Axie Infinity là gì?

Chắc hẳn hôm nay, từ khóa Tỷ phú đô la công nghệ đầu tiên của Việt Nam xuất hiện rất nhiều trên các không gian mạng. Chàng trai được mọi người nhắc đến kia chính là Trung Nguyễn sinh năm 1992, là CEO, Founder của Công ty TNHH Sky Mavis Việt Nam, có trụ sở đặt tại Tp. Hồ Chí Minh. Sản phẩm của Sky Mavis và Trung Nguyễn là game Axie Infinity phát triển trên nền tảng công nghệ Blockchain. Khác với các game giải trí trên thị trường đã có hiện này, kỳ lân công nghệ Axie Infinity mang đến cho người chơi một luồng gió mới với tên gọi là “Play to Earn”.

Cụ thể, người chơi sẽ gia nhập vào thế giới của Axie Infinity cùng với 3 chú thú cưng để thực hiện những nhiệm vụ hằng ngày cũng như có thể tham gia chiến đấu với những người chơi khác. Từ những hoạt động đó, người chơi sẽ kiếm được Token SLP (Small Love Potion) sinh ra trong game để tạo ra lợi nhuận. Sau đó, người chơi có thể bán Token SLP trên các sàn giao dịch tiền điện tử hoặc dùng cho các hoạt động trong game.

aex-1627217651.jpg
Game Axie Infinity - ảnh chụp màn hình

Ước tính theo mức định giá vào ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Sàn giao dịch tiền điện tử Binance, Token SLP được giao dịch ở ngưỡng gần bằng 0.3$/SLP. Mỗi ngày người chơi hoàn thành hết tất cả những nhiệm vụ trong thế giới của Axie Infinity có thể mang lại được 150-250 SLP. “Việc chơi game kiếm ra tiền” nhất là trong thời kỳ Covid mà mọi người bị hạn chế ra ngoài đã tạo thành 1 cơn sốt trong cộng đồng người tham gia tiền điện tử cũng như các game thủ trên thế giới hiện nay mà Philippines là đất nước đi đầu trong việc này. Theo nhà phát hành Sky Mavis có khoảng 350.000 người chơi game Axie Infinity mỗi ngày và khoảng 40% số người chơi này đến từ Philippines. Axie Infinity thật sự đã tạo nên một cú hích lớn ở đất nước 111 triệu dân này.

token-1627217651.png
 

Sự bùng nổ của làn gió “Play To Earn” này đã mang về cho Axie Infinity cũng như Sky Mavis danh hiệu game blockchain có doanh thu cao nhất thế giới. Theo dữ liệu có được từ TokenTerminal, doanh thu trong 30 ngày qua của Axie là xấp xỉ 115 triệu USD.

Pháp lý về tiền kỹ thuật số của Việt nam quy định như thế nào?

Với sự phát triển vượt bậc của Axie Infinity một dự án game đến từ Việt Nam, chắc hẳn rằng cộng đồng game thủ cũng như những nhà đầu tư tiền kỹ thuật số Việt Nam không thể nào bỏ qua. Nhưng liệu việc giao dịch SLP từ Axie Infinity để tìm kiếm nguồn lợi nhuận như trên có tiềm tàng bất cứ sự rủi ro nào về pháp lý hay không?

Qua nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành, TriLaw nhận thấy rằng:

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về vấn đề xem SLP hay những đồng tiền kỹ thuật số khác như Bitcoin, Ethereum,… như một loại hàng hóa, một đối tượng để trao đổi mua bán. Tại Khoản 6 và 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

Bên cạnh đó, Công văn 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/07/2017 gửi văn phòng chính phủ cũng khẳng định "Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)."

Việc chưa có quy định nào của pháp luật khẳng định về SLP hay Bitcoin là một loại tài sản dẫn đến những quan hệ dân sự như chuyển nhượng, sở hữu cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, chưa có cơ chế để giải quyết phù hợp. Chẳng hạn như việc tài khoản ví điện tử chứa SLP của một chủ thể bị xâm nhập và bị ăn trộm thì việc đòi lại sẽ gần như là không thể do pháp luật chưa uy định nên các cơ quan có thẩm quyền sẽ không giải quyết, hay khi các bên mua bán trực tiếp với nhau nhưng một bên không thực hiện nghĩa vụ giao tài sản/tiền thì cũng chưa có khung pháp lý để điều chỉnh cho vấn đề này, hay nói cách khác là tòa án/trung tâm trọng tài sẽ không thụ lý giải quyết tranh chấp.

Với tất cả những khó khăn nêu trên, TriLaw khuyến nghị rằng các nhà đầu tư cần tự mình có các giải pháp bảo mật để giữ an toàn các đồng tiền kỹ thuật số của chính mình, cũng như cẩn trọng trong việc trao đổi hay buôn bán các đồng tiền kỹ thuật số, để tránh việc bị lừa gạt hay mất mát và không thể khiếu nại với Cơ quan Nhà nước.

Tác giả: Lê Chí Cường

Công ty Luật TNHH TriLaw

Email: cuong.le@trilaw.com.vn