Huyền thoại đầu tư Stanley Druckenmiller tin rằng các gói cứu trợ chưa từng thấy đã tạo ra môi trường đầu tư quái lạ nhất trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, vị chuyên gia đầu tư này cũng tỏ ra thích thú với các thị trường châu Á hơn vì cách các nền kinh tế này đối phó với đại dịch Covid-19.
Stanley Druckenmiller được mệnh danh là “cỗ máy kiếm tiền vĩ đại nhất lịch sử” - một người sở hữu kỹ năng phân tích của Jim Roger, khả năng giao dịch của Geogre Soros và sự liều lĩnh của một con bạc. |
Dưới đây là một cuộc trò chuyện thú vị giữa Tony Pasquariello – Trưởng bộ phận kinh doanh quỹ đầu cơ Goldman Sachs – với Stanley Druckenmiller.
00:42 / 01:32
Tony Pasquariello: Stan, chúng ta đang trải qua và đầu tư trong một giai đoạn lịch sử thật sự xét theo nhiều khía cạnh. Vậy sau các diễn biến gần đây, ông đánh giá thị trường hiện tại ra sao?
Stanley Druckenmiller: Theo tôi, chúng ta phải chuẩn bị cho giai đoạn biến động sắp tới. Tôi đã giữ vị trí Giám đốc đầu tư ở nhiều công ty kể từ năm 1978 và đây là bối cảnh quái lạ nhất mà tôi từng thấy.
Nói sơ qua về thị trường một chút, cuộc suy thoái trong năm 2020 có mức độ tác động gấp 5 lần cuộc suy thoái thông thường kể từ Thế Chiến II, nhưng thời gian diễn ra suy thoái lần này chỉ bằng 1/4 so với các lần trước.
Quái lạ hơn, trong năm mà 11 triệu người lâm cảnh thất nghiệp, chúng ta lại chứng kiến thu nhập cá nhân tăng mạnh nhất 20 năm qua giữa lúc xảy ra suy thoái kinh tế. Và dĩ nhiên, điều này là do những động thái chính sách chưa từng có tiền lệ.
Đạo luật Cứu trợ giữa dịch Covid-19 (CARES Act) bơm hàng ngàn tỷ USD dưới dạng kích thích tài khóa. Chỉ trong 3 tháng, chúng ta đã tăng thâm hụt nhiều hơn tổng thâm hụt trong 5 lần suy thoái trước cộng lại. Đáng nói hơn, 5 cuộc suy thoái lần trước cũng là những đợt suy thoái nghiêm trọng. Đó là suy thoái năm 1973, 1975, 1982, đợt vỡ bong bóng dot-com năm 2000 và dĩ nhiên là có cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nếu bạn cộng phần thâm hụt gia tăng của tất cả 5 giai đoạn này, bạn sẽ thấy phần thâm hụt tăng lên trong 3 tháng của năm 2020 còn lớn hơn thế.
Chỉ trong 6 tuần, Fed đã mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn tổng lượng mua vào của 10 năm dưới thời Ben Bernanke và Janet Yellen – thời điểm mà những người như tôi muốn thét lên Fed đã thực hiện nới lỏng định lượng (QE) quá mức. Nợ doanh nghiệp vốn gần như luôn giảm trong 1 cuộc suy thoái, nay lại tăng 400 tỷ USD. Đây là bối cảnh thật sự quái lạ.
Một yếu tố khác mà tôi muốn nhấn mạnh là phản ứng chính sách của các nước cũng thật sự ngoạn mục. Một trong những cách tốt nhất để diễn ra những gì tôi nói là kể từ năm 2018, lượng cung tiền M2 tại Mỹ đã tăng hơn GDP danh nghĩa khoảng 25% và vì vậy, thanh khoản tăng 25%. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tỷ lệ cung tiền M2 trên GDP danh nghĩa chỉ tương đương với cách đây 3 năm trước. Do đó, họ chẳng vay mượn thứ gì từ tương lai.
Chúng ta đã bơm một lượng thanh khoản đáng kể. Đây chủ yếu là tiền phát trực tiếp và gói kích thích tiền tệ từ Fed. Nước Mỹ đã đối phó thật tệ với virus Covid-19.
Trong khi đó, tại Trung Quốc hay nói rộng ra là châu Á, nhìn chung đã đánh bại dịch bệnh mà chẳng vay mượn gì từ tương lai. Vì vậy, bối cảnh có thể chẳng khác nhiều. Thế nhưng, những điều này làm tôi cảm thấy thật sự phấn khích với tư cách là một nhà đầu tư vĩ mô (macro investor), vì trên hết, có một yếu tố lớn khác trong phương trình này là vắc-xin ngừa Covid-19. Và có khả năng là tất cả gói kích thích này vẫn sẽ được duy trì và có khi còn tăng quy mô trong thời gian tới.
Tony Pasquariello: Xét tới chuyện thị trường cổ phiếu Mỹ đã tăng rất mạnh hồi trong những tháng đầu năm 2021, liệu chúng ta có thể đào sâu hơn đôi chút về góc nhìn đầu tư về các thị trường chứng khoán nước ngoài? Liệu có thị trường hay tài sản nào thực sự hấp dẫn ? Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hay bất kỳ quốc gia nào?
Stanley Druckenmiller: Tôi sở hữu tất cả. Anh nói đúng, các thị trường đã có một khởi đầu năm 2021 rất tốt. Thế nhưng, khi xem xét tới chuyện nước Mỹ đã vay mượn quá nhiều từ tương lai, rồi xem xét châu Á và cách họ đối phó Covid-19, tôi chỉ nghĩ họ là những kẻ thắng lớn trong giai đoạn Covid-19. Và thậm chí ở những lĩnh vực cụ thể như công nghệ, Intel đang rơi vào thế bất lợi.
Châu Á sở hữu công xưởng sản xuất chính và cũng dẫn đầu về sản xuất chip bộ nhớ. Họ cũng dẫn trước về robotics. Tôi chỉ nghĩ 5 năm tới, châu Á sẽ trông tốt hơn so với Mỹ. Tại một thời điểm nào đó, chúng ta phải trả nợ cho những gói kích thích đã thực hiện tại Mỹ trong 9 tháng vừa qua. Vì vậy, tôi có góc nhìn khá tích cực về một loạt công ty tại Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Thế nhưng, về dài hạn, tôi không biết những gì sẽ diễn ra trong 2 tháng tới. Tôi cùng quan điểm cho rằng châu Á rồi sẽ có thành tích vượt trội, thị trường cổ phiếu của họ so với Mỹ và thị trường tiền tệ.
Phải nhấn mạnh rằng Trung Quốc gần như chưa hề thực hiện gói nới lỏng định lượng nào (QE) trong 2 năm qua, trong khi quy mô QE của Mỹ so với GDP đã 14%. Lợi suất thực của họ cao hơn chúng ta. Họ tiếp tục thặng dư tài khoản vãng lai.
Khoản đầu tư ròng vào Trung Quốc đã vượt Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử. Và tôi chỉ nghĩ điều đó mới là bắt đầu của xu hướng chứ không phải là kết thúc.
Tony Pasquariello: Stan, anh đã điều hành quỹ Duquesne kể từ năm 1981 và tôi tin rằng anh chưa bao giờ ghi nhận 1 năm thua lỗ nào. Do đó, tôi muốn hỏi một chút về quá trình xây dựng danh mục của anh và cả quá trình quản trị rủi ro xoay quanh danh mục. Liệu có một quy trình cụ thể hay một loạt quy tắc mà anh luôn làm theo bất kỳ lúc nào?
Stanley Druckenmiller: Đầu tiên, việc tôi không có năm thua lỗ là đúng, nhưng phần lớn là nhờ may mắn. Danh mục của tôi có lúc bị giảm mạnh trong 3 hoặc 4 năm. Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, một sự kiện gì đó lại xuất hiện và trùng hợp là cứ tới cuối năm là danh mục của tôi xanh trở lại. Cứ đến ngày 31/12 là danh mục tôi sẽ đạt hiệu suất dương. Nếu bạn dùng cách tính khác như tính từ tháng 5 này sang tháng 5 sau, tôi sẽ có một vài năm giảm.
Thứ nhất, với tư cách là nhà đầu tư vĩ mô, các tài sản như tiền tệ và trái phiếu giao dịch 24/24 và có thanh khoản rất cao. Nhờ đó, bạn có thể thay đổi quan điểm nếu cảm thấy mình hành động sai. Đây là một điều tôi đã làm rất nhiều lần trong sự nghiệp vì tôi sai rất nhiều lần.
Thứ hai, tôi có nguyên tắc là không bao giờ nhảy vào một lĩnh vực nguy hiểm. Nếu bạn là người chỉ đầu tư cổ phiếu, việc của bạn là ở trong thị trường cổ phiếu. Nếu bạn cảm nhận rằng mình sẽ không nhảy vào cuộc chơi này vì quá phức tạp thì đừng nhảy vào.
Tôi muốn đề cập tới một yếu tố khác hoàn toàn đi ngược lại với nhận thức hiện nay. Đó là triết lý đặt tất cả các trứng vào một rổ và coi chừng cái rổ đó thật cẩn trọng. Bạn biết đấy tôi nhận ra hết lần này đến lần khác rằng mọi nhà đầu tư có 3 hoặc 4 cổ phiếu chiến thắng trong 1 năm. Và thông thường, bạn biết rõ về những cổ phiếu đó. Và bạn sẽ gặp rắc rối nếu không thật sự tập trung hoàn toàn vào các cổ phiếu đó. Chẳng hạn, khi bạn đặt 50%, 60%, 70% danh mục hoặc nhiều hơn vào 1 tài sản, bạn sẽ phải dồn mọi sự tập trung vào tài sản đó. Chiến lược này ít rủi ro hơn là một chiến lược mà bạn có thể rót vốn vào 5 hoặc 6 cổ phiếu và rồi chẳng cái nào ra hồn.
Tony Pasquariello: Bitcoin thì sao. Liệu đây có phải là mẹ của tất cả loại bong bóng tài sản hay không? Hay là một thứ gì đó có giá trị và tồn tại lâu dài?
Stanley Druckenmiller: Có thể là cả hai. Tôi hoài nghi về Bitcoin từ 3 hoặc 4 năm về trước. Tại sao mọi người lại mua thứ này nhỉ? Thế nhưng, Bitcoin vẫn tồn tại được 13 năm rồi. Và cụ thể hơn, giới trẻ đang nhìn vào Bitcoin như cách tôi đang xem xét với vàng vậy.
Tôi thật sự nghi ngờ về đồng tiền kỹ thuật số này. Tôi hoài nghi liệu Bitcoin có phải là một thứ gì khác ngoài kênh lưu trữ giá trị hay không, vì chúng gặp nhiều vấn đề với tư cách là tiền tệ. Thứ nhất, chúng dùng quá nhiều năng lượng. Thứ hai, Bitcoin biến động ghê gớm. Có các vấn đề kỹ thuật khác với Bitcoin mà tôi không thực sự hiểu được. Thế nhưng, tại thời điểm này, nó là một loại tài sản.
Quan điểm của tôi đã bị thổi phồng quá nhiều trên báo chí. Tôi thực sự sở hữu một ít Bitcoin và nó đã tăng rất nhiều kể từ lúc tôi mua vào. Đây chỉ là dạng chơi cho vui thôi (plaything). Tôi không thực sự tin vào Bitcoin. Nó có thể là một loại tài sản mới hay không? Tôi thật sự không biết.
Vũ Hạo (Lược dịch)