Khác với các Tổng thống Mỹ sau Thế chiến II thường chọn Canada, Mexico, Anh hoặc Brussels cho chuyến công du đầu tiên, Tổng thống Donald Trump trong cả hai nhiệm kỳ đều chọn Ả Rập Saudi. Ông nhìn ra tiềm năng địa chính trị của Trung Đông mà nhiều người tiền nhiệm trước đã bỏ qua. Chuyến thăm tháng 5/2025 vì vậy không chỉ mang về con số kỷ lục 3200 tỷ USD đầu tư (1400 tỷ USD từ UAE, 1200 USD từ Qatar và 600 tỷ USD từ Ả-rập Saudi) và các đơn hàng thương mại, mà còn đánh dấu bước ngoặt trong chính sách đối ngoại Mỹ, mở ra viễn cảnh mới về hòa bình, thịnh vượng và trật tự mới ở khu vực và thế giới.

1. TẠO RA MỘT ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI CHO TRUNG ĐÔNG
Chuyến thăm của Tổng thống Trump đã đặt nền móng cho một làn sóng đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng chưa từng có tại Trung Đông. Saudi Arabia công bố gói đầu tư lên đến 600 tỷ USD, bao gồm 20 tỷ USD phát triển hạ tầng năng lượng và trung tâm dữ liệu AI tại Mỹ. Đồng thời, Qatar cam kết chi 243 tỷ USD, trong đó riêng Boeing nhận được đơn hàng 160 máy bay trị giá 96 tỷ USD.
Các tập đoàn như Amazon, Nvidia, Oracle, Google, Palantir, Salesforce... đang hợp tác phát triển các "AI Zones" tại Riyadh và Doha. Sự dịch chuyển chiến lược khỏi mô hình phụ thuộc dầu mỏ sang kinh tế tri thức đang biến vùng Vịnh trở thành trung tâm AI mới của thế giới, mở ra hàng trăm nghìn việc làm và thu hút nhân tài toàn cầu.
2. THU HÚT DÒNG VỐN TRUNG ĐÔNG THAY THẾ ĐẦU TƯ TRUNG QUỐC VÀO MỸ
Tổng thống Trump thành công trong việc “xoay trục đầu tư” từ Trung Đông sang Mỹ, tạo ra một dòng chảy tài chính thay thế cho các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Với cam kết 600 tỷ USD từ Saudi Arabia, 243 tỷ USD từ Qatar và 1,4 nghìn tỷ USD dự kiến từ UAE trong 10 năm tới, Washington đang khẳng định vai trò là điểm đến chiến lược của các quỹ đầu tư vùng Vịnh.

Sự xuất hiện của các quỹ như PIF (Saudi), QIA (Qatar), Mubadala (UAE) trong các thương vụ với Nvidia, Boeing, AMD, Google… phản ánh niềm tin lâu dài vào nền kinh tế Mỹ. Đây là cách tiếp cận song song: Mỹ nhận đầu tư chất lượng cao, trong khi các nước vùng Vịnh được chia sẻ công nghệ, bảo đảm an ninh và tiếp cận thị trường lớn.
3. TIẾN GẦN ĐẾN HÒA BÌNH TOÀN DIỆN TRONG KHU VỰC TRUNG ĐÔNG
Một điểm sáng vượt kỳ vọng là nỗ lực làm sống lại tiến trình hòa bình Trung Đông. Tổng thống Trump công bố Syria đồng ý tham gia Hòa ước Abraham – một bước tiến lịch sử sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Cùng lúc, ông cho biết Mỹ "rất gần" đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Iran – cam kết “không chế tạo bụi hạt nhân.”
Viễn cảnh một Trung Đông không vũ khí hạt nhân, có Syria hòa giải với Israel, các nước Vùng Vịnh hợp tác kinh tế – có thể biến khu vực này từ điểm nóng xung đột thành “ốc đảo hòa bình và thịnh vượng.” Từ Gaza đến Tehran, giọng điệu ngoại giao bắt đầu thay thế đe dọa quân sự – một kết quả hiếm hoi trong 20 năm qua.
4. GIẢM TÍNH CHẤT CỰC ĐOAN CỦA HỒI GIÁO VÀ HƯỚNG ĐẾN HỘI NHẬP TOÀN CẦU
Các thỏa thuận công nghệ, giáo dục, năng lượng sạch và y tế trong chuyến thăm phản ánh một chuyển biến lớn trong chiến lược của các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh: từ thần quyền sang khoa học; từ khép kín sang hội nhập. Với sự hợp tác của Amazon, Google, và các trường đại học Mỹ, các quốc gia như Saudi Arabia và UAE đang định hình một thế hệ mới: cởi mở hơn, số hóa hơn, và ít bị chi phối bởi cực đoan.
Các dự án AI, năng lượng tái tạo, du lịch, logistics… mở đường cho nữ giới, giới trẻ, và cộng đồng quốc tế tham gia vào công cuộc chuyển đổi quốc gia. Đây không chỉ là trục tăng trưởng mới, mà còn là lời giải căn cơ cho vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo chính trị cực đoan từng làm rối loạn khu vực.
5. TÁI CẤU TRÚC VAI TRÒ CỦA MỸ TẠI TRUNG ĐÔNG – GIẢM QUÂN SỰ, TĂNG ẢNH HƯỞNG
Thay vì tiếp tục đổ nguồn lực vào chiến tranh không hồi kết, Tổng thống Trump đang tái cấu trúc vai trò của Mỹ tại Trung Đông bằng sức mạnh mềm và ảnh hưởng kinh tế. Các hợp đồng quân sự khổng lồ (142 tỷ USD với Saudi, 42 tỷ USD với Qatar) bảo đảm lợi ích an ninh của Mỹ mà không cần mở rộng hiện diện quân sự.

Việc thúc đẩy đầu tư, công nghệ và đồng thuận chính trị thay cho can thiệp trực tiếp sẽ giúp Mỹ giảm gánh nặng quốc phòng tại Trung Đông, đồng thời tập trung hơn vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối phó với Trung Quốc. Về mặt địa chính trị, Mỹ không rút lui khỏi Trung Đông, mà trở lại với tư cách “người dẫn dắt cuộc chơi” thay vì “cảnh sát toàn cầu.”
Tóm lại, chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump không chỉ là một cuộc trình diễn ngoại giao, mà là bước chuyển chiến lược của nước Mỹ trong thế kỷ 21. Từ đầu tư, công nghệ, an ninh đến ngoại giao hoà bình – mọi trục chính sách đều được tích hợp vào một tầm nhìn chung: Trung Đông mới – giàu có, hòa bình và không phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào ngoài sự cộng hưởng với Mỹ. Đây có thể là dấu mốc đầu tiên của một "Pax Americana mới" ở Trung Đông, nếu được duy trì khéo léo trong thập kỷ tới.
Tất nhiên, mọi thứ lấp lánh không hẳn là vàng. Và chuyến đi này, nhìn từ góc độ đó, cũng có không ít thách thức và để lại những câu hỏi lớn chưa có lời giải./
(Tổng hợp từ báo chí địa phương)