dai-gia-may-mac-viet-tien-lam-an-ra-sao-ma-muc-tieu-loi-nhuan-truoc-thue-nam-nay-la-200-ty-dong-1685198441.jpeg

Tổng công ty CP may Việt Tiến được thành lập vào năm 1975, tiền thân là Xí nghiệp may tư nhân “Thái Bình Dương kỹ nghệ công ty” với tên giao dịch là Pacific Enterprise. Xí nghiệp này được thành lập bởi 8 cổ đông góp vốn, trong đó ông Sâm Hào Tài là doanh nhân người Hoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc công ty. Sau ngày miền Nam giải phóng, tháng 5/1977 Bộ công nghiệp nhẹ (hiện nay là Bộ công nghiệp) được giao cho quản lý xí nghiệp này sau khi Nhà nước tiếp quản và quốc hữu hóa và đổi tên thành Xí nghiệp may Việt Tiến.

Xí nghiệp đã từng bị hỏa hoạn vào ngày 13/11/1979, gây ra nhiều thiệt hại nặng tuy nhiên nhờ vào sự giúp đỡ từ những đơn vị khác nên xí nghiệp đã hoạt động trở lại. Đến ngày 24/03/1993, công ty được Bộ Công Nghiệp cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Ngày 29/04/1995, Tổng công ty dệt may Việt Nam ra đời.

Tháng 01/2007, dựa trên cơ sở tổ chức lại Công ty may Việt Tiến thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam thành lập nên Tổng công ty may Việt Tiến. Tháng 02/2007, Tổng công ty May Việt Tiến được Bộ công nghiệp ban hành quyết định cổ phần hóa.

Năm 2008, Tổng Công ty may Việt Tiến chính thức đi vào hoạt động theo hình thức công ty cổ phần và đổi tên công ty thành Tổng công ty CP may Việt Tiến, với vốn điều lệ là 230 tỷ đồng. Năm 2011, vốn điều lệ công ty được tăng lên 280 tỷ đồng.

Tháng 3/2016, cổ phiếu của Tổng công ty thành công lên sàn UPCoM với mã là VGG. Hoạt động chính của công ty là sản xuất và kinh doanh hàng may mặc cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Văn Tiến - Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT VGG.

Theo thông tin từ hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong tháng 4/2023, VGG đã tham gia tổng cộng 57 lô đấu giá, trong đó 29 lô trúng, 11 lô không thành công, 4 lô chưa nhận kết quả, 13 lô đã bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu của công ty là 58.366 tỷ đồng, trong đó gói thầu chỉ định là 817,1 tỷ đồng. Tỷ lệ giá trúng thầu so với giá dự toán tính bình quân là 90,58%.

Về tình hình tài chính, thu nhập từ hoạt động kinh doanh đã mang lại cho VGG hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vài trăm tỷ đồng. Tình trạng này một phần do công ty vẫn hoạt động với giá vốn sát với doanh thu.

Theo kết quả báo cáo tài chính năm 2022 mà Tổng công ty công bố, doanh thu thuần năm 2022 VGG đạt được là 8.464 tỷ đồng; lợi nhuận gộp của VGG đạt được 924,3 tỷ đồng; trong khi đó giá vốn bán hàng đạt mức 7.540 tỷ đồng.

dai-gia-may-mac-viet-tien-lam-an-ra-sao-ma-muc-tieu-loi-nhuan-truoc-thue-nam-nay-la-200-ty-dong-1-1685198459.png
ẢNH: NGƯỜI QUAN SÁT

Theo báo cáo, chi phí bán hàng tăng hơn gấp đôi so với năm 2021 đạt mức 442,4 tỷ đồng (năm 2021 là 216,4 tỷ đồng), riêng “chi phí bán hàng khác” mà công ty chưa trình bày cụ thể chiếm tới 45%, đạt mức 200,8 tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận sau thuế của VGG tăng 93,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, đạt 177,2 tỷ đồng.

Đạt mức lợi nhuận trên phía công ty cho rằng vì sang năm 2022 tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty được khôi phục nên doanh thu tăng, kéo theo lợi nhuận cũng tăng so với năm 2021. Trước đó, vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh của các công ty trong nước và quốc tế, chỉ số doanh thu và lợi nhuận của VGG giảm dần trong giai đoạn 2019 - 2021.

Theo kết quả thống kê, doanh thu năm 2019 mà công ty ghi nhận đạt 9.035 tỷ đồng, đến năm 2020 giảm xuống còn 7.120 tỷ đồng; và năm 2021 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 6.008 tỷ đồng. Dù doanh thu vẫn ở mức hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận khá “mỏng”. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế lần lượt 418,1 tỷ đồng (năm 2019); 150,9 tỷ đồng (năm 2020) và 83,4 tỷ đồng (năm 2021).

Theo một số chuyên gia kinh tế, khi doanh nghiệp có doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp thì rất có thể doanh nghiệp đó đã chủ động trong việc quản lý chi phí đầu vào và chi phí hoạt động để giảm gánh nặng thuế thu nhập. Xét trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của VGG là 4.404 tỷ đồng, chiếm 70,9% tổng tài sản.

Trong đó, hàng tồn kho ở mức 1.702 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm trước, chủ yếu do giá trị nguyên vật liệu và sản phẩm dở dang sản xuất hàng FOB tăng. Nợ phải trả ở mức 3.730 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng nợ phải trả người bán. Tổng nợ của công ty gần gấp đôi vốn chủ sở hữu với 1.960 tỷ đồng, hệ số D/E (nợ trên vốn chủ sở hữu) là 1,9.

Thông thường, hệ số này lớn hơn 1 cho thấy công ty sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong việc trả nợ. Với kết quả kinh doanh khởi sắc, VGG dự kiến ​​sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25% (2.500 đồng/cổ phiếu) vào năm 2022, tức chi hơn 110 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

dai-gia-may-mac-viet-tien-lam-an-ra-sao-ma-muc-tieu-loi-nhuan-truoc-thue-nam-nay-la-200-ty-dong-2-1685198459.png
ẢNH: NGƯỜI QUAN SÁT

VGG dự kiến trả cổ tức năm 2023 là 20%. Ngoài ra, công ty cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu là 8.030 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 200 tỷ đồng.