J.P Morgan gọi tên Masan - cổ phiếu MSN 'tím rịm'

TTCK Việt Nam có diễn biến giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo trong năm 2023 dưới tác động bởi nhiều yếu tố trái chiều. TTCK Việt Nam có diễn biến giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo trong năm 2023 dưới tác động bởi nhiều yếu tố trái chiều.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán KB Việt Nam, "đối với triển vọng trong năm 2024, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn".

Cùng quan điểm đó, J.P Morgan cũng tin rằng VN Index có thể tiến gần hơn đến kịch bản tích cực, tăng lên mức 1.450 điểm (so với kịch bản cơ bản 1.300 điểm) nhờ việc thực hiện cải cách pháp lý, hướng tới nâng hạng thị trường mới nổi. Báo cáo cũng nêu ra các lĩnh vực đầu tư ưa thích của J.P Morgan tại thị trường Việt Nam là ngân hàng, công nghệ thông tin và hàng tiêu dùng, với các cổ phiếu MSN, TCB, ACB, FPT.

Theo báo cáo, các nhà phân tích JPMorgan đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là 102.000 đồng vào tháng 12.2024, tăng khoảng 26% so với vùng giá hiện tại.

Sau thời gian đi ngang tích lũy, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan bất ngờ bùng nổ và trở thành "đầu tàu" dẫn dắt đà tăng của VN-Index trong phiên 5/3. 

Cụ thể, sau 15 tháng giao dịch, cổ phiếu MSN mới tiếp tục ghi nhận một phiên tăng hết biên độ để lên mức 75.700 đồng/cp. Đây cũng là thị giá cao nhất của cổ phiếu này trong hơn 5 tháng qua, kể từ đầu tháng 10/2023.

Không chỉ bứt phá về mặt điểm số, dòng tiền cũng cuồn cuộn chảy vào cổ phiếu MSN. Thanh khoản khớp lệnh trong phiên 5/3 lên đến gần 13 triệu cổ phiếu, tăng gấp 3 lần so với bình quân và cũng là mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của MSN.

Với thanh khoản gần 960 tỷ đồng - xếp thứ ba toàn sàn và mức giá trần đạt được những phút cuối phiên - MSN trở thành cổ phiếu dẫn dắt chính. Gần 70% khớp lệnh đến từ bên mua chủ động. Việc mua ròng hơn trăm tỷ đồng của khối ngoại cũng hỗ trợ đáng kể cho thị giá MSN. Tổng lại, mã chứng khoán của Tập đoàn Masan trở thành cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index.

Masan - doanh nghiệp hàng đầu trong danh mục đầu tư của J.P Morgan kinh doanh ra sao?

Theo Báo cáo tài chính của Masan (MSSN), kết quả kinh doanh 2023 sụt giảm mạnh về mức thấp của nhiều năm. MSN ghi nhận KQKD 2023 với doanh thu thuần 78.252 tỷ (tăng 2,7%) và lợi nhuận sau thuế 419 tỷ (giảm 88,3%). Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của công ty khi sự tăng trưởng vững vàng của các mảng kinh doanh Tiêu dùng không thể bù đắp sự tăng mạnh của chi phí tài chính trong môi trường lãi suất và tỷ giá biến động, và kết quả kinh doanh kém khả quan của các mảng không cốt lõi, công ty liên kết.

Nếu loại trừ tác động của việc chuyển MSN Jinju cho MML, doanh thu của MCH tăng trưởng đến 9%, là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh chi tiêu thắt chặt khi niềm tin tiêu dùng ở mức thấp do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi.

Các dòng hàng Gia vị, Thực phẩm tiện lợi và Chăm sóc gia đình hưởng lợi nhờ xu hướng tiêu dùng nhiều hơn tại nhà, trong khi Đồ uống và Bia ghi nhận tăng trưởng kém do sự cắt giảm chi tiêu ăn uống và giải trí bên ngoài.

MCH tiếp tục là một trong những doanh nghiệp FMCGs dẫn đầu trong cải tiến và đổi mới với doanh thu từ các sản phẩm mới tăng 39%, đóng góp 4,4% tổng doanh thu năm 2023. Biên lợi nhuận gộp cũng có sự cải thiện mạnh mẽ, ghi nhận ở mức 46,3% trong quý 4/2023, tăng 440 bps so với đầu năm nhờ đầu vào giảm và cơ cấu sản phẩm thay đổi.

Chiến lược “Go Global” của MCH cũng ghi nhận mốc thành tích đáng khích lệ với doanh thu vượt ngưỡng 1.000 tỷ trong năm 2023. Các sản phẩm thương hiệu Chin-su hiện đang được xuất khẩu đi các thị trường phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu và Nhật Bản. Đặc biệt, tương ớt Chin-su đang là một trong những sản phẩm bán chạy nhất trên nền tảng Amazon.

Trong năm, WinCommerce (WCM) ghi nhận doanh thu 30.054 tỷ (tăng 2,3%) và lỗ hoạt động kinh doanh 324 tỷ, giảm lỗ gần 150 tỷ so với năm trước. WCM đã mở thêm 312 cửa hàng siêu thị mini (WMP) và 2 siêu thị (WMT) trong năm 2023. WCM tập trung chuyển đổi các cửa hàng theo nhiều mô hình khác nhau để phụ hợp với từng địa bàn hoạt động.

Masan MeatLife (MML) ghi nhận doanh thu 6.984 tỷ (tăng 46%) và lỗ ròng HĐKD 224 tỷ, giảm lỗ 232 tỷ so với năm trước. Nhìn chung sự cải thiện chủ yếu đến từ việc nhận lại mảng thịt chế biến từ MCH, trong khi mảng Trang trại và Thịt mát vẫn gặp nhiều khó khăn do giá Lợn hơi và Gà vẫn ở mức thấp và có sự biến động mạnh trong năm 2023. Tuy vậy, không thể phủ nhận nỗ lực của công ty trong đẩy mạnh tiêu thụ thịt mát qua hệ thống WinMart và WinMart+ thông qua các chương trình ưu đãi hấp dẫn cho hội viên WiN. Điều này đã góp phần giúp cải thiện nhiều hiệu suất hoạt động của các nhà máy giết mổ.

Phuc Long Heritage (PLH) ghi nhận doanh thu 1.535 tỷ (giảm 3%) và lợi nhuận HĐKD 85 tỷ (giảm 17%). Doanh thu và lợi nhuận của PLH sụt giảm do sự dè dặt của người tiêu dùng đối với các chi tiêu không thiết yếu, cũng như sự chủ động của công ty trong đóng bớt các điểm Kiosks hoạt động kém hiệu quả. Tuy vậy, công ty vẫn mở rộng được thêm 28 điểm bán trong năm 2023.

Masan Hi-Tech Materials (MHT) ghi nhận doanh thu 14.093 tỷ (giảm 9%) và lỗ ròng HĐKD 93 tỷ (giảm 107%). Giá đầu ra được duy trì ở mặt bằng cao so với 2022 tuy nhiên sản lượng giảm do cầu tiêu thụ tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Châu Âu, kém trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Ngoài ra, sự cố với nhà cung cấp dịch vụ nổ mìn tại mỏ Núi Pháo cũng làm cho tỷ lệ thu hồi giảm và chi phí biến đổi tăng mạnh khi nhà máy buộc phải sử dụng quặng nghèo (thường chỉ xử lý ở cuối vòng đời của mỏ).

Lợi nhuận đóng góp từ Techcombank (TCB) cũng giảm 11,2% .

Tính đến thời điểm cuối 2023, tổng nợ vay của MSN là 69.572 tỷ và nợ vay ròng 52.653 tỷ, không có biến động nhiều so với năm trước đó. Phần lớn nợ tới hạn đã được chuyển thành nợ gốc ngoại tệ thông qua hai khoản vay hợp vốn tổng trị giá 1,25 tỷ USD. Qua đó, chi phí lãi vay tăng 43,3% và chi phí tài chính tăng 27,8%.

Cuối quý 4/2023, nợ vay đến hạn trong 12 tháng tới của MSN là 8.963 tỷ đồng (giảm 62%) và chiếm 21,6% tổng dư nợ dài hạn. Theo đánh giá của công ty chứng khoán BVSC, áp lực cơ cấu nguồn vốn đã qua thời điểm tồi tệ nhất và lạc quan đối với khả năng thanh toán của MSN trong 2024 nhờ hệ số EBITDA trên phần nợ tới hạn cải thiện lên 1,6 lần; Tập đoàn sắp nhận được 250 triệu USD từ Bain Capital; và tổng tiền mặt gần 17.000 tỷ đồng.

BVSC dự báo doanh thu thuần hợp nhất năm 2024 của MSN đạt 90.417 tỷ (tăng 15,5%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.651 tỷ, tăng gần 4 lần so với nền thấp năm 2023. 

"Chúng tôi tin rằng động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ sự vững vàng của trụ cột The CrownX với tăng trưởng ổn định từ Masan Consumer Holdings trong khi WinCommerce tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động, hướng đến năm đầu tiên có lợi nhuận hoạt động dương. Các mảng khác bao gồm Masan MeatLife và Masan Hi-Tech Materials thu hẹp lỗ, giảm bớt gánh nặng lợi nhuận chung cho cả Tập đoàn. Chi phí lãi vay giảm nhờ mặt bằng lãi suất thấp. Rủi ro tỷ giá của các khoản vay USD đã được phòng hộ 100% thông qua các hợp đồng tương lai và công cụ phái sinh", báo cáo phân tích của BVSC nhìn nhận.