Quá trình hình thành và phát triển của MSB

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (viết tắt MSB hay còn được biết với thương hiệu cũ là Maritime Bank) là ngân hàng thương mại cổ phần được cấp giấy phép thành lập đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập năm 1991 tại thành phố Hải Phòng. Đến năm 2005, Ngân hàng chính thức chuyển Hội sở về Hà Nội. Ngày 12 tháng 8 năm 2015, Maritime Bank chính thức nhận sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông, với giá trị tổng tài sản 123.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ, mạng lưới gần 300 chi nhánh, phòng giao dịch và gần 500 máy ATM trên toàn quốc.

chuyen-kinh-doanh-ngan-hang-msb-maritime-bank-va-lum-xum-nghin-ty-tin-dung-cua-ngan-hang-1683834685.png

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán, kết thúc năm tài chính 2020, tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 176,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,56% so với năm 2019 và hoàn thành 103,94% so với kế hoạch đặt ra. Dư nợ tín dụng tăng gần 24,76% đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng và phát hành các giấy tờ có giá đạt hơn 99,2 nghìn tỷ đồng tăng 10,4% so với đầu năm và vượt kế hoạch mục tiêu. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với năm 2019 và bằng 175% kế hoạch năm. Năm 2020, các hoạt động kinh doanh lõi đều đạt sự tăng trưởng tốt. Cụ thể theo số liệu hợp nhất, hoạt động tín dụng đã đem về 4.822 tỷ đồng thu nhập lãi thuần hợp nhất, tăng trưởng 57,49% so với 2019.

Tính đến ngày 30/6/2021, số vốn điều lệ của MSB là 11.750 tỉ đồng và tổng tài sản đạt 183.271 tỷ đồng. Về quy mô vốn, MSB hiện đang ở vị trí 15/31 trong hệ thống ngân hàng TMCP của Việt Nam và thứ 17/31 về quy mô tổng tài sản. Số tài sản sinh lời của MSB trong nhiều năm nay chiếm chưa đến 90% tổng tài sản, loanh quanh ở mức 84 - 85%. Trong quý 2/2021, tỉ lệ tài sản sinh lời trên tổng tài sản của MSB vẫn chỉ đạt 87% dù ghi nhận tăng trưởng tín dụng nóng. Trong đó, khoản mục tài sản có khác chiếm tới 12% tổng tài sản. MSB hiện vẫn còn “ôm” hơn 4.022 tỉ đồng là tài sản gán nợ, trong đó gồm hơn 30 con tàu biển được khách hàng thế chấp vay vốn cách đây nhiều năm. Đến nay, việc thanh lý hay cho thuê lại số tàu biển này là một thách thức lớn đối với MSB, nếu ngân hàng không muốn thanh lý với giá bán sắt vụn, bởi những con tàu già đang gỉ sét dần theo năm tháng. Tính đến tháng 12/2020, MSB mới ghi nhận doanh thu vận hành các tài sản chờ thanh lý này là 597 tỉ đồng. Nhưng thực tế, MSB vẫn chưa thu tiền về mà đang chờ quyết toán khi hoàn tất việc thanh lý.

chuyen-kinh-doanh-ngan-hang-msb-maritime-bank-va-lum-xum-nghin-ty-tin-dung-cua-ngan-hang-4-1683834937.jpeg
 

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, MSB thu về gần 4,024 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 39% so cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 74%, chỉ còn thu hơn 580 tỷ đồng, do giảm thu từ nghiệp vụ ủy thác và đại lý. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi gần 662 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ, do phần thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng mạnh và kỳ này được hoàn nhập 8.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ trích lập dự phòng 477 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, MSB giảm đến 87% chi phí dự phòng rủi ro, chỉ còn trích gần 56 tỷ đồng, do đó Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 3,336 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.

Kết thúc quý 1/2023, tổng thu nhập hoạt động của MSB đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm 75%, đạt hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, dựa trên việc kiểm soát danh mục tín dụng và được dẫn dắt bởi biên lãi thuần ở mức 4,39%. Thu nhập ngoài lãi cán mốc 710 tỷ đồng, ghi nhận tăng trưởng tốt từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khi lãi thuần mảng này tăng 52% so với thời điểm kết thúc quý 1/2022.

Lùm xùm tín dụng của MSB

Nhiều người dân trú tại các xã Ngọc Liệp, Đông Yên, Cấn Hữu, Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) cho biết đã phải vay tiền ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), thông qua trung gian và tố cáo những người môi giới có liên quan, đặc biệt, trong số những người bị tố cáo là cán bộ ngân hàng MSB. Theo nội dung tố cáo, sau khi thế chấp quyền sử dụng đất, hầu hết người dân không nhận được tiền (hoặc nếu có tiền thì cũng chỉ nhận được rất ít so với hợp đồng), nhưng phải gánh trên lưng một khoản nợ khổng lồ (gồm gốc, lãi, phạt chậm trả) lên tới hàng tỷ đồng.

Cụ thể, khoảng từ năm 2009 – 2011, người dân các xã trên có nhu cầu vay vốn mỗi người  vài trăm triệu để mở rộng sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, trình độ hiểu biết cũng như va chạm xã hội còn hạn chế khó có thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng. Thời điểm này, tại thôn Thế Trụ, xã Nghĩa Hương bỗng nổi lên một người tên Nguyễn Văn Thiết vốn kinh doanh nghề làm mộc, nhưng ông Thiết “nổ” có quan hệ với cán bộ ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB). Người này giới thiệu mình có thể giúp người dân vay được tiền ngân hàng. Như “chết đuối vớ được cọc”, biết ông Thiết có quen biết với cán bộ ngân hàng, lại cùng xuất thân là người làm nông, cùng huyện, nên nhiều người đã đến “cầu cạnh”, “nhờ vả” ông Thiết, giới thiệu để vay được tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, ông Thiết yêu cầu mỗi người dân phải trích lại 6% trên 100 triệu đồng, thì sẽ dẫn đến tận nơi để gặp “người quen” là cán bộ ngân hàng MSB để làm thủ tục vay tiền. Hồ sơ vay tiền ông Thiết sẽ lo hết và chỉ khoảng 3 đến 5 ngày sẽ nhận được tiền chỉ cần mang sổ đỏ theo.

Do nhu cầu vay cấp thiết, nhiều người dân đã chấp nhận yêu cầu này. Sau đó, với cùng một “kịch bản”, ông Thiết đã đưa người dân có nhu cầu vay tiền ra phòng công chứng Hà Nội có địa chỉ tại A38 Hoàng Ngân, Cầu Giấy, TP Hà Nội để ký kết hồ sơ vay vốn với ngân hàng MSB. Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Mai Văn Điện trú tại thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, là người được Tòa án triệu tập là người làm chứng trong một vụ án dân sự về tranh chấp Hợp đồng tín dụng của một người dân tại xã Đông Yên và ngân hàng MSB được TAND TP Hà Nội thụ lý giải quyết cho biết: “Anh Thiết đứng vai trò môi giới, thông tin, đưa dân đến ngân hàng Hàng Hải (MSB) để vay vốn, tất cả tiền nong đều thông qua anh Thiết, dân chỉ đến ký tại phòng công chứng, xong ra về, vài ngày sau anh Thiết mới mang tiền về cho, người dân không được nhận tiền trực tiếp tại ngân hàng và anh ấy gửi cho tờ giấy photo đề Hợp đồng tín dụng”.

Cũng theo ông Điện, nhiều trường hợp người dân không nhận được tiền, có trường hợp chỉ nhận được tiền nhỏ giọt, tiền nhận được ít hơn nhiều so với số tiền mong muốn được vay, và điểm chung là đều nhận tiền thông qua ông Thiết hoặc được ông Thiết đưa ra một số địa điểm tại Hà Nội để nhận tiền nhưng hầu hết không được nhận tiền trực tiếp tại ngân hàng MSB. 

chuyen-kinh-doanh-ngan-hang-msb-maritime-bank-va-lum-xum-nghin-ty-tin-dung-cua-ngan-hang-1-1683834738.png

Tờ Hợp đồng tín dụng photo mà người dân được cầm

Tại đây, ngoài ông Thiết, người dân còn được gặp một số người xưng là cán bộ Ngân hàng MSB như ông Ngô Song Toàn, ông Đỗ Huy Khánh và ông Nguyễn Huy Hoàng (có địa chỉ tại ngõ Thịnh Hào 2, Đống Đa, Hà Nội). Ngoài ra, còn một người phụ nữ hiện chưa rõ lai lịch tên Nguyễn Minh Điệp có địa chỉ tại đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng xuất hiện tại và hướng dẫn người dân làm thủ tục. Sau này, anh Thiết cũng đưa một số người đến gặp bà Điệp để đòi sổ đỏ.

chuyen-kinh-doanh-ngan-hang-msb-maritime-bank-va-lum-xum-nghin-ty-tin-dung-cua-ngan-hang-2-1683834738.png

Thông báo thu hồi khoản vay của ngân hàng MSB