Làm lãnh đạo rồi ai cũng trải qua stress. Đằng sau sự cứng rắn, mạnh mẽ, bản lĩnh bên ngoài là những trăn trở, những mất mát và không hiếm những giây phút rơi xuống đáy của tuyệt vọng buồn chán. Stress rất nguy hiểm. Vì nó là kẻ thù dấu mặt, có sức công phá ghê gớm. Tự tử vì stress không phải chuyện lạ với nhiều nhân vật thành công cả về sự nghiệp, tiền bạc lẫn vị thế xã hội. Điều nguy hiểm của stress là chủ thể của nó thường có xu hướng che dấu, chịu đựng một mình và không sẵn sàng để đối diện khi stress ập đến.

Cái khó của một lãnh đạo doanh nghiệp khi đối diện nghịch cảnh gây stress là mối liên quan với người khác. Nếu chỉ xử lý theo ý thích, theo cảm xúc cá nhân thì đơn giản quá. Xử lý sao cho thấu tình, đạt lý không ảnh hưởng đến toàn cục đòi hỏi dù nhiều hay ít sự hy sinh và nhẫn nhịn. Chắc chỉ những ai gánh trên vai trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào mới thấm điều này.

Có những stress rất khó nói và nói ra sẽ chả có ai hiểu. Và thế là tự gặm nhấm. Gặm nhiều quá, nhiều lúc chỉ vì những việc nhỏ, những nhận thức cố chấp vặt vãnh. Nhưng vì ngày qua ngày lặp đi lặp lại lâu thành stress. Người ta nói lãnh đạo cô đơn có lẽ là vì lý vô số xung đột nhỏ khó chia sẻ chứ không hẳn vì sự việc lớn lao. Những lúc như vậy chỉ cần một người chả làm gì, chả cần nói gì chỉ im lặng lắng nghe là đủ. Lắng nghe với trọn vẹn tập trung có giá trị hơn vạn lời nói. Con người ta, có xu hướng tự hội thoại với cảm xúc bên trong của mình nhiều hơn là hội thoại thực sự với người họ đang nói chuyện.

Sense (cảm nhận) không chỉ là biết. Sense có nghĩa là cả nhận biết lẫn cảm thông. Tôi biết cảm xúc của anh là gì và tôi điều chỉnh hành vi vì cảm xúc này. Người có trách nhiệm (sense of responsibility) không chỉ biết trách nhiệm của họ mà còn cảm thấy hối lỗi khi không hoàn thành trách nhiệm. Vô tư về cảm xúc là khi anh không nhận biết cảm xúc người đối thoại hoặc anh có thể rất biết nhưng anh không quan tâm.

Mình đã vài lần trải qua stress. Cảm thấy cực kỳ trống rỗng, chán chường. Vẫn làm việc, chạy, pha cafe bình thường. Bên ngoài không có biểu hiện gì là đang stress, nhưng bên trong mình rơi vào trạng thái như không trọng lượng và hờ hững với những gì đang làm. Chạy thì như cái máy, uống cafe không thấy vị gì luôn. May mình ý thức được rằng đó là dấu hiệu của stress nhẹ nên vẫn kiểm soát được hành vi và không có những hành động dại dột. Nhận biết stress rất quan trọng để không để nó trôi tự do trầm trọng thêm.

Sau khi nhận thức được stress, việc tiếp theo là biết cách tiết chế và dần thoát ra. Có những stress nhất thời tự nó mất đi theo thời gian. Nhưng có những stress phải có bài thực hành tâm trí và dựa vào những điểm tựa tinh thần. Với mình đó là gia đình, lý tưởng cá nhân và đức tin. Những lúc stress nghĩ về gia đình là cái mỏ neo tỉnh táo nhất kéo mình về với thực tại. Về nhà mình chỉ kể chuyện vui. Mình không bao giờ đưa chuyện khó khăn, nghịch cảnh mình đang gặp với người thân yêu. Với các nhà lãnh đạo, có lẽ khó khăn bên ngoài dù khốc liệt đến mấy họ cũng sẽ vượt qua thôi vì có ai làm chủ doanh nghiệp mà không vật vã lên xuống đâu. Mọi giông bão bên ngoài sẽ không là gì hết nếu lãnh đạo có hai hậu phương bên trong: sự đồng cảm thấu hiểu của gia đình và lý tưởng để theo. Khi gặp stress, lý tưởng, sứ mệnh big why cũng là động lực mạnh mẽ để thoát khỏi tình trạng trống rỗng.

"Bên trong mỗi người đều có một cuộc chiến"

- Martin Luther King Jr.

Câu nói thật sâu sắc. Bên trong mỗi nhà lãnh đạo đều có một cuộc chiến với stress. Mình may mắn có cả gia đình và học theo triết lý của chủ nghĩa khắc kỷ nên vài lần bị stress nhẹ vẫn bình anh trở về.

-------------------------------------

BrandSon

Newbie stoic