
Ông Đào Hồng Tuyển sinh ra ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Nghe nói rằng ông tham gia làm chiến sỹ đoàn tàu không số khi mới 15 tuổi và sau đó tham gia chiến đấu ở chiến trường Cambodia.
Sau khi xuất ngũ, ông Đào Hồng Tuyển ở lại Sài Gòn lập nghiệp, nhưng khi ấy hành trang của ông chỉ là chiếc ba lô với vài bộ quân phục. Ông không có tiền bạc, không có người quen nên phải lang thang, ngủ vỉa hè, làm đủ nghề để mưu sinh.
May mắn khi ông được một sĩ quan hải quân cho ở nhờ tạm tại một gara cũ. Ông tự thề với chính bản thân mình sẽ thoát nghèo để trở thành người giàu có.
Ngày hôm sau, ông cùng với một số bạn bè thành lập một nhóm mua bán ve chai. Lúc đó sau chiến tranh nên phế liệu tràn ngập thành phố. Nhanh chóng bắt lấy thời cơ, ông đã vận dụng một số kiến thức về máy móc khi được học trong quân ngũ, mua lại máy móc rồi sửa chữa để tái sử dụng. Đồng thời, ông còn tìm kiếm một số người có chuyên môn tốt về cơ khí, hóa học rồi tập hợp họ lại. Ông Đào Hồng Tuyển bắt đầu cùng các cộng sự sản xuất bia, nước giải khát để cung cấp cho thành phố.
Chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã tạo nên 34 cơ sở kinh doanh nước giải khát, và chiếm 80% thị phần nước giải khát ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn lấn sân sang các lĩnh vực khác như phân bón, bất động sản.
Năm 1997, ông quyết định rời Sài Gòn về Quảng Ninh đầu tư. Ông Đào Hồng Tuyển thành lập Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, trụ sở ở đảo Tuần Châu, TP. Hạ Long, Quảng Ninh.
Với tầm nhìn nhanh nhạy, ông Tuyển đã đề nghị tỉnh Quảng Ninh được đầu tư đảo Tuần Châu thành một khu du lịch. Việc đầu tiên ông làm là dốc hết tiền mình có, vay ngân hàng để đổ rất nhiều xi măng đá sỏi xuống biển, tạo thành con đường dài khoảng 2km nối đất liền với Tuần Châu.
Sau khi con đường hoàn thành, giá đất ở Tuần Châu tăng cao. Cũng nhờ đó ông Tuyển bán được đất, thu được tiền để đầu tư tiếp. Giờ ở Tuần Châu, Công ty Âu Lạc có 2 bến cảng du thuyền quốc tế, rất nhiều khách sạn, có công viên, nhà hàng,...Tiền của ông Tuyển càng nhiều thêm và giờ ông vẫn còn rất nhiều đất để bán. Nghe đồn rằng tổng tài sản của ông Tuyển cũng phải đến 5 hay 7 tỷ đô la.
Không chỉ ông Tuyển, ông Huỳnh Uy Dũng công ty Đại Nam, bà Chu Thị Bình công ty thuỷ sản Minh Phú, bà Trần Thị Lâm tập đoàn Hoa Lâm, cũng đều là những tỷ phú không học đại học. Họ đều xuất thân nghèo khó nhưng bằng ý chí, sự ham học hỏi, sự nhạy bén, tính kiên trì, chịu thương chịu khó mà vươn lên.
Nhưng họ là những người kiệt xuất, hàng chục triệu người mới có một. Vậy nên vẫn cần phải chăm học!