thep-hp-1634197897.jpg
Hoà Phát tăng trưởng nhờ nhu cầu thép phục hồi ở các thị trường nước ngoài

Thị trường chứng khoán quý III chứng kiến sự phân hoá của nhiều nhóm ngành với vận động chính là giằng co, rung lắc, và đi ngang thay vì xu hướng tăng rõ rệt trong 6 tháng đầu năm. Những tác động kể trên đã ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhiều nhà đầu tư đồng thời ghi nhận thêm một số lượng đáng kể nhà đầu tư mới tham gia trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng ngày càng giảm sút.

Nhờ vậy, các doanh nghiệp chứng khoán được kỳ vọng có kết quả kinh doanh trong một quý đầy khó khăn này. Công ty chứng khoán SSI ước lợi nhuận trước thuế quý III đạt 836 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng đạt gần 2.100 tỷ đồng, tăng 94% và vượt 12% kế hoạch năm.

SSI đang dẫn đầu thị trường về mảng cho vay margin với dư nợ ký quỹ cuối quý III đạt mức kỷ lục là 18.100 tỷ đồng. Số lượng tài khoản mở mới tại SSI trong quý tăng 17,4% so với quý trước và tăng 323% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch của SSI tăng trưởng tích cực, đạt 7,5% so với quý II (cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thị trường chung là 4,2%) và tăng 247% so với cùng kỳ.

Tương tự, chứng khoán NH Việt Nam (NHSV) cũng vừa ghi nhận doanh thu hoạt động 58,7 tỷ đồng trong quý III, tăng 64% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 15,6 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III năm ngoái. Lợi nhuận từ cho vay và phải thu cùng môi giới của đơn vị đều ghi nhận gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước trong khi lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm. Lũy kế 9 tháng, doanh thu hoạt động đạt 177 tỷ đồng, tăng 58,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 42 tỷ đồng, tăng 186%.

Trong khi đó, ngành thép lại chịu ảnh hưởng nhất định do nhu cầu tiêu thụ thép giảm (gây ra bởi dịch bệnh và yếu tố thời tiết). Một vài doanh nghiệp thép quy mô nhỏ đã trải qua một quý III ảm đạm chẳng hạn như Thép Thủ Đức – Vnsteel báo lỗ, Thép Vicasa – Vnsteel có mức lãi giảm đến 48% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, các ông lớn trong ngành lại được mùa bội thu vì nhu cầu thép đang dần phục hồi tại nhiều thị trường nước ngoài, đặc biệt là những nơi kiểm soát tốt dịch bệnh.

Các doanh nghiệp thép đầu ngành như Hòa Phát hay Hoa Sen được dự báo tăng trưởng. SSI Research ước tính Hòa Phát có thể đạt lợi nhuận ròng hơn 8.700 tỷ đồng trong quý III, tăng 131% so với cùng kỳ nhờ việc tăng 167% sản lượng thép tấm cuộn cán nóng (HRC) mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong các dòng sản phẩm. Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 50% và giá HRC gấp đôi cũng giúp tăng đáng kể biên lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Với Hoa Sen, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV (theo niên độ tài chính 2020-2021) sẽ tăng 110% lên 950 tỷ đồng. Điều này được thúc đẩy bởi sản lượng tăng 6,5% và giá bán bình quân tăng 72%.

Dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề trong quý III, đặc biệt là những doanh nghiệp đang ở khu vực phía Nam. Đến hiện tại, khi dịch tạm thời được kiểm soát, họ lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng nên chưa thể quay lại hoạt động bình thường. Trong khi đó, những doanh nghiệp dệt may phía Bắc lại ít ảnh hưởng hơn, thậm chí được hưởng lợi nhờ vào số lượng đơn hàng từ phía Nam tăng lên.

Cụ thể, Damsan với nhà máy sợi đặt tại Thái Bình thông tin ước doanh thu hợp nhất quý III đạt khoảng 333 tỷ đồng, tăng 73%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 28 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần 1.030 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận hơn 85,2 tỷ đồng, gấp 20 lần so với cùng kỳ và vượt 18% kế hoạch năm.

Công ty Sợi Thế Kỷ cho biết doanh thu quý III ước 471 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 52 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. So với quý I và II, doanh thu đạt khoảng 80% và lợi nhuận khoảng 75%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 1.548 tỷ đồng và lãi sau thuế 193 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và gấp 2, 6 lần cùng kỳ 2020.

Tương tự, Vải sợi May mặc Miền Bắc báo cáo doanh thu thuần quý III tăng 2% đạt gần 5,7 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 32% đạt 1,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 53% lên hơn 64% và chi phí quản lý giảm thúc đẩy lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm nhẹ 1% xuống mức 16,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 52% lên 6 tỷ đồng do giá vốn hàng bán và chi phí quản lý giảm lần lượt 21% và 12%. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện 80% kế hoạch doanh thu và vượt 15% kế hoạch lợi nhuận.

Ngành cao su nội địa cũng đang trên đà phục hồi khi Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chính đã gần như kiểm soát được dịch và hoạt động bình thường. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành này cũng ghi nhận được nhiều kết quả khả quan.

Doanh thu Cao su Bà Rịa trong quý III giảm 20% xuống 93,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp cải thiện từ 13,3% lên 51% đã giúp lợi nhuận sau thuế gấp 3 lần lên 33,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 20% và lợi nhuận sau thuế gấp 2,9 lần lên lần lượt 243 tỷ và 68,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty Xây dựng SCG báo cáo doanh thu quý III đạt 559 tỷ đồng, tăng 131%; lợi nhuận sau thuế 21,5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lý giải, tại ngày 20/9, đã mua Công ty cổ phần Sunshine – Design trở thành công ty con với tỷ lệ sở hữu 95% giúp doanh thu và lợi nhuận quý III tăng mạnh. Bên cạnh đó, công ty cũng đẩy nhanh thi công một số dự án, hạ tầng mới.

Doanh thu 9 tháng gấp 2,6 lần lên 2.092 tỷ đồng, lãi sau thuế gấp 3 lần lên 125 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp mới thực hiện 42% mục tiêu doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận năm.