Theo Panasonic, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ổn định trong hơn 30 năm qua kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1986 và dự kiến sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 6% mỗi năm đến năm 2024. Với dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan, số lượng dự án xây dựng nhà ở và tòa nhà cao tầng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Ông Kazuhiro Takeuji – Tổng giám đốc Công ty TNHH Panasonic Electric Works Việt Nam chia sẻ: “Trong thời gian qua chúng tôi tập trung nhiều vào các thiết bị nối dây, nhằm tạo ra môi trường điện an toàn cho khách hàng và đã được thị trường đón nhận đối với nhiều sản phẩm tại Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đa dạng hóa danh mục sản phẩm hơn nữa thông qua tăng cường cơ cấu sản xuất hiện tại và xây dựng các trung tâm phát triển sản phẩm cho các sản phẩm khác nhau như thiết bị chiếu sáng...”.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nhà ở và xây dựng tại Việt Nam, Electric Works đưa ra 3 chiến lược kinh doanh trọng điểm.
Thứ nhất, xây dựng hệ thống phát triển sản phẩm cho thị trường Việt Nam. Cụ thể, Electric Works sẽ từng bước xây dựng hệ thống quy hoạch và phát triển sản phẩm trong hạng mục thiết bị nối dây, thiết bị chiếu sáng và thiết bị IAQ (thiết bị chất lượng không khí trong nhà).
Đối với thiết bị chiếu sáng, công ty Electric Works sẽ thành lập bộ phận kiểm tra chất lượng dựa trên những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Nhật Bản. Các nhà cung cấp địa phương sẽ được chia sẻ các tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát chất lượng nhằm phát triển chuỗi các nhà sản xuất thiết kế gốc (ODM) trong năm tài chính 2023.
Đối với lĩnh vực IAQ, trong năm 2021, một nhà máy mới chuyên sản xuất thiết bị IAQ như quạt trần và quạt thông gió liên doanh cùng Công ty TNHH Panasonic Ecology Systems đã được đưa vào hoạt động tại tỉnh Bình Dương và sẽ ra mắt bộ phận nghiên cứu và phát triển giải pháp IAQ vào năm 2023.
Thứ hai, tăng cường năng lực sản xuất thiết bị nối dây và thiết bị IAQ. Electric Works đang mở rộng hệ thống sản xuất và xây dựng một toà nhà mới ngay trong nhà máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm tài chính 2023 cho sản xuất và kinh doanh thiết bị nối dây và cầu dao tại Việt Nam.
Ngoài việc mở rộng cơ sở sản xuất, công ty cũng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất hiện có bằng cách tích hợp với giải pháp từ nhà máy “Tsu”, nhà máy sản xuất thiết bị dây dẫn điện và cầu dao chủ lực tại Nhật Bản. Việc tối ưu hóa này kỳ vọng sẽ giúp tăng 1,8 lần sản lượng từ mức hiện tại lên tới 150 triệu đơn vị cho thiết bị nối dây vào năm tài chính 2029.
Ngoài ra, nhà máy thiết bị IAQ sẽ tăng cường cơ sở sản xuất nhằm mục tiêu nâng cao năng lực và quy mô sản xuất các thiết bị IAQ lên đến khoảng 3 triệu sản phẩm mỗi năm vào năm tài chính 2025, tương đương mức tăng trưởng 1,5 lần so với năm tài chính 2020 (chỉ tính riêng cho thị trường Đông Nam Á).
Thứ 3, công ty chủ động xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các đối tác Việt Nam như các đơn vị phát triển dự án và đưa ra nhiều giải pháp được thiết kế đặc biệt dành cho nhu cầu tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, công ty hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng bằng cách kết hợp hệ thống chiếu sáng và cảm biến hiệu quả cao, đồng thời cung cấp một môi trường không khí an toàn, an tâm và thoải mái với thiết bị khử mùi không khí kháng khuẩn “Ziaino” và bộ trao đổi nhiệt, cũng như kiểm soát các thiết bị trong nhà sử dụng nền tảng IoT, nhằm mang lại cảm giác thoải mái tiện nghi cho người sử dụng.