Thống kê cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của các ngân hàng niêm yết trong chỉ số VN-Index giảm 4,8% trong quý và giảm 1,0% so với cùng kỳ. 

Theo đó, thu nhập lãi thuần (NII) quý 2 đã giảm 3,9% theo quý và chỉ tăng nhẹ 2,1% theo năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ NIM bị thu hẹp 22 điểm cơ bản (bps) quý và 34bps năm, mặc dù tăng trưởng tin dụng của các ngân hàng niêm yết vẫn tương đối tích cực, tăng 11,1% theo năm (toàn ngành là 9,3%).

Thu nhập ngoài lãi (NFI) có sự phục hồi 17,6% nhờ lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu chính phủ) và tăng nhẹ 3% n/n so với mức nền cao ở cùng kỳ năm ngoái.

Chi phi hoạt động tăng 7,8% theo quý và tăng 6,9% theo năm do các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chi đầu tư tài sản và hạ tầng công nghệ số. Tỷ lệ CIR (chi phi hoạt động/thu nhập hoạt động) của các ngân hàng vẫn ở mức tốt là 33,2%, tăng nhẹ so với mức 31,0% ở quý trước.

Chi phi dự phòng chỉ tăng 1,3% trong quý và tăng 2,7% trong năm, mặc dù tỷ lệ nợ xấu quý 2/2023 tăng lên.

Chi phí tín dụng (chi phí dự phòng/dư nợ) trong quý 2//2023 chỉ ở mức 0,34%, tương đương giai đoạn trước COVID-19.

Tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,93%, tăng 16 bps theo quý và tăng 46 bps so với đầu năm do nợ nhóm 2 chuyển sang. Trong khi đó, nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 đến cuối quý 2/2023 chiếm 0,5% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Nợ xấu tăng lên trong khi chi phí dự phòng chỉ tăng nhẹ khiến bộ đệm dự phòng tiếp tục bị bào mỏng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức 109% từ mức đỉnh 160% vào quý 3/2022.

Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm là không tích cực. Tuy nhiên, theo dự báo của Công ty chứng khoán ACBS, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ cải thiện kể từ quý 3 trở đi nhờ lãi suất huy động giảm và CASA tăng trở lại sẽ bắt đầu tác động lên chi phí vốn của các ngân hàng dẫn đến NIM phục hồi.

Trong khi đó, lãi suất cho vay mới hiện đã ở mức hợp lý hơn so với kỳ vọng của khách hàng và sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động. Thu nhập lãi thuần luôn là nguồn thu quan trọng nhất đối với các ngân hàng, chiếm khoảng 80% tổng thu nhập, do vậy, NIM phục hồi sẽ đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ phục hồi mạnh nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm hơn 2% ở hầu hết các kỳ hạn kể từ đầu năm. Tuy nhiên, chi phí dự phòng sẽ chịu áp lực tăng trong nửa cuối năm 2023 do nợ xấu vẫn ở mức cao và bộ đệm dự phòng không còn dày.

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt 12%, thấp hơn so với mức tăng 14,2% của năm 2022 và định hướng tăng trưởng tín dụng 14%-15% của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay mặc dù đã hạ khá đáng kể nhưng các ngân hàng không hạ chuẩn tin dụng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng và thị trường bất động sản chưa phục hồi. Tuy nhiên, nhìn chung đa phần các ngân hàng niêm yết thường đạt được tăng trưởng tín dụng tốt hơn trung bình ngành nhờ nền tảng tài chính tốt và khả năng sinh lời cao.

Cho cả năm 2023, chúng tôi duy trì kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đạt 10%, chậm lại so với mức tăng 34,6% của năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Các ngân hàng có thanh khoản dồi dào và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro tín dụng tốt sẽ có điều kiện thuận lợi để đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn", ACBS nhận định.

Tại ngày 28/08/2023, giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/E là 9,3 lần và P/B là 1,8 lần, thấp hơn lần lượt 22,2% và 11,5% so với mức trung bình lịch sử 10 năm. Giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã có sự phục hồi khá ấn tượng 48% kể từ vùng đáy vào tháng 11/2022, tuy nhiên, hệ số giả trên thu nhập P/E của cổ phiếu ngành ngân hàng hiện vẫn đang thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình lịch sử là 12 lần.

Mặc dù triển vọng lợi nhuận năm 2023 không quá tích cực (dự báo tăng trưởng 10%), nhưng ACBS cho rằng, mức định giá hiện vẫn còn khá hấp dẫn với tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn.