image-20210518151046-1-1642169931.jpeg
Văn phòng Citi Vietnam tại TP.HCM.

Thỏa thuận nói trên bao gồm các hoạt động kinh doanh bán lẻ và thẻ tín dụng của Citi tại cả bốn thị trường. Citi sẽ tập trung nguồn lực cho mảng khách hàng doanh nghiệp trên toàn cầu, bao gồm Việt Nam.

“Thỏa thuận bao gồm việc hỗ trợ 5000 nhân sự Citi làm việc trong khối ngân hàng cá nhân sẽ chuyển sang UOB sau khi thương vụ hoàn tất. UOB sẽ trả Citi khoản tiền tương đương tài sản ròng của mảng kinh doanh được mua lại này cộng thêm 690 triệu USD,” theo thông cáo phát đi sáng 14.1.

Phía UOB cho biết, mảng bản lẻ của Citigroup có tổng giá trị ròng khoảng 4 tỷ đô la Singapore (tương đương 2,97 tỷ USD) và tệp khách hàng khoảng 2,4 triệu người, tính đến ngày 30/6/2021.

Giao dịch mua lại trên dự kiến sẽ được thanh toán từ nguồn vốn dư của ngân hàng UOB, do đó ước tính kéo giảm 70 điểm cơ bản mức vốn cấp 1 của ngân hàng này xuống còn 12,8%. Tuy vậy, phía UOB vẫn cho rằng tác động của thương vụ mua lại đến vốn cấp 1 không quá nghiêm trọng và sẽ vẫn nằm trong ngưỡng quy định.

"Ngân hàng UOB tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của thị trường Đông Nam Á và chúng tôi đã có làm việc có nguyên tắc, chọn lọc và kiên nhẫn tìm kiếm các cơ hội phù hợp để phát triển", ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành UOB cho biết.

Khoảng 5.000 nhân viên giao dịch ngân hàng và nhân viên hỗ trợ của Citigroup tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Việt Nam dự kiến sẽ được chuyển giao cho UOB khi thỏa thuận kết thúc.

Sau khi hoàn tất giao dịch bán khối ngân hàng cá nhân, định chế tài chính Mỹ dự kiến thu về khoảng 1,2 tỉ USD vốn chủ sở hữu đã phân bổ và khoản tăng thêm 200 triệu USD. Trước đó việc rút khỏi 13 thị trường bán lẻ cũng giúp Citi thu về khoảng 7 tỉ USD vốn chủ sở hữu đã phân bổ cho mảng kinh doanh này.

Ông Peter Babej, tổng giám đốc Citi châu Á – Thái Bình Dương cho biết thỏa thuận với UOB – tổ chức tài chính với văn hóa doanh nghiệp vững chãi và những tham vọng bao trùm khu vực “sẽ là mái nhà lâu dài” cho các nhân viên của họ sau chia tách.

Trước đó, Giám đốc điều hành Citigroup Jane Fraser đánh tiếng rằng tập đoàn này sẽ rút khỏi mảng bán lẻ ở 13 quốc gia bên ngoài Mỹ để cải thiện lợi nhuận. Nhiều thị trường trong số đó là ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

"Việc bán mảng bán lẻ tại 4 thị trường trên, cùng với các giao dịch đã thông báo trước đây của chúng tôi, cho thấy chúng tôi nhận thấy tính cấp bách phải thực hiện chiến lược làm mới mình", Giám đốc tài chính Citigroup Mark Mason nói.

Citigroup dự kiến thương vụ trên sẽ được hoàn tất trong khoảng thời gian từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2024, tùy thuộc vào tiến độ và kết quả của các quyết định phê duyệt.

Hồi tháng 4.2021, Citi cũng đã thông báo rút khỏi 13 thị trường bán lẻ ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi trong một kế hoạch tái cấu trúc để tập trung nguồn lực vào mảng khách hàng doanh nghiệp.

Năm ngoái, Citigroup cho biết họ đã đồng ý bán lại mảng bán lẻ ở Philippines và Australia, đồng thời giảm bớt hoạt động mảng này ở thị trường Hàn Quốc.

Cách đây hai tuần, Citi đã bổ nhiệm ông Ramachandran A.S. làm tổng giám đốc Citi Việt Nam. Tân tổng giám đốc có 27 năm kinh nghiệm trong khối khách hàng doanh nghiệp của Citi, ông từng làm việc tại London phụ trách toàn cầu khối khách hàng là các công ty đa quốc gia tại các thị trường mới nổi. Ông cũng làm việc tại Singapore, phụ trách các khách hàng đa quốc gia lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương.

UOB là một trong những tập đoàn hàng đầu tại châu Á, năm 1993 tập đoàn này mở văn phòng đại diện ngân hàng UOB tại Việt Nam và năm 1995 trở thành ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập chi nhánh tại TP.HCM. Ngân hàng UOB Việt Nam chính thức thành lập năm 2018, cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp cho cả khách hàng Việt Nam và quốc tế.

Citi mở chi nhánh tại Việt Nam từ trước 1975, đến năm 1993 quay lại thiết lập văn phòng đại diện ở Hà Nội và năm 1994 trở thành định chế tài chính Mỹ đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Hà Nội với đầy đủ các dịch vụ, chi nhánh thứ hai mở tại TP.HCM năm 1998.

Trước thông báo này, định chế tài chính Mỹ hoạt động tại Việt Nam với 900 nhân viên, cung cấp các dịch vụ như ngân hàng doanh nghiệp và đầu tư, quản lý dòng tiền và thanh toán quốc tế, ngân hàng thương mại, ngân hàng bán lẻ, chứng khoán và các dịch vụ giao dịch khác.