Hôm qua, ông anh đọc bài viết trên VNExpress có tựa “Tình hình kinh tế TP HCM “đang xấu đi” (hình như tựa gốc là: Tình hình kinh tế TP.HCM “xấu đi đột ngột”) thì có gọi mình hỏi nguyên nhân.

Sáng sớm nay, một ông anh khác bảo mình viết phản ánh đúng vấn đề của kinh tế VN nói chung và TP.HCM nói riêng.

Thực ra, việc kinh tế xấu đi không có gì bất ngờ, và có vẻ nhiều người đã vội hài lòng mà không thấy những “cánh chim báo bão”. 

fb-img-1667442239196-1667442394.jpg
 

Ngày 18.10, tờ Nikkei Asia đăng bài “Vietnamese factories go idle as orders from the West slow” (Một số nhà máy Việt Nam ngừng hoạt động do đơn hàng từ phương Tây bị chậm).

Thực tế, giai đoạn đầu hậu Covid-19 và thời gian đầu chiến tranh Ukraine bùng nổ, nhiều nhà máy VN chưa bị giảm sút do đang sản xuất các đơn hàng được đặt hàng trước đó. 

Một sai lầm trong nhiều thống kê, đánh giá của chúng ta là vội mừng cho giai đoạn đầu của một cơn bão. Nói nôm nay, khi các thị trường của chúng ta thấm đòn thì chúng ta - trong vai trò nhà cung cấp - mới bắt đầu “choáng váng”.

Thêm vào đó, giữa bối cảnh như thế, Mỹ đã thắt chặt tiền tệ khi tăng lãi suất, đồng thời USD mạnh lên. 

Liên quan 2 yếu tố này, chúng ta phân tích từng yếu tố.

Thứ nhất, Mỹ tăng lãi suất tạo nên áp lực VN cũng phải tăng lãi suất. Điều này khiến cho chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng lên, nên việc mở rộng sản xuất, tăng cường đầu tư của doanh nghiệp gặp nhiều thách thức hơn. Nói thẳng ra, doanh nghiệp khó khăn hơn.

Trong khi đó, sau các đại án kinh tế vừa bùng nổ khiến thị trường vốn VN đứng nhiều thách thức. Không những vậy, “bong bóng” thị trường bất động sản trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là nhóm trái phiếu doanh nghiệp. 

Những yếu tố này khiến cho nguồn vốn trở nên khó hơn và có một tâm lý lo ngại từ bên cho vay. Cộng hưởng các diễn biến trên, nguồn vốn khó càng thêm khó. Khi “cung” vốn giảm thì tất nhiên chi phí vốn càng tăng. 

Vấn đề hiện nay, như GS David Dapice nhận xét khi trả lời phỏng vấn tôi. Đó là: VN phải nhanh chóng phân loại doanh nghiệp dựa theo “sức khoẻ tài chính” để doanh nghiệp nào thực sự khoẻ mạnh thì phải tiếp vốn. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước khi tăng lãi suất theo Mỹ tuy an toàn cho “sinh mệnh chính trị” của người ra chính sách, nhưng lại vô tình siết hết. 

Đáng lo nữa là Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ còn tăng lãi suất trong đầu năm 2023, nên với cách thức mà Ngân hàng Nhà nước đang theo đuổi thì VN lại đứng trước rủi ro lãi suất càng tăng nữa trong năm sau. Mà nói thẳng ra viễn cảnh khó khăn chưa sớm kết thúc.

Phân tích đến yếu tố thứ hai là giá USD cao. Điều này được cho là hồ hỡi đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng bức tranh chưa hẳn đáng hồ hởi. 

Vì sao? Vì xuất khẩu thu USD về, USD tăng giá thì nguồn thu đổi qua nội tệ lớn hơn hoặc nếu giá hàng hoá từ VNĐ quy đổi ra USD thì có giá bán rẻ hơn. 

Tuy nhiên, nhiều thị trường xuất khẩu khác của VN ngoài Mỹ cũng thanh toán bằng USD. Các thị trường này sau khi nhập khẩu bằng USD lại bán trong nội địa tính theo nội tệ nên giá cả hàng hoá tăng cao. Ở các thị trường như vậy, giá tăng thì cầu giảm, nhất là còn nhiều yếu tố chung khác tác động. Khi đó, thị trường xuất khẩu sẽ giảm đi. 

Mà thực tế thì kim ngạch nhập khẩu nói chung của Đông Nam Á lẫn Đông Bắc Á đang giảm, châu Âu cũng không khá hơn. Điều này giải thích lý do Nikkei Asia phản ánh nhiều nhà máy ở VN đang thiếu đơn hàng.

Thêm vào đó, USD tăng khiến cho chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, trong đó bao hàm cả các loại nguyên liệu liên quan trực tiếp đến thực phẩm. Và như tôi đã nói, nguồn cung cấp lúa mì lúa mạch (chúng ta sử dụng gián tiếp vì cần trong thức ăn chăn nuôi), phân ure (cần cho trồng trọt)… đang hạn chế, kết hợp cùng USD tăng giá khiến chi phí nhập khẩu những loại hàng hoá này tăng lên. Điều đó sẽ tác động đến lạm phát.

Giữa bối cảnh lạm phát, VN đã tăng lương cơ bản. Nhưng thực tế lâu nay doanh nghiệp để thuê được lao động đều đang trả lương cao hơn lương cơ bản. 

Việc tăng lương cơ bản đối với khu vực tư nhân chỉ khiến doanh nghiệp phải đóng phí BHXH nhiều hơn chứ chưa hẳn thực sự tăng thu nhập cho lao động khu vực tư nhân. 

Trong khi đó, chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng thì doanh nghiệp khó có thể cân đối tài chính để tăng lương cho nhân công, dù vật giá đang tăng khiến đời sống của người lao động gặp thách thức.

Tất cả đang tạo ra khó khăn lớn cho kinh tế VN mà nếu thiếu một kế hoạch ứng phó kịp thời thì tiềm ẩn cú sốc đáng lo.

Nguồn: Tri M.Ngo

https://www.facebook.com/1560481009/posts/pfbid0rCGQnNYci2e7L8VJ79HbwPUdyfzZ3pY2EqAS7u53ArktuGuP27TyV1Y8Jb9qXXz3l/