Triều sinh năm 1994, không may bị khiếm thị bẩm sinh từ nhỏ. Không những không muốn mình là gánh nặng của gia đình, bạn còn mong muốn chứng minh mình sẽ là người có ích cho xã hội không kém những người sáng mắt. Do đó, không những quyết tâm học văn hóa đến nơi đến chốn, bạn còn dành thời gian học thêm các môn yêu thích như đàn, trống tay, bơi lội, bóng đá khiếm thị, điền kinh, Judo. Từ năm 17 tuổi, bạn đã bắt đầu đi học nghề massage bấm huyệt và làm công việc này mỗi thứ bảy chủ nhật hàng tuần để vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa kiếm tiền đi học. 

Dù gặp nhiều khó khăn bất tiện trong học tập, sinh hoạt, năm 19 tuổi bạn vẫn có thể bước chân vào đại học và đã lấy được tấm bằng Cử nhân Tâm lý của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn niên khóa 2013 - 2017. Trong 4 năm học đại học, buổi tối bạn đi học (hệ tại chức), ban ngày bạn đi làm massage bấm huyệt hoặc đi đàn khi có “show”.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, nhận thấy cần phải tập trung vào một nghề để có thể làm tốt nhất, Triều đi học thêm về trị liệu chuyên sâu và dành toàn bộ thời gian để làm massage bấm huyệt. 

Khởi nghiệp Kinh doanh 

Sau 2 năm làm thuê tại một cơ sở massage bấm huyệt của người khiếm thị, Triều quyết định ra khởi nghiệp kinh doanh với một cơ sở riêng cho mình vào tháng 6/2020 trong con hẻm tại đường 3/2 quận 10 (Hiện đã dời đến điểm rộng hơn tại 177/10 đường 3/2, P11, Q10, bên cạnh bánh cuốn Thiên Hương). 

Nói về lý do nghỉ làm thuê ra tự kinh doanh, Triều cho biết xuất phát từ việc bạn rất không đồng tình với việc nơi làm trước đây dùng hình ảnh, nội dung tội nghiệp đáng thương của người khiếm thị làm điểm hút khách. Bạn muốn khách hàng thực sự trả tiền vì sự hài lòng với trải nghiệm sản phẩm dịch vụ họ nhận được, vì họ thật sự hết nhức mỏi đau nhức, cảm thấy tinh thần cơ thể khỏe mạnh thoải mái sau khi được phục vụ chứ không phải vì sự thương hại người khiếm thị. “Mỗi lần thấy khách quay lại và nói: Hôm bữa làm ở đây về thấy khỏe và bớt đau hẳn, ngủ ngon hơn là em thấy vui lắm” - Triều chia sẻ.

Lý do thứ hai là bạn muốn tăng thu nhập cho bản thân và những bạn nhân viên khiếm thị. 

Trước đây, bạn đi làm thuê chỉ được chia tiền lương 25% trên tiền vé, ví dụ tiền vé 120.000 chỉ được 30.000, một ngày trung bình làm 3-4 khách chỉ được 90.000đ - 120.000đ, trong đó phân nửa khách sẽ tip thêm cho các bạn 50.000đ - 100.000đ thì mỗi ngày mỗi bạn sẽ có khoảng 235.000đ, mỗi tháng 26 ngày các bạn sẽ có thu nhập trung bình hơn 6,1tr. 

Khi ra mở cơ sở riêng, Triều chia cho các bạn nhân viên trên 33% tiền vé. Ví dụ tiền vé 120.000 đã trả cho các bạn nhân viên từ 40.000, một ngày trung bình làm 3-4 khách thì được 120.000đ - 160.000đ, phân nửa khách cũng tip thêm cho các bạn 50.000đ - 100.000đ thì mỗi ngày mỗi bạn sẽ có 270.000đ, mỗi tháng 26 ngày các bạn sẽ có thu nhập trung bình 7tr. 

Lý do thứ ba là bạn muốn dùng chính bản thân mình để chứng minh người khiếm thị cũng có thể tạo ra những giá trị như người bình thường, cũng có thể làm chủ, cũng có thể tổ chức kinh doanh, thay vì chỉ có thể làm được những việc cơ bản chủ yếu bằng sự giúp đỡ ủng hộ của người khác như làm chổi, tăm tre như nhiều người sáng mắt vẫn đang nghĩ.  

Thời gian đầu chỉ có Triều và một người bạn, sau một tháng thì có tổng cộng 4 anh em cùng nhau làm. Đến đây chắc nhiều bạn cũng sẽ thắc mắc: Một cơ sở nằm trong hẻm, các bạn lại bị khiếm thị, vậy họ sẽ kiếm khách bằng cách nào? Và bạn có thể tin được không, Triều cũng có thể tự sử dụng máy tính để chạy quảng cáo Facebook kiếm khách như một người sáng mắt bình thường, bên cạnh các khách hàng đã đến làm rồi giới thiệu truyền miệng cho nhau. 6 tháng đầu hoạt động của cơ sở khá tốt, lúc cao điểm có tới 8 nhân viên. 

Nhưng làm chủ khác với làm thuê là phải chấp nhận rủi ro. Điều không may đã ập đến khi bạn mở tiệm được vài tháng thì dịch covid bùng nổ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh. Gần như cả năm 2021 Triều không làm ăn được gì. Khi buộc phải đóng cửa chống dịch thì lỗ tiền nhà 8-10 triệu/tháng (Tiền thuê nhà 15 triệu/tháng, những tháng dịch buộc phải đóng cửa bạn được chủ nhà hỗ trợ giảm 30% - 50%), tiền điện nước, tiền hỗ trợ ăn tối thiểu cho các bạn thợ. Những lúc được mở cửa làm thì khách cũng ít do tâm lý mọi người vẫn còn sợ dịch, thu nhập tối thiểu của nhân viên không đảm bảo, buộc bạn phải hỗ trợ nấu thêm bữa ăn trưa cho nhân viên, sắp xếp chỗ ở tại chỗ miễn phí, và hỗ trợ thu nhập cơ bản tối thiểu 5tr cho các bạn thợ do không đủ khách,... 

Trong giai đoạn khó khăn này, theo Triều chỉ có 3 cách để vượt qua là: (1) Tìm hiểu thật kỹ các thông tin về phòng chống dịch covid và yêu cầu các bạn kỹ thuật viên tuân thủ triệt để để khách hàng yên tâm khi sử dụng dịch vụ; (2) Khuyến mãi hết sức có thể để thôi thúc khách đến; (3) Khi khách đã chịu đến thì chắt chiu giữ từng khách một, cố gắng làm tận tâm nhiệt tình hơn trước để khách hài lòng quay lại.

Vượt sóng và bước ngoặt thứ hai 

Ông trời không phụ lòng người, sau một năm vật lộn với khó khăn, việc kinh doanh đã dần ổn hơn. Lúc này, sau một thời gian ghi nhận phản hồi của khách hàng, Triều nhận ra điểm yếu của các bạn khiếm thị là ít chịu học hỏi để nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ. Do đó đích thân bạn làm khách hàng đến các spa, tiệm massage nổi tiếng để học thêm kỹ thuật và cách thức phục vụ của họ, sau đó chắt lọc ra những cái hay, phù hợp về dạy lại cho nhân viên của mình. Bạn tự tin những thứ học hỏi áp dụng được rất hay và mới lạ so với những cơ sở massage khiếm thị khác.

Bên cạnh đó, bạn cũng dần nhận ra thêm điểm yếu của mình chính là địa điểm quá nhỏ, ngoài yếu tố con người không còn thế mạnh cạnh tranh nào khác, nhiều khi thấy khách vào làm mà không thể phục vụ ngay để họ đi chỗ khác bạn buồn lắm. Do đó, bạn quyết tâm tích góp và tìm vị trí tốt hơn để có thêm khách cho các bạn nhân viên, vì chỉ có đông khách thì mới đảm bảo được thu nhập cho nhân viên và giữ được người giỏi. Đó chính là cơ duyên để bạn mở thêm Cơ sở thứ 2 ở cuối đường Hòa Hưng Q10 vào tháng 6/2022.

Triều chia sẻ hành trình tìm cơ sở mới của bạn cũng không thể thiếu những người khách tốt bụng, thấy được sự cố gắng và điểm yếu của bạn nên đã góp ý chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho bạn. Khi biết bạn đang tìm mặt bằng đã hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc phân tích xem địa thế có tốt không, đặc điểm nhận diện có ổn không, có thu hút được khách không. 

Bạn chấp nhận thuê điểm này rộng rãi hơn với chi phí 20 triệu để có thể phục vụ tối đa cùng lúc 12 khách, cộng với cơ sở 1 thì tổng số lượng nhân viên của bạn đã dao động từ 12 đến 20 người. Mỗi điểm sẽ có một bạn sáng mắt để làm các công việc lễ tân, dọn dẹp, vệ sinh, giặt giũ, hỗ trợ một số việc cho các bạn khiếm thị. Đôi khi thiếu người thì một bạn khiếm thị có thị lực tốt nhất hỗ trợ kiêm nhiệm công việc của bạn sáng mắt (Cơ sở của Triều có 1 bạn còn 1 con mắt có thể nhìn được 0,5/10. Trong một số lúc cấp kíp cũng được “trưng dụng” làm luôn công việc của người sáng mắt.”

Tuy nhiên, khác với việc mở ra một cơ sở rồi vài anh em huynh đệ thân thiết cùng chung tay làm kiểu “Tình thương mến thương, nhìn nhau mà sống”, việc phình to mô hình kinh doanh lên 2 cơ sở với số lượng nhân sự đông hơn đã làm bộc lộ điểm yếu của Triều trong việc tổ chức quản trị kinh doanh, quản lý nhân sự, đặc biệt là việc quản lý kiểm soát nhân sự và chất lượng dịch vụ khi mình không trực tiếp có mặt toàn bộ thời gian tại cơ sở như trước đây. Điều đó dẫn đến việc sau hơn một năm, hiệu quả tại cơ sở 2 mới đạt 50% công suất, trong khi cơ sở 1 cũng đã ít nhiều bị sụt giảm, không còn duy trì được phong độ tốt như trước. Đó là chưa kể việc phình to bộ máy cũng làm tăng thêm chi phí, ảnh hưởng tới Giá Vốn và Giá Bán đã tính toán chức năng trước đây.

Bạn đã nâng cấp mình thành công từ một người “thợ lành nghề làm thuê” lên “chủ cơ sở nhỏ vài nhân viên cùng bỏ công làm như thợ”, và đây là bước ngoặt quan trọng thứ hai để nâng cấp tiếp mình lên chủ của “doanh nghiệp được tổ chức quản trị bài bản”. Bạn cũng đã nhận ra được những thiếu hụt về kiến thức kinh nghiệm của mình cho bước ngoặt quan trọng này nên cũng đang cố gắng tìm tòi học hỏi để phát triển bản thân thêm về tổ chức quản lý doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm về những khó khăn của một người khiếm thị khi ra làm kinh doanh, bạn cho rằng đó là việc không thể trực tiếp quan sát được công việc đang diễn ra tại cơ sở kinh doanh nên khó bám sát thực tế để xử lý chính xác vấn đề. Khi cần muốn biết gì bạn cũng đều phải nghe báo cáo kể lại, và nhiều khi góc nhìn quan sát, quan điểm của người kể lại cho mình có thể không giống mình nếu mình trực tiếp quan sát được vấn đề. Một điểm nữa là bạn thiếu một người Quản lý tầm trung có thể hiểu để triển khai được định hướng, ý tưởng, mong muốn của mình xuống cho các bạn thợ, sau đó quan sát đánh giá đúng vấn đề rồi báo lại cho bạn để bạn xử lý tiếp (Cũng là khó khăn vì bạn không trực tiếp nhìn được mọi việc khi triển khai). Đó cũng chính là vấn đề của Giá vốn và Giá bán ở những thời điểm và mô hình kinh doanh khác nhau không thể áp dụng giống nhau, Giá Bán lúc mô hình nhỏ gọn, trực tiếp bỏ công làm lời ban đầu đã không còn đủ cover cho chi phí thuê bạn quản lý tầm trung, mà bạn này thậm chí còn quan trọng hơn bình thường vì chính là đôi mắt và một phần là “bộ não” giúp Triều tổng hợp dữ liệu phân tích vấn đề. 

Ngoài công việc, Triều cũng dành nhiều thời gian chơi thể thao và động viên các bạn nhân viên tham gia các hoạt động thể thao để phát triển bản thân tốt hơn, đặc biệt với ngành nghề của các bạn thì sức khỏe của các bạn kỹ thuật viên rất mau xuống nếu không duy trì sức khỏe tốt. Bản thân Triều cũng từng là vận động viên môn bóng đá khiếm thị tại Paragames 2015, 2017; vận động viên Judo tại Para Asian games 2018, Paragames 2022 và 2023 

Với một người khiếm thị phải chịu nhiều thiệt thòi, đối mặt với nhiều thách thức như Triều nhưng bạn vẫn lưu nỗ lực từng ngày vượt lên chính mình để vừa tạo ra giá trị cho xã hội, vừa để thay đổi cách nhìn của những người sáng mắt với những người khiếm thị. Vậy với những người có lợi thế sáng mắt, dù có trong hoàn cảnh khó khăn cỡ nào liệu có bằng những gì Triều đã và đang phải đối mặt?

Lê Quốc Kiên