Thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, hàng loạt các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế của Tập đoàn FLC và các công ty liên quan đến tập đoàn này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV) cũng không phải là ngoại lệ.

Được biết, hoạt động kinh doanh của BAV trong thời gian gần đây không mấy khả quan. Tại phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 diễn ra vào sáng ngày 4/3 của FLC, doanh nghiệp này cho biết, FLC đã đầu tư vào Bamboo Airways 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ (18.500 tỷ đồng) của hãng hàng không này. Trong năm 2021, FLC đã trích lập cho khoản đầu tư này khoảng 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng. FLC có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần tại đây.

Liên quan đến hoạt động của Bamboo Airways, mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Bamboo Airways đã trải qua thời kỳ rất khó khăn. Đại dịch kéo dài, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao đã khiến hãng đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng.

"Trong thời điểm khó khăn ấy, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng. Nếu như hãng không tìm được nhà đầu tư tâm huyết, có trách nhiệm, không ai có thể tưởng tượng ra hậu quả lớn thế nào. Hàng không không chỉ đơn thuần là hãng vận tải, mà nó còn là đại diện hình ảnh Việt Nam ra quốc tế, là cầu nối giữa Việt Nam với Thế giới và Thế giới với Việt Nam.

Nhờ đó hãng đã vượt qua khó khăn, dần ổn định và vững vàng ở vị thế một trong ba hãng hãng không lớn nhất Việt Nam, với ba thế mạnh nội tại nổi bật là: Dịch vụ hàng không chất lượng, tự tâm – Mạng đường bay liên vùng, liên châu lục tăng trưởng mạnh mẽ – Tỷ lệ bay đúng giờ dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam", ông Quân chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Về chiến lược hoạt động, Bamboo Airways sẽ tiếp tục tập trung phát triển ba thế mạnh cốt lõi, đẩy mạnh phát triển sản phẩm – dịch vụ khác biệt, mang tới cho thị trường nhiều sự lựa chọn mới.

Để tạo lợi thế cạnh tranh, hãng sẽ tập trung vào các giải pháp bao gồm: Quản trị tối ưu về chi phí, chủ động đi trước đón đầu trong chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, nhanh chóng thay đổi để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Trong khoảng thời gian gần 1 năm qua, để duy trì hoạt động bình thường và tiếp tục phát triển, Bamboo Airways đã rất nỗ lực tìm kiếm nhà đầu mới có thể hỗ trợ Hãng về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm tái cơ cấu.

Đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ (là cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan). Với vai trò là Tổ chức phát hành, Bamboo Airways đã tích cực hỗ trợ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới. Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, theo thông tin Bamboo Airways có được, trong quá trình hỗ trợ việc thực hiện chuyển nhượng cổ phần, số lượng cổ phần chuyển nhượng đã được các cổ đông cũ thế chấp tại các ngân hàng từ năm 2020. Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toánh nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các Ngân hàng.

Đồng thời, Nhà đầu tư mới cũng hỗ trợ cho cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết một khoản tiền riêng được nộp vào tài khoản phong tỏa của Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục hậu quả (nếu có) theo vụ án. Mọi tiến trình đều được báo cáo cơ quan chức năng và tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Mặc dù mấy năm qua, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng tới thời điểm hiện tại, đối với thị trường nội địa, mạng bay của Bamboo đã phục hồi hoàn toàn. Hiện mạng đường bay nội địa đang kết nối 21/22 sân bay nội địa. Hãng tiếp tục hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần trong thời gian tới. Cuối tháng 4, Bamboo Airways dự kiến khai thác đường bay thẳng Cà Mau - Hà Nội, hoàn tất mạng bay nội địa kết nối toàn bộ 22 cảng hàng không Việt Nam.

Đối với thị trường quốc tế, ngay từ đầu năm 2022 khi Việt Nam mở cửa bay quốc tế trở lại, hãng hàng không này đã đưa vào khai trương nhiều đường bay thường lệ quốc tế mới tới châu Âu, châu Úc…

"Đặc biệt với thị trường châu Âu, sau các đường bay tới Frankfurt (Đức), London (Anh), chúng tôi dự định sẽ mở thêm đường bay đến Pháp và các thị trường quan trọng khác ngay khi Hiệp định vận tải hàng không toàn diện giữa ASEAN và châu Âu chính thức được triển khai tại Việt Nam.

Năm 2023, chúng tôi đã đàm phán cấp cao với các hãng hàng không của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu. Đây sẽ là những đối tác chiến lược của Bamboo Airways nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng các đường bay quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ hàng không của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, nâng cao vị thế điểm đến của quốc gia", ông Quân nhấn mạnh.

Ông Dương Công Minh (bên phải)

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank hiện đang làm cố vấn cấp cao cho HĐQT Bamboo Airways. Sacombank từng là một trong những chủ nợ lớn nhất của hệ sinh thái của FLC và ông Trịnh Văn Quyết. Tài sản thế chấp chủ yếu của ông Quyết với các khoản vay này là hàng trăm triệu cổ phần Bamboo Airways. 

Ông Minh là một doanh nhân có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Ông là nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao của nhiều đơn vị tên tuổi như Công ty cổ phần Him Lam, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...