Ngày 19-5, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk công bố quyết định thanh tra quá trình cổ phần hóa tại Công ty Cổ phần Cà phê Phước An - doanh nghiệp đang bị nhiều hộ dân tại xã Ea Yông (huyện Krông Pắk) khiếu nại liên quan đến đất đai suốt nhiều năm qua.
- Làm rõ giá trị doanh nghiệp và đất trước khi cổ phần hóa
Buổi công bố có sự tham dự của đại diện công ty, UBND huyện Krông Pắk, các sở ngành liên quan và người dân có đơn thư khiếu nại. Ông Đinh Xuân Hà, Chánh Thanh tra tỉnh, chủ trì buổi làm việc và yêu cầu quá trình thanh tra phải minh bạch, đúng quy định. Đoàn thanh tra gồm 5 thành viên, do ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn, sẽ làm việc trong 30 ngày.
Nội dung thanh tra tập trung vào công tác quản lý và sử dụng đất; phương án giao khoán trước và sau cổ phần hóa; cách xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị đầu tư vườn cây; cũng như giải quyết các khiếu nại của người dân liên quan đến tài sản và quyền sử dụng đất.
- Tranh cãi về tài sản người dân tự đầu tư
Theo người dân, năm 2009 UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An thanh lý hơn 272 ha cà phê già cỗi để trồng cây ngắn ngày, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác đến năm 2017. Sau đó, công ty không gia hạn hợp đồng giao khoán nhưng vẫn thu sản lượng từ những vườn cây do dân chăm sóc.
Nhiều vụ việc đã được đưa ra tòa án, trong đó công ty yêu cầu người dân trả lại đất và tài sản, đồng thời đòi bồi thường. Ngược lại, người dân cho rằng phần lớn vườn cây là do họ đầu tư, không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, nên không thể coi đây là tranh chấp hợp đồng đơn thuần.
Trong số 180 hộ dân liên quan, có tới 106 hộ thuộc diện ưu tiên giao đất theo Nghị định 118/2014. Tuy nhiên, khi cổ phần hóa vào năm 2017, tài sản người dân tạo lập lại bị tính gộp vào giá trị doanh nghiệp mà không được tách riêng. Tỉnh Đắk Lắk cũng không tiến hành thu hồi đất “khoán trắng” để giao lại hoặc cho người dân thuê theo đúng quy định.
- Nguy cơ mất quyền lợi, kéo dài khiếu nại
Tại buổi công bố thanh tra, đại diện người dân - ông Trịnh Xuân Nam đề nghị làm rõ quá trình xác định giá trị đất và tài sản trên đất khi cổ phần hóa. Ông cho rằng nhiều diện tích do người dân đầu tư nhưng lại không được tính đến, khiến người nhận khoán có nguy cơ mất trắng.
“Tài sản trên đất là của người dân bỏ tiền của, công sức đầu tư. Công ty không đầu tư gì nhưng vẫn thu sản lượng là bất hợp lý. Việc cổ phần hóa không tính đến phần tài sản này là điều cần được thanh tra làm rõ”, ông nhấn mạnh.
Trước những bức xúc kéo dài, UBND huyện Krông Pắk và các sở ngành liên quan đã nhiều lần kiến nghị tỉnh tổ chức đối thoại, xử lý dứt điểm để ổn định tình hình.