Hồi đầu dịch rất nhiều chuyên gia y tế lo ngại nếu để đại dịch bùng phát tại Châu Phi thì sẽ là 1 thảm hoại bởi hạ tầng y tế của châu lục này rất yếu kém. Trên thực tế dịch đã bùng lên tại đây nhưng nếu xét 1 cách tổng thể số ca mắc cũng như tử vong ở châu Phi lại ở mức rất thấp, không hề cao như ở các khu vực có nền y tế cực hiện đại như châu Âu và Mỹ. Thời điểm hiện tại số ca mắc cũng như tử vong tại đây lại còn giảm mạnh đến mức các chuyên gia y tế không thể giải thích được.

Một ví dụ điển hình là Zimbabwe, nơi số ca mắc 1 vài hôm trước chỉ là hơn 30 ca. Đây là 1 quốc gia thuộc diện trung bình ở châu Phi và nền y tế không phải là thứ họ đáng tự hào gì cả. Có người dân cho biết giờ đây họ cầm theo khẩu trang khi ra đường, nhưng mục đích là để đối phó với cảnh sát do hay bị vòi tiền nếu không tuân thủ quy định hiện tại của chính phủ chứ không cầm khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi covid-19.

Số liệu chung được ghi nhận bởi WHO cũng cho thấy 1 xu hướng giảm rất đều kể từ tháng 7 trở lại đây, cho thấy việc giảm ca nhiễm này là có hệ thống chứ không phải là 1 hiện tượng nhất thời. Nhưng họ cũng cho rằng có thể vấn đề nằm ở việc dữ liệu về dịch bệnh được cung cấp chưa chính xác, nhất là hệ thống giám sát ở châu lục này không tốt lắm, và rất có thể xu hướng sẽ thay đổi trong thời gian tới.

covid-africa.jpg

Theo lời bà Wafaa El-Sadr, Giám đốc về y tế toàn cầu của trường đại học Columbia, việc giảm số ca mắc vẫn là 1 điều bí ẩn bởi Châu Phi không có đủ vaccine và các công cụ để chống lại đại dịch như các nơi khác, nhưng bằng 1 cách nào đó châu lục này lại chống dịch tốt hơn. Hiện mới chỉ có chưa đến 6% dân số tại đây được tiêm vaccine, vậy nên việc miễn dịch cộng đồng là điều không tưởng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng lý do có thể bởi dân số trẻ ở châu Phi, với số tuổi trung bình tại đây là 20 so với 43 ở Tây Âu, cùng đó tỷ lệ đô thị hóa thấp và thời gian sống ngoài trời cao có thể là nguyên do.

Tại Uganda lại có 1 phát hiện khác khi số liệu cho thấy những bệnh nhân nhiễm covid có nguy cơ phơi nhiễm với sốt rét lại có khả năng ít bị trở nặng hoặc tử vong khi nhiễm virus so với những người hầu như không có bị nhiễm sốt rét trước đó. Đây cũng là 1 phát hiện đáng ngạc nhiên bởi ít người nghĩ việc bị mắc sốt rét lại có tác dụng bảo vệ khỏi covid-19 như vậy. Nghiên cứu này cũng gợi ý rằng việc bị nhiễm sốt rét đã làm hệ miễn dịch có xu hướng tăng phản ứng miễn dịch nếu bị nhiễm SARS-CoV-2.

Còn ở Nigeria, quốc gia có số dân đông nhất châu lục hiện mới chỉ ghi nhận gần 3 nghìn ca tử vong trong tổng số 200 triệu dân, 1 con số cực kì nhỏ so với những nước khác. Tại Nam Phi, nơi có số ca tử vong cao nhất châu lục với gần 90 nghìn người thì vẫn là 1 con số rất nhỏ nêu đem so sánh với tổng số ca tử vong ở Châu Mỹ và châu Âu, chiếm tương đương 46% và 29% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Các câu chuyện tương tự vẫn đang diễn ra ở rất nhiều nước khác tại châu Phi, các nhân viên y tế cũng thở phào vì mọi thứ chưa vượt qua tầm kiểm soát nhưng cũng đang rất cảnh giác bởi không thể biết khi nào đại dịch thực sự bùng phát trong thời gian tới.

Tham khảo AP