cũng thua lỗ hàng tỷ USD. Trong hai năm qua, ngân hàng đã hứng chịu hàng loạt tin xấu. Tháng 2 năm nay, Credit Suisse tiếp tục phải đối mặt với thách thức mới khi một cuộc điều tra quốc tế cáo buộc ngân hàng này xử lý các khoản tiền “bẩn” trong suốt nhiều thập kỷ.

Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt vụ bê bối gây tổn hại tới uy tín của ngân hàng 166 năm tuổi này. Trước đó là vụ bê bối do các hoạt động do thám của Credit Suisse liên quan đến các giám đốc điều hành cấp cao, sau đó là hoạt động tương tự giữa ngân hàng này với công ty tài chính Greensill Capital.

Hồi năm ngoái, ngân hàng này đã thiệt hại hàng tỷ USD do các kế hoạch đầu tư bị phá sản và phải nộp phạt lớn vì liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng ở Mozambique.