Tại một cuộc phỏng vấn với báo Tiền Phong gần đây, một đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết đã có nhiều đại lý bị âm cả gần nghìn tỷ đồng Quỹ bình ổn. Nhiều doanh nghiệp đang chịu mức lỗ hơn 2.000 đồng/lít dầu bán ra đồng thời lỗ gần 400 đồng/lít xăng. Các doanh nghiệp này phải vay thêm và trả lãi ngân hàng để bù vào những quỹ âm, sự việc kéo dài nhiều tháng qua. 

“Với doanh nghiệp có vốn Nhà nước thì đỡ áp lực hơn. Còn với doanh nghiệp cổ phần, cổ đông chất vấn hằng ngày vì sao lỗ mà vẫn bán nhiều như vậy. Khổ nhất lúc này là muốn hạ nhiệt đà tăng giá thì Quỹ bình ổn lại bị âm nên vai trò điều tiết của Quỹ bình ổn không còn”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói với PV Tiền Phong.

dai-ly-xang-dau-than-kiet-suc-vi-lo-nang-phai-vay-ngan-hang-de-bu-quy-am-1661834781.png

Đại diện của một doanh nghiệp xăng dầu đã đưa ra lý do về tình trạng bất ổn của nguồn cung xăng dầu trong nước là vì 'đầu tàu' lỗ thì các khâu còn lại trong chuỗi cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, qua mấy kỳ điều hành giá, hiện nay doanh nghiệp xăng dầu vẫn bị lỗ bối cảnh giá liên tục biến động mạnh. Vì thế nên các đại lý xăng dầu sẽ phải gánh một phần lỗ. 

Đáng chú ý, hiện tại tình trạng đại lý bán lẻ không được nhận thù lao đại lý, đồng thời phải chi thêm tiền ngoài đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường. 

Bán hàng không công cho doanh nghiệp phân phối...

“Với mức chiết khấu 0 đồng như hiện nay, đại lý bán lẻ đang chịu lỗ lớn vì đang bán hàng không công cho doanh nghiệp phân phối. Với tình trạng kinh doanh bình thường, không biến động như hiện nay, để thu hồi được số lỗ từ việc bán 10.000 lít xăng dầu mỗi tháng, đại lý bán lẻ cần tối thiểu khoảng 6 tháng. Còn nếu thị trường cứ lên xuống liên tục từ đầu năm đến nay, thì việc thu hồi số lỗ là vô vọng, phải kéo dài trong nhiều năm”, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu nhẩm tính.

Nếu chiết khấu giảm về âm, chi phí nhân sự, thuê mặt bằng và vận hành vẫn phải hoạt động thì kết quả là các đại lý sẽ phải chịu lỗ từ 600 - 1.200 đồng/lít xăng, dầu bán ra. Tình trạng lỗ kép sẽ khiến doanh nghiệp kiệt quệ, bởi tình trạng lỗ của các đại lý bán lẻ xăng dầu đã kéo dài từ đầu năm đến nay.

Thay vì nghe cấp dưới báo cáo, chủ doanh nghiệp xăng dầu này đề xuất rằng Bộ trưởng Bộ Công Thương nên vi hành xuống các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu bán lẻ để kiểm tra tình hình và lắng nghe từ những người kinh doanh trực tiếp. Đó là phương án xác thực nhất để giải quyết được nhiều câu hỏi nhức nhối: Vì sao doanh nghiệp kêu khó kéo dài, có hay không tình trạng găm hàng ở các cây xăng bán lẻ và có phải các cửa hàng bán lẻ xăng dầu liên tục bị lỗ trong gần 1 năm qua hay không?