Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam vừa có thông báo về việc mua vào thành công hơn 6,5 triệu cổ phiếu FMC của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, giao dịch dẫn tới thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn tại doanh nghiệp top 3 về xuất khẩu tôm Việt.

Ngày 28/12, C.P Việt Nam đã mua thành công hơn 6,5 triệu cổ phiếu FMC do Thực phẩm Sao Ta phát hành riêng lẻ, qua đó nâng sở hữu tại doanh nghiêp này từ mức 16,56% vốn trước đó lên 24,9%.

Hiện tổng lượng cổ phiếu FMC do C.P Việt Nam nắm giữ là hơn 16,2 triệu đơn vị.

Lượng cổ phiếu FMC mà Thực phẩm Sao Ta phát hành thêm cho C.P Việt Nam có giá 50.000 đồng/cổ phiếu, tương đương thị giá cổ phiếu FMC đang giao dịch trên thị trường.

thuc-pham-sao-ta-nguoiduatin-1640884022.jpeg

Tính theo giá chào bán này, C.P Việt Nam đã chi gần 327 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ tăng sở hữu nói trên. Theo thỏa thuận, lượng cổ phiếu FMC mới phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán theo quy định pháp luật.

Sau giao dịch kể trên, vốn điều lệ của Thực phẩm Sao Ta đã tăng từ 588,5 tỷ đồng lên 653,9 tỷ đồng. Trong đó, C.P Việt Nam là cổ đông lớn thứ hai nắm giữ trực tiếp 24,9% vốn điều lệ. Cổ đông trực tiếp lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là Tập đoàn Pan với 37,75% vốn.

Hồi tháng 10, C.P cũng đã chi thêm gần 500 tỷ đồng để mua 9,74 triệu cổ phiếu FMC với giá trị mua vào bình quân là khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, trong năm 2021, C.P đã chi 814 tỷ đồng để mua cổ phiếu FMC.

Ngoài ra, một cổ đông khác là Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Aquatex Bến Tre) vẫn nắm giữ 12,37% vốn Thực phẩm Sao Ta. Trong đó, Aquatex Bến Tre là công ty con của Tập đoàn PAN, dẫn tới tổng tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp này vẫn duy trì ở mức trên 50,1% vốn và vẫn có thể hợp nhất kết quả kinh doanh vào báo cáo tài chính.

Với gần 327 tỷ đồng huy động được kể trên, Thực phẩm Sao Ta dự kiến dùng để mua thức ăn chăn nuôi với giá trị 225 tỷ đồng, tái cơ cấu khoản vay 97 tỷ đồng và chi phí khác.

Trước đó, lãnh đạo Sao Ta cho biết ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 vừa qua đã gây gián đoạn đến chuỗi sản xuất, nuôi tôm cũng như gây khó khăn đến hoạt động vận động và xuất khẩu. 

Vì vậy, việc huy động vốn qua phát hành riêng lẻ là cần thiết nhằm giảm thiểu tác động của dịch bênh, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh một cách nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ tôm vẫn đang tăng trưởng ổn định.