Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương, thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường (phi Basmati). Ngay lập tức, thông tin này tác động mạnh đến giá gạo trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. 

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 4/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn.

Cùng với đó, gạo 25% tấn cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Như vậy, giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.

Tin vui này đã là nhân tố then chốt khiến cho giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lúa gạo trong nước đồng loạt "bốc đầu". Mã VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood 2, UpCOM: VSF) là một ví dụ điển hình.

Đà tăng của VSF bắt đầu ngay sau khi thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa gạo. Từ mức giá 8.000 đồng/cổ phiếu, VSF đã liên tiếp có đến 10 phiên tăng điểm, trong đó có 9 phiên tăng trần, kéo thị giá cổ phiếu này lên mức 37.400 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức cao nhất của VSF kể từ khi niêm yết. Như vậy. chỉ trong 18 ngày, VSF đã tăng giá lên đến 467,5%.

Trong văn bản giải trình về việc giá cổ phiếu tăng liên tiếp, phía công ty cho biết, giá cổ phiếu VSF tặng hoàn toàn phụ thuộc vào cung – cầu thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu của nhà đầu tư. Công ty không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường. Công ty luôn tuần thủ các quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.

Điều đáng nói là, trái ngược với việc tăng giá phi mã của cổ phiếu thì tình hình kinh doanh của công ty này không mấy khả quan.

6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 11.337 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng, gấp đôi nửa đầu năm ngoái.

Công ty có đòn bẩy tài chính cao khi tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2022 là 2,5 lần. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tổng tài sản năm 2022 cũng chưa tới 1%.

Lãnh đạo VSF cho biết, do Tổng Công ty tiếp tục quản lý tốt và kiên quyết tiết giảm các khoản phí; theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường, kịp thời nắm bắt cơ hội và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh nên đã mang lại lợi nhuận tốt trong kỳ.

Tại thời điểm 30/6, công ty có 8.843 tỷ đồng tài sản trong đó gần 3.000 tỷ là hàng tồn kho - gấp 2,6 lần đầu năm. Theo ghi nhận, công ty đã tăng dự trữ lượng lớn nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng hóa với giá trị 2.700 tỷ đồng).

Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 55% xuống 662,5 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khách hàng giảm 36,6% xuống 1.292 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng mạnh 160% lên 2.977 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 5,7% lên 6.420 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng tới 67% lên 4.257 tỷ đồng, vay nợ dài hạn tăng nhẹ lên 7,5 tỷ đồng

Dù doanh thu thuần liên tục tăng nhưng công ty mới chỉ thoát lỗ năm 2022. Kể từ năm 2013 - 2021, doanh nghiệp này liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài. Mạch thua lỗ này chỉ được ngắt vào năm 2022 khi Vinafood 2 ghi nhận khoản lãi hơn 88 tỷ đồng.

Hiện Vinafood 2 đang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp không hiệu quả, mất vốn, và quyết toán cổ phần hoá Tổng Công ty.

Tổng công ty Lương thực miền Nam – Công ty cổ phần tiền thân là Tổng công ty lúa gạo Miền Nam được thành lập năm 1976 theo Quyết định của Bộ Lương thực và Thực phẩm. Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết và được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ.

Trong suốt hơn 40 năm hoạt động, VSF là doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8 - 3 triệu tấn gạo, kiêm ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD. Trong năm 2022, công ty chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 6/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra các dấu hiệu sai phạm tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) và một số đơn vị liên quan.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định: Trương Thanh Phong, nguyên Tổng Giám đốc; Trần Văn Vẹn, nguyên Chủ tịch HĐQT; Trần Bảy, nguyên Trưởng Phòng kế hoạch chiến lược Vinafood 2 đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích 7.619,8 m2 tại địa chỉ 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Ngày 28/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ba cá nhân trên về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.