Ứng dụng Zoom gần đây đã đạt doanh thu tăng vọt nhờ chính sách cách li xã hội khiến các công ty chuyển sang làm việc tại gia thông qua mạng Internet. Nhận thấy tiềm năng cao từ các ứng dụng họp trực tuyến, các đối thủ nặng kí của Zoom là Microsoft, Google và Facebook đang tìm cách xâm nhập vào thị trường này. 
Mới đây, Zoom đã thông báo doanh thu của công ty tăng 169% lên mức 328 triệu đô la Mĩ trong vòng quý I/2020. Đây là một con số cực kì ấn tượng đối với một công ty từ chỗ ít người biết đến tới một ứng dụng nhà nhà đều nghe danh. Vào tháng tư, số người sử dụng Zoom đã lên tới 300 triệu người một ngày, gấp 30 lần so với tháng 12 năm ngoái. 
Giá cố phiếu của Zoom tăng 152% so với năm ngoái và giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 19 tỉ đô la lên 58 tỉ kể từ đầu năm 2020. 
Nhà sáng lập Zoom - Eric Yuan, người năm giữ 20% cổ phần công ty, được Bloomberg đánh giá là người giàu thứ 146 thế giới với giá trị tài sản ròng lên tới 10.8 tỉ đô la.
Một nhà phân tích tài chính gọi thành công của Zoom trong quý I/2020 là “một trong những thành công lớn nhất trong lịch sử phần mềm trực tuyến”. Tuy nhiên, giá cố phiếu của Zoom đã giảm sau vài giờ bởi các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích lo ngại về khả năng cạnh tranh của Zoom với các đối thủ nặng ký khác như Microsoft và Facebook khi hai ông lớn bắt đầu xâm nhập vào thị trường ứng dụng họp trực tuyến.
Vào tháng 3, Microsoft, với ứng dụng Microsoft Teams - cạnh tranh trực tiếp với Zoom, đã thông báo răng công ty sẽ ra mắt một ứng dụng họp trực tuyến mới cho người dùng. Một tháng sau, Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, giới thiệu ứng dụng gọi nhóm tên Messenger Rooms, khiến giá cổ phiếu của Zoom giảm mạnh. Vào tháng tư, Google thông báo sẽ tạo ứng dụng Meet, nước đi đầu tiên trên con đường xâm nhập thị trường mới này.
Với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ kết nối từ xa như Zoom, hai ứng dụng tương tự là Microsoft Teams và Slack dự đoán sẽ tiếp tục các hoạt động cạnh tranh người dùng với Zoom. Vào tháng tư, ông lớn trong ngành viễn thông của Mĩ là Verizon đã mua lại BlueJeans, một ứng dụng họp trực tuyến với khoảng 15,000 người dùng với giá 400 triệu đô la để cạnh tranh với Zoom. 
Bỗng dưng nổi tiếng một cách nhanh chóng, Zoom không lường trước được những lỗ hổng bảo mật và đang chật vật tìm kiếm lại lòng tin của khách hàng. Zoom được cho là đã bán thông tin của người dùng cho Facebook và cho phép những người không được mời tham gia vào và phá rối các buổi họp, dẫn tới tình trạng Zoombombing.
Một số công ty đã yêu cầu nhân viên không được sử dụng Zoom, điển hình là công ty SpaceX của Elon Musk và ngân hàng Standard Chartered. Ở Anh, ông chủ của hai tờ the Independent và the Evening Standard đã cáo buộc một nhà báo của một tờ báo cạnh tranh rình mò một cuộc họp riêng với nhân viên của họ. 
Tháng tư vừa rồi, Yuan đã xin lỗi người dùng vì các lỗi an ninh của công ty trong việc kiểm soát dữ liệu và bảo mật người dùng. Zoom cho biết sẽ dành ba tháng tới để tìm kiếm và khắc phục các vấn đề còn tồn đọng.
Theo The Guardian