Vào tháng 3/2020, thời điểm COVID-19 đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng đã giúp Zoom tạo nên một trong những khoảnh khắc huy hoàng nhất trong lịch sử của mình. Doanh thu công ty tăng vọt 326% năm 2020 lên 2,6 tỷ USD, lợi nhuận cũng tăng mạnh từ 22 triệu USD năm 2019 lên 672 triệu USD năm 2020.
Cổ phiếu Zoom cũng được mùa bội thu trong cùng thời điểm, tăng từ 89 USD/cp tháng 2/2020 lên mức đỉnh là 559 USD/cp tháng 10/2020.
Tuy nhiên, thời khắc huy hoàng này đã thay đổi sau 2 năm, khi các hạn chế đi lại được nới lỏng, các nền kinh tế mở cửa trở lại, và người lao động phải đến văn phòng làm việc nhiều hơn.
Giá cổ phiếu Zoom hiện giảm đến 83% so với mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào tháng 10/2020. So với đầu năm nay, giá trị vốn hoá của công ty đã giảm hẳn một nửa từ 54 tỷ USD xuống còn 27 tỷ USD.
Nhiều người cho rằng nhu cầu sử dụng ứng dụng ít lại khi phải đến văn phòng nhiều hơn là nguyên nhân chính của đợt sụt giảm nghiêm trọng của công ty. Nhưng trên thực tế, sự lao dốc này là kết quả chung của đợt bán tháo các cổ phiếu công nghệ gần đây do ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất.
Peloton, một công ty truyền thông và thiết bị tập thể dục cũng ghi nhận giá cổ phiếu giảm đến 55% kể từ đầu năm nay. Cổ phiếu của Docusign, hãng công nghệ tiên phong và đứng số 1 trong mảng chữ ký điện tử trên thế giới cũng giảm 52%. Netflix, dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu thế giới cũng sụt giảm 68% giá cổ phiếu. Các công ty truyền thông xã hội cũng không nằm ngoài cuộc suy thoái này, chẳng hạn cổ phiếu Meta mất 40% giá, cổ phiếu Pinterest giảm 40% và Snap giảm 48%.
Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng lãi suất nhanh chóng buộc các nhà đầu tư phải thay đổi suy nghĩ:‘Liệu các cổ phiếu phát triển mạnh trong môi trường lãi suất thấp có thể thành công trong môi trường lãi suất cao hay không?’ Sự bất ổn và nhiều nghi hoặc là lý do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ, có xu hướng hoạt động yếu khi lãi suất tăng.
Một lý do khác nữa là so với các cổ phiếu ngành khác, cổ phiếu công nghệ vẫn nhiều rủi ro hơn, nhất là khi hầu như chúng đều có liên quan đến các startup, đang nỗ lực niêm yết tại Mỹ thông qua các công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC). Và tất nhiên những hình thức niêm yết khiến nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro hơn, và Uỷ ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đang vào cuộc điều chỉnh các chính sách liên quan để thắt chặt hơn sự gia nhập của loại hình vào thị trường chứng khoán Mỹ.
Như vậy, về bản chất, các cổ phiếu công nghệ đang bị xem là rủi ro, tương tự như tiền số.