Cổ phiếu của Samsung Electronics và các chi nhánh của công ty đã tăng nhẹ vào sáng thứ Hai, sau khi Chủ tịch Lee Kun-hee qua đời vào ngày trước đó.
Cổ phiếu của Samsung đã tăng 0,66%, Samsung C&T tăng 17,31%, Samsung SDS tăng 8,12%, Samsung Life Insurance tăng 5,86%, Samsung BioLogics tăng 0,47% và Samsung Engineering tăng 0,45%.
Công ty thông báo rằng Chủ tịch Lee, 78 tuổi, đã qua đời vào Chủ nhật sau sáu năm nằm viện do một cơn đau tim. Gia đình của ông, bao gồm cả con trai Phó Chủ tịch Jay Y. Lee, đã ở bên cạnh ông, theo tuyên bố của công ty.
Chủ tịch Lee đã được thế giới ghi nhận trong việc biến Samsung thành một cường quốc công nghệ và công nghiệp toàn cầu. Ông tiếp quản Samsung vào năm 1987 sau cái chết của cha mình, nhà sáng lập tập đoàn Lee Byung-chul.
Trước đó, Lee đã từng bị kết tội đưa hối lộ và trốn thuế và được ân xá.
"Di sản của ông ấy sẽ trường tồn mãi mãi", Samsung cho biết trong một tuyên bố.
Con đường kế vị
Sau khi tình hình sức khoẻ của cố Chủ tịch Lee trở nên ngày càng phức tạp vào năm 2014, con trai ông, Jay Y. Lee đã trở thành lãnh đạo của Samsung.
SK Kim, giám đốc điều hành và nhà phân tích tại Daiwa Securities, cho biết trên Street Signs Asia rằng: "Hiện thị trường quốc tế đang quan tâm đến những tác động tới Samsung từ việc Jay Y. Lee kế thừa tập đoàn. Ông ấy là cổ đông lớn của Samsung C&T và Samsung SDS, vì vậy thị trường đã phản ứng tích cực về tin tức này".

Jay Y. Lee, co-vice chairman of Samsung Electronics, center, wears a protective mask as he is surrounded by members of the media while arriving at the Seoul Central District Court in Seoul, South Korea, on Monday, June 8, 2020.
Jay Y. Lee (giữa) - phó Chủ tịch của Samsung Electronics, xung quanh là cánh truyền thông ở Seoul.)

Trong tương lai, Samsung có thể sẽ theo đuổi các biện pháp tích cực để đảm bảo động lực tăng trưởng dài hạn và có thể xem xét tăng lợi nhuận hơn nữa cho các cổ đông. Kim hy vọng rằng Samsung Electronics sẽ đạt doanh thu cao vào năm 2021, nhờ hoạt động kinh doanh chip nhớ và phát triển công nghệ di động 5G - thế hệ tiếp theo của internet di động tốc độ cao - nhằm cung cấp tốc độ tải dữ liệu nhanh hơn và băng thông lớn hơn.
Tuy nhiên, những bất ổn vẫn xoay quanh Jay Y. Lee với tư cách là người kế nhiệm tiềm năng, vì ông liên tục vướng phải những rắc rối về mặt pháp lý.
Lãnh đạo mới của Samsung đã từng phải ngồi tù sau khi bị kết tội đưa hối lộ để được chính phủ ưu ái, và những vụ bê bối dẫn đến việc phế truất cựu tổng thống Park Geun-hye. Các báo cáo cho biết vụ án đang được xét xử kháng cáo sẽ tiếp tục trong tháng này.
Ông cũng phải đối mặt với cáo buộc gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu, theo Reuters đưa tin.
"Bộ mặt của nền kinh tế Hàn Quốc"
Tổng thống Moon Jae-in ghi nhận công lao của cố Chủ tịch Lee vì vai trò của ông trong việc phát triển lĩnh vực bán dẫn trở thành một ngành công nghiệp lớn của Hàn Quốc và giúp Samsung trở thành công ty dẫn đầu trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, theo Yonhap News đưa tin. Ông Moon cho biết: "Là bộ mặt của nền kinh tế Hàn Quốc, Samsung đã dẫn đường cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà."
Samsung là tập đoàn chaebol lớn nhất của Hàn Quốc - (những tập đoàn lớn do gia đình tự quản, đã từng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước). Những tập đoàn Chaebol này kiểm soát mạng lưới công ty rộng lớn thông qua cơ cấu nắm giữ vòng tròn, và quyền kiểm soát của họ thường vượt quá quyền dòng tiền, nghĩa là các gia đình thường có ảnh hưởng không đáng có đối với các công ty tập đoàn mặc dù có cổ phần trực tiếp.
Về phần mình, cố Chủ tịch Lee là chủ sở hữu cổ phiếu giàu có nhất ở Hàn Quốc, theo Reuters. Ông nắm giữ 4,18% cổ phiếu phổ thông của Samsung Electronics và 0,08% cổ phiếu ưu đãi, tổng trị giá khoảng 15 nghìn tỷ won (13,3 tỷ USD). Ông cũng nắm giữ 20,76% cổ phần của Samsung Life với trị giá khoảng 2,6 nghìn tỷ won và 2,88% cổ phần của Samsung C&T với trị giá khoảng 564 tỷ won tính đến thời điểm đóng cửa hôm thứ Sáu, theo số liệu của Reuters.
Tổng doanh thu năm 2019 của Samsung và các chi nhánh của Samsung có trị giá khoảng 17% GDP của Hàn Quốc.
Trong khi các tập đoàn như Samsung đã chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ trước đến nay, nhiều công dân Hàn Quốc từ lâu đã yêu cầu các cơ quan chính trị cắt giảm quyền lực của các ông lớn này.

Theo CNBC