vietcredit-1640423166.jpg
 

Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) vừa được chấp thuận đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán TIN. Số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là gần 687,9 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ gần 688 tỷ đồng. Ngày giao dịch đầu tiên bắt đầu vào thứ ba, ngày 28/12.

Giá tham chiếu trong ngày chào sàn là 15.200 đồng mỗi cổ phần, tương đương với mức định giá 1.046 tỷ đồng. Theo quy định tại UPCoM, biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là 40%, theo đó giá sẽ biến động trong khoảng 9.120-21.280 đồng/cổ phiếu.

Đây là công ty tài chính thứ 2 lên sàn chứng khoán sau công ty EVN Finance (EVF) và là một trong 3 công ty tài chính hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) được thành lập ngày 29/5/2008 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông chiến lược chiếm 61,5% vốn là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel).

Cho đến trước năm 2014, trong cơ cấu cổ đông lớn của CFC có sự xuất hiện của CTCP Vận tải và Thương mại Quốc tế - ITC (16,86%). Ngân hàng TMCP Bản Việt chính thức xuất hiện trong tư cách cổ đông lớn của CFC từ cuối năm 2014, còn CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt xuất hiện vào cuối năm 2015.

Cuối tháng 9/2015, VnSteel bán đấu giá toàn bộ 6,3 triệu cổ phần, tương đương 10,41% vốn điều lệ CFC. Đã có 3 nhà đầu tư cá nhân chi tổng cộng 75,6 tỷ đồng (giá 12.000 đồng/cp) để mua lượng cổ phần này.

Phía Ngân hàng TMCP Bản Việt nắm 10,99% vốn tại thời điểm cuối năm 2015 và 4,96% vốn vào cuối năm 2016. Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt nắm 4,96% vốn hồi năm 2016.

Cuối 2017, Vietcombank thoái toàn bộ vốn khỏi CFC. Trước đó, nhóm Bản Việt cũng đã thoái hết vốn. Tài chính Xi măng thay chủ mới và bước vào công cuộc thay đổi toàn diện.

Năm 2018, Công ty chính thức đổi tên thành Công ty Tài chính Cổ Phần Tín Việt - VietCredit theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp vào ngày 18/06/2018, đồng thời chính thức tham gia vào thị trường Tài Chính Tiêu Dùng với sản phẩm chiến lược là Thẻ Vay.

Ngay tháng 11 năm này, công ty phát hành thêm cổ phần, tăng vốn điều lệ từ 604 tỷ đồng lên 1.070 tỷ đồng.

Cổ đông lớn hiện chỉ còn duy nhất là Vicem với tỷ lệ sở hữu 14,59%. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Phương nắm giữ gần 3 triệu cổ phần, tương đương 4,32% vốn cổ phần. Bên cạnh đó, thành viên HĐQT Nguyễn Chí Hiếu và vợ tổng giám đốc Hồ Minh Tâm đang sở hữu lần lượt 3,38% và 2,5% vốn công ty.

Theo Fiin Research, dư nợ cho vay của VietCredit vào khoảng 1,4% trong năm 2019, tăng nhanh so với con số 0,1% của năm trước đó. Theo báo cáo kinh doanh 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập thuần từ tiếp tục tăng trưởng cao 65% đạt trên 1.200tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 69 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 72% kế hoạch năm.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của VietCredit đạt 5.322 tỷ đồng, tăng gần 4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay khách hàng chiếm tới 3.344 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.