dan-dat-chu-khong-phai-ra-lenh-1686555247.jpeg
 

Này ông Alex, cho tôi hỏi:

- Làm cách nào để đối phó với những nhân vật lớn, với cái tôi lớn?

- Tôi giữ họ trong cùng một team, là những người xuất sắc, có cá tính, họ không cần hoà thuận với nhau, nhưng họ cần biết kế hoạch, vai trò của họ trong team và họ cần biết ai là ông chủ, ai là người có quyền quyết định.

Đấy là câu chuyện về cuộc trò chuyện giữa Tony Blair với HLV Alex Ferguson thời Tony Blair đang làm thủ tướng Anh. Tony Blair nhận thấy sir Alex đã lãnh đạo rất tốt những cầu thủ tài năng, nhưng đầy cá tính như Eric Cantona, David Beckham, C. Ronaldo, ông đã mời Sir Alex gặp gỡ để đưa ra các lời khuyên về cách đối phó với những nhân vật lớn, với cái tôi lớn, về cách xử lý áp lực và rèn luyện tinh thần.

Câu chuyện này đã làm thay đổi thái độ của tôi với Alex Ferguson, bởi trước đó tôi tuy có kính trọng và khâm phục ông như một HLV tài ba, đầy chiến tích “ngàn năm có một”, nhưng không yêu quí (bởi ông là đại kình địch của Arsene Wenger, người mà tôi yêu quí, ngưỡng mộ, bởi ông đã dùng lối đá rắn, quyết liệt và thô bạo để ngăn chặn chuỗi 49 trận bất bại của Arsenal).

Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu về Ferguson, tìm đọc các bài báo viết về ông, mua sách của ông và tôi đã đi từ ngạc nhiên đến yêu thích ông không phải trên tư cách một HLV bóng đá mà trên tư cách một người lãnh đạo (leader).

“Nếu tôi điều hành một công ty thì tôi sẽ luôn luôn lắng nghe suy nghĩ của những người trẻ tuổi tài năng nhất, bởi vì họ là những người kết nối nhiều nhất với thực tại của hôm nay và viễn tưởng của ngày mai”.

“Nhiều người không thể dừng lại đủ lâu để lắng nghe, đặc biệt là khi họ đã thành công và tất cả những người xung quanh họ đang xun xoe và vờ làm theo từng lời, từng chữ của họ”.

“Quan sát người khác, lắng nghe lời khuyên của người khác và đọc về người khác là ba trong số những điều tuyệt vời nhất mà tôi từng thực hiện”.

“Tại sao một số người lại có động lực khát khao nhiều hơn người khác”, “nếu tôi phải chọn giữa tài năng và động lực, thì tôi sẽ chọn động lực. Đối với tôi, động lực là sự kết hợp của việc sẵn sàng làm việc chăm chỉ, khả năng chịu đựng ngoan cường về mặt cảm xúc, sức mạnh tập trung to lớn và từ chối chấp nhận sự thất bại”.

“Hầu hết mọi người không có được niềm tin vào bản thân. Tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào mà ai đó không có một niềm tin chắc chắn và một sự tin tưởng sâu sắc vào bản thân mà có thể trở thành người lãnh đạo hiệu quả”.

“Bất kỳ một nhà lãnh đạo nào cũng là một nhân viên bán hàng, anh ta phải “bán”, phải thuyết phục được các cá nhân bên trong cũng như những người bên ngoài tổ chức. Người lãnh đạo lớn cần phải giỏi trong việc “chào bán” các ý tưởng và khát vọng của mình cho người khác”.

“Kiểm soát và trao quyền là hai mặt của một đồng xu. Sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý là trao quyền, là làm việc với người khác, thông qua người khác, chứ không phải là người tự mình làm tất cả mọi thứ”.

“Lãnh đạo là dẫn dắt, chứ không phải kiểm soát và ra lệnh”, “tôi đã giành hầu hết thời gian trong cuộc đời mình để khơi gợi những điều tốt đẹp nhất từ những người trẻ tuổi”.

Vâng, đấy là những gì mà Sir Alex nói về lãnh đạo, nó đúng đắn, nó hay, nó thuyết phục hơn rất người đã từng làm lãnh đạo khác mà tôi biết, nó giống như các cuốn sách giáo khoa về lãnh đạo - leadership ấy.

Hiểu điều này, tôi không mấy ngạc nhiên khi biết rằng một người chỉ học hết trung học rồi đi làm thợ, làm cầu thủ bóng đá, làm HLV, không qua trường lớp nào khác như Ferguson, thế mà 55 năm sau trở thành giáo sư, đứng trên giảng đường đại học Harvard danh tiếng nhất thế giới, đứng giảng về Lãnh đạo - Leadership cho các học viên quản trị kinh doanh MBA.

Các bạn có biết không, buổi giảng đầu tiên cả giảng đường Aldrich (Harvard) không còn ghế trống, thậm chí rất nhiều người còn đứng trên lối đi trong phòng học để được nghe Ferguson giảng bài.

Vâng, chính vì thế mà tôi cho rằng Sir Alex Ferguson là một trong những người xứng đáng nhất với tước “hiệp sĩ” mà nữ hoàng Anh đã phong cho ông và ông thực sự xứng đáng với danh xưng QUÍ NGÀI

www.facebook.com/caobao.do.90/posts/