Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch Thế giới Di động (MWG) Nguyễn Đức Tài cho biết trước đây đơn vị không quá chú ý về chênh lệch giá giữa mình với các đối thủ và đó là "khe hở" để họ kiếm khách hàng. Lãnh đạo MWG nhìn nhận thực tế có những thời điểm giá của đơn vị này cao hơn các cửa hàng khác vài triệu đồng, nhưng điều này sẽ chấm dứt và không để chênh lệch giá thành điểm lợi cho đối thủ. "Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi", ông Tài khẳng định.
Để cụ thể hóa lời nói của Chủ tịch, MWG đã tung ra thị trường những chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm cạnh tranh với đối thủ.
Và đây, mức giá mà TGGĐ đang bán để các đối thủ rên xiết như ông Tài nói...
Ngày xưa, TGDĐ dùng dịch vụ để đánh chiếm thị phần các cửa hàng nhỏ lẻ, dù giá bán cao hơn, nhưng nay khi các hệ thống nhỏ bắt đầu trỗi dậy với dịch vụ không hề thua kém thì TGDD lại dùng chiêu “lấy thịt đè người”. Cụ thể doanh nghiệp này dùng nguồn lực tài chính khổng lồ để chèn ép đối thủ bằng các chiêu thức có thể nói là phá giá thị trường. Đơn cử như số liệu chênh lệch thấy rõ về giá bán của TGDĐ đối với giá nhập các sản phẩm của Apple. Sản phẩm Macbook Air 13 2020 M1 256GB có giá nhập Apple công bố chính thức khi NPI và giữ nguyên đến khi NPI năm sau là 23.001.000, nhưng khi qua đến tay TGDĐ thì chỉ bán ra với mức giá 18.490.000 (ghi nhận ngày 18/05/2023). Hoặc sản phẩm iPad 10.2 2021 Wi-Fi 64GB có giá nhập là 7.810.000 nhưng TGDĐ lại bán ra với mức chênh lệch giảm lên đến 3,96%, tương ứng bán ra 7.190.000, tại ngày 18/05/2023.
"Cuộc chiến giá" còn trở nên phức tạp hơn với người tiêu dùng khi xuất hiện tình trạng giá công bố trên website và tại cửa hàng khác nhau.
Cách làm này của TGDĐ dường như là một bước “chạy đà” cho việc sớm giữ được độc quyền về sản phẩm, mà một khi đã giữ được thế độc quyền, nếu giá bán được đưa lên con số cao hẳn so với những ngày đầu cũng sẽ rất dễ dàng với thương hiệu này, đặc biệt, người tiêu dùng sẽ không mảy may nhận ra sự chênh lệch qua “bí kíp” ngầm đó. Và ảnh hưởng lớn nhất của việc này lại là sự yếu thế của các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành, sự yếu thế thấy rõ qua nguồn lực tài chính. Nếu không đủ mạnh, sao có thể hy sinh một khoản chi phí quá lớn để tham gia vào bước “chạy đà” hoàn hảo nói trên? Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành dù tiềm lực khác nhau nhưng nếu cùng xuất phát ở con số bán ra giống nhau, sẽ là một “cuộc chiến” xác đáng hơn.
Nếu xét đến việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, có thể hành vi liên tục ‘đạp giá’, bán sản phẩm với mức dưới giá thành có thể vi phạm Luật Cạnh Tranh. Tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh Tranh 2018 nêu: Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.Điều 45 Luật cạnh tranh Việt Nam 2018 cũng quy định rõ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm. Tại Khoản 6 điều luật này có nêu rõ hành vi “Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó” chính là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.
Nguồn chi phí để mở cuộc chiến phá giá
CTCP đầu tư Thế giới di động - MWG đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023, doanh thu thuần giảm 26% so với cùng kỳ, đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của MWG đạt 5.214 tỷ đồng, giảm 26% (tương đương giảm hơn 2.900 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022.
Theo bản báo cáo, lợi nhuận sau thuế của công ty trong quý I chỉ đạt hơn 21 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái giảm gần 99%, đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, mặc dù chi phí doanh nghiệp và chi phí bán hàng được công ty tiết giảm đến 19%. Với hệ thống hơn 5.700 cửa hàng trên cả nước, lợi nhuận MWG giảm dần và với mức về gần sát 0.
Với kết quả kinh doanh được cho là ảm đạm như trên, hơn 9.000 nhân viên của MWG đã được cho sa thải trong hơn nửa năm qua. Theo báo cáo tài chính ngày 30/9/2022, nhân viên của công ty được ghi nhận là 80.321 người (MWG cho biết số lượng nhân viên này gồm cả nhân sự đã nghỉ việc nhưng chưa chuyển lương, vì cách tính này dựa vào số người được nhận chuyển lương vào thời điểm đó). Thực tế, nhân viên đang làm việc vào thời điểm trên chỉ 77.092 người. Đến ngày 31/3/2023, báo cáo tài chính của MWG cho thấy số nhân viên còn lại là 68.084 người.
Như vậy, chỉ trong 6 tháng số lượng nhân sự của Thế giới di động đã có sự biến động lớn, hơn 9.000 nhân viên sa thải, chiếm tỷ lệ tới 12%.
Tuy nhiên, dù là một chuỗi hệ thống lớn nhưng đặc thù của MWG vẫn là ngành bán lẻ, ROS (tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu) công ty vốn không cao, dù đang trong thời kỳ thuận lợi thì ROS của MWG chỉ nằm trong mức từ 3% - 5%. Nếu hạ giá bán để bảo vệ lợi nhuận thì bắt buộc phải cắt giảm những chi phí quản lý khác như chi phí mặt bằng, điện nước, khấu hao và đặc biệt là chi phí nhân viên.
Như vậy, dựa theo kết quả kinh doanh trong quý I, MWG được “cứu cánh” không bị lỗ là nhờ cắt giảm chi phí quản lý và chi phí bán hàng mà trong đó là chi phí nhân viên.
Theo báo cáo, khi biên lợi nhuận giảm 19% thì chi phí tài chính cũng tăng lên 43%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1.165 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nhân viên chiếm tới 76% trong chi phí cắt giảm, khoảng 882 tỷ đồng. Lấy một ví dụ, nếu có 10 đồng được MWG giảm đi thì chi phí nhân viên sẽ chiếm 7 đồng trong đó.
Dựa theo báo cáo, chỉ trong quý I số lượng nhân viên của MWG đã giảm 8%, giảm ròng 5.960 người. MWG đưa ra lời giải thích cho sự việc sụt giảm hơn 9.000 nhân sự là biến động tự nhiên, so với trung bình ngành khoảng 15,6% thì con số này là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp có cùng ngành hoạt động với MWG là FRT - Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT đã đưa ra con số thống kê, nhân sự của FRT trong 6 tháng qua tăng 5,1% tương đương 751 người. Các chuỗi bán lẻ điện thoại, laptop hay hệ thống Cellphones cũng có thống kê nhân sự của họ từ đầu năm đến nay không hề có sự sụt giảm như của Thế giới di động.
Thời điểm trước đây, đặc biệt là vào năm 2019, Thế giới di động của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã gây ra tranh cãi dư luận khi cho biết “quản trị nhân sự bằng yêu thương”, thậm chí Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã phải có một buổi trao đổi về chủ đề gây tranh cãi này với Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam - bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh.
Ông Tài đã từng chia sẻ: “Tôi cho rằng, chúng tôi đang kinh doanh ngành dịch vụ, nên yếu tố yêu thương phải được coi là vô cùng quan trọng, khác hẳn các ngành khác. Một người nhân viên không hạnh phúc thì không thể nào anh ta mang niềm vui đến cho những người khách hàng xa lạ”.
Con đường kinh doanh bền vững mà ông Tài từng đề cập đến là khi giá trị yêu thương được triển khai thì kinh doanh không còn đơn giản chỉ là thuần túy kiếm tiền nữa mà hằng ngày những con người trong công ty khi chấp nhận “giá trị yêu thương” sẽ có cùng niềm tin, cùng hệ giá trị và cùng chí hướng. Từ đó, giúp công ty phát triển hơn.
Cũng trong một hội nghị khác nhiều năm trước, khi mà việc kinh doanh của MWG đang trong giai đoạn thuận lợi, tăng trưởng tốt, cũng chính Chủ tịch Nguyễn Đức Tài khẳng định: “Mọi thứ Chi ra đều là Phí, nhưng có 2 khoản Chi không Phí là chi cho nhân viên và khách hàng”.
Nhìn lại tình hình kết quả kinh doanh trên, khi MWG lúc này đang trong tình trạng kinh doanh khó khăn, liệu doanh nghiệp này sẽ bàn tới chuyện “Yêu thương” hay “Chi phí”?
Quay trở lại việc giảm nhân sự của TGDĐ, theo số liệu mà thương hiệu này cung cấp, tổng quan quý 1/2023, toàn bộ thị trường điện thoại Việt Nam giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng viễn thông di động chứng kiến sự suy giảm 25 - 35%.
Trong đó, “ông lớn” là MWG đang giảm nhiều hơn so với thị trường. Hệ quả, nhìn về lợi nhuận, MWG sụt giảm hơn 90%. Giải thích cho việc này, MWG nói là tập trung vào việc “chiến giá” để đem tới giá tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế MWG đang giảm nhiều hơn mức giảm của thị trường. Nếu vậy, không thể nói cuộc chiến này đang đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Chưa kể, MWG đã cắt giảm khoảng 9.000 nhân viên, nhiều bộ phận và nhân viên phải thực hiện theo chiến dịch “đồng lòng chiến giá” và cắt giảm lương từ 10 - 100% lương, tùy vị trí. Và xét về lâu dài, khi toàn bộ bộ máy cắt giảm, người lao động không còn được đảm bảo về cuộc sống, phải chăng cuộc chiến “giá rẻ” sẽ không đủ điều kiện hỗ trợ khách hàng có được những trải nghiệm dịch vụ đầy đủ và an toàn nữa.
Như vậy, cuộc chiến giá để triệt hạ đối thủ này có chi phí từ cắt giảm nhân viên, giảm lương nhân viên (trong khi các công ty cùng ngành không cắt giảm). Và liệu rằng nó là chủ ý từ ban lãnh đạo TGDĐ hay chỉ đến từ ý chí chủ quan của ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Tập đoàn MWG?
Ở diễn biến khác, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến giữa “cơn bão” sales khiến giá iPhone được nhận định là thấp nhất thế giới, thậm chí có thể tiếp tục giảm, đây được xem là đòn giáng lớn mà Apple dành cho doanh nghiệp bán lẻ ICT hiện nay.
Trong khi lợi thế mà FPT Shop tự tin hiện nay là “phương thức thanh toán đa dạng phong phú linh hoạt” và “giao hàng nhanh chỉ từ 30 phút”, thì ông Nguyễn Đức Tài đại diện cho Thế giới Di động cũng nhấn mạnh: “Tôi không tin một vài cửa hàng apple có thể thay thế hơn 3.000 cửa hàng của Thế Giới Di Động cộng với các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, để phục vụ khách hàng”.
Theo các chuyên gia, việc Apple mở cửa hàng trực tuyến không gây hại cho thị trường Việt Nam mà ngược lại còn mang nhiều lợi ích hơn. Sẽ có một khung giá chuẩn dùng làm cơ sở tham chiếu đặc biệt là giá của những sản phẩm Apple tại Việt Nam luôn liên tục biến động, khi có một Apple Store trực tuyến tại Việt Nam thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ tự điều chỉnh hệ thống vận hành của mình, mang đến những hoạt động nâng cao trải nghiệm hơn để níu chân khách hàng.
Ngoài ra, đầu tháng 5 vừa qua, chính sách lương mới được đưa ra không hợp lý nên một số tài xế của Toàn Tín Logistic - Công ty thành viên của Thế giới di động ở kho Trần Đại Nghĩa đã đình công biểu tình và một số nhân viên thậm chí viết đơn xin nghỉ việc vì cảm thấy bất mãn. Đây là hậu quả của việc cắt giảm lương, cắt giảm nhân sự.
ESOP từng là công cụ tự hào của TGDĐ, để giữ người của TGDĐ nhưng vì đâu nhân viên chối bỏ?
Trong tháng 5/2023, Thế giới di động dự kiến triển khai mua lại 366.122 cổ phiếu đã phát hành ESOP (kế hoạch phát hành cổ phiếu dành cho người lao động) của những nhân viên đã chính thức nghỉ việc tại đây.
Theo báo cáo từ kết quả giao dịch mua bán lại cổ phiếu, tháng 9/2022 MWG đã mua lại 157.771 cổ phiếu; tháng 12/2022 MWG đã mua lại là 175. 143 cổ phiếu, và theo kế hoạch tháng 5/2023 tới là 366.122 cổ phiếu sẽ được MWG mua lại.
Con số thu hồi CP ESOP của những nhân viên nghỉ việc tăng theo cấp số nhân, chứng tỏ ngày càng nhiều key person và manager nghỉ việc.
“Thu hồi cổ phiếu ESOP theo quy định công ty, tức người lao động nghỉ mà có cổ phiếu ESOP thì cổ phiếu sẽ bị thu hồi bằng mệnh giá, chứ không phải là "muốn mua lại"”. Trong đó, đáng chú ý là năm 2021 và 2020 thì số lượng cán bộ nhân viên được phân phối giảm mạnh còn 500 người thay vì 5.500 người, hiểu là đội ngũ rất key nếu so với các năm trước. (Nguồn trong các báo cáo).
ESOP từng được xem là công cụ mà Thế giới di động tự hào để thúc đẩy nhân viên phát triển, CEO Thế giới di động còn sử dụng ESOP là phương pháp để giữ chân người giỏi ở lại với công ty. Thậm chí, việc có hay không có ESOP được coi là một chỉ dấu cho những nhà đầu tư, bởi nếu một ngày nào đó không còn ESOP, ông Nguyễn Đức Tài khuyên các cổ đông nên bán luôn cổ phiếu của Thế giới di động.
Như vậy, từ việc hạ giá sản phẩm để gây “chiến” với đối thủ, cắt giảm nhân sự để có nguồn phí cạnh tranh hay việc mua lại ESOP của nhân viên cũ, liệu rằng công ty này có đang cạnh tranh lành mạnh?