Trong phiên giao dịch vào ngày 22/3, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã CK: ACB) đã ghi nhận một phiên giao dịch thỏa thuận với khối lượng “khủng” lên đến 145 triệu cổ phiếu.

Với mức giá 27.650 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch của thỏa thuận này ước tính trị giá hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo dõi động thái của khối ngoại thì trong phiên sáng 22/3 ghi nhận 145 triệu cổ phiếu ACB bán ra và 145 triệu cổ phiếu được mua vào. Điều này đồng nghĩa với việc số cổ phiếu này đã được chuyển từ nhà đầu tư nước ngoài này sang nhà đầu tư khác.

co-dong-nao-sang-tay-145-trieu-co-phieu-acb-thu-ve-4000-ty-dong-1-1711123536.PNG
Nguổn: Cafef

Được biết, hiện tỷ lệ room ngoại của ACB đã đạt mức tối đa 30%, vì thế nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào ACB thì chỉ có cách duy nhất là phải có một nhà đầu tư ngoại khác bán ra.

Hiện thông tin về các nhà đầu tư giao dịch trong thương vụ này vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nhiều tin đồn cho rằng khả năng giao dịch do CVC Capital Partners thoái vốn.

Bởi tại thời điểm đầu năm nay, CVC Capital Partners đã từng tiết lộ với Reuters đang trong quá trình xem xét kế hoạch bán cổ phần tại ACB sau khi quỹ này nhận được lời đề nghị từ những nhà đầu tư tiềm năng, bao gồm các đối tác đến từ Nhật Bản.

co-dong-nao-sang-tay-145-trieu-co-phieu-acb-thu-ve-4000-ty-dong-1711123530.jpg

CVC Capital Partners đã tham gia đầu tư vào ngân hàng ACB từ năm 2017, tuy nhiên thông tin chi tiết về khoản đầu tư này không được công bố.

Hiện ông Võ Văn Hiệp - Giám đốc điều hành CVC Asia Pacific (Singapore) là thành viên HĐQT của ACB từ năm 2018 đến nay.

Đáng chú ý, phiên giao dịch thỏa thuận trên diễn ra trong bối cảnh nhà băng này sắp tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024.

Theo tài liệu mới công bố, năm nay ACB đặt lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Tổng tài sản tăng 12%, ước đạt 805.050 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11%, ước đạt 593.779 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.