"TÔI KHÔNG CHỌN NGHỀ MÀ NGHỀ ĐÃ CHỌN TÔI”, ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị Scansia Pacific, doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu mở đầu cuộc phỏng vấn với Forbes Việt Nam. Nhà đồng sáng lập và điều hành Scansia Pacific, vị chủ tịch đã dẫn dắt công ty sản xuất đồ gỗ này xuất khẩu khoảng 90% sản phẩm cho IKEA và Walmart - hai cái tên nổi tiếng toàn cầu trong ngành nội thất và bán lẻ.

Hiện nay, IKEA chiếm 60% tổng sản phẩm xuất khẩu của công ty và 25-30% còn lại cung ứng cho Walmart. Cách nào để công ty này đi với những người khổng lồ?
Cùng với AA Corporation, Scansia Pacific là một trong số ít doanh nghiệp đồ gỗ có quy mô và doanh thu thuộc hàng lớn nhất khu vực miền Nam. Nếu AA nhắm vào phân khúc trung và cao cấp, thì Scansia Pacific lựa chọn sản xuất nội thất tiêu dùng với quy mô lớn, cung ứng cho các nhãn hàng nội thất và bán lẻ toàn cầu. Năm 2019, doanh thu của Scansia Pacific đạt 36 triệu USD, nằm trong nhóm 30 doanh nghiệp có doanh thu trên 20 triệu USD/năm.
Chủ tịch Scansia Pacific đã gắn bó với ngành gỗ 40 năm dù đó không phải là lựa chọn đầu tiên của ông khi trở về Việt Nam với tấm bằng kỹ sư điện tử tại Canada. Lựa chọn xuất khẩu là hướng đi từ thời điểm ban đầu của công ty này dựa vào những lợi thế sẵn có của cổ đông sáng lập gồm ông Thắng và hai cổ đông nước ngoài quốc tịch Na Uy và Anh quốc.



Ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch hội đồng quản trị Scansia Pacific.

Thành lập năm 1991, tiền thân của Scansia Pacific là Scanviwood - liên doanh thứ hai trong ngành gỗ, do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đầu tư cùng với các cổ đông người nước ngoài. Ban đầu, ông Thắng có cổ phần tại Scanviwood và từng nằm trong ban lãnh đạo của liên doanh đầu tiên nên được mời về làm giám đốc liên doanh thứ hai. Khi nhà nước thoái vốn khỏi Scanviwood, ông tăng sở hữu vào năm 2001.

Hiểu rõ thế mạnh của Việt Nam là ở mặt sản xuất, hai cổ đông nước ngoài được phân vai phụ trách tìm kiếm khách hàng và khâu phân phối. Thời điểm những năm 2000, Scansia Pacific ăn nên làm ra: “Chúng tôi xuất đi 22 thị trường, bán cho 82 khách hàng lớn nhỏ, giá trị xuất khẩu gần 20 triệu đô la Mỹ mỗi năm,” ông Thắng nói.

Ưu thế của Scansia Pacific không được duy trì lâu khi có nhiều đơn vị cung ứng khác bắt đầu tiếp cận lượng khách hàng của họ với mức giá thấp hơn khoảng 15-20% so với các sản phẩm Scansia Pacific đang xuất khẩu. Điều này dẫn đến bước ngoặt lớn đầu tiên của Scansia Pacific khi quyết định tạo thế mạnh cạnh tranh bằng cách bắt tay với những “người khổng lồ.”

“Đi cùng với những tên tuổi lớn phải đạt được những tiêu chuẩn nhất định, khi sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của những thương hiệu toàn cầu - khả năng bị cạnh tranh sẽ giảm”, ông Thắng chia sẻ.

Cái tên đầu tiên họ quyết định hợp tác là IKEA thương hiệu nội thất toàn cầu có trụ sở chính ở Thụy Điển. Trước đó, đại diện IKEA đã vài lần thăm dò và đặt vấn đề hợp tác với Scansia Pacific nhưng ông Thắng chưa nhận lời vì “giá họ đưa ra rẻ hơn đáng kể khi chúng tôi bán cho những đơn vị khác, đồng thời lại có nhiều yêu cầu khắt khe”.

Sau một vài lần từ chối, vị chủ tịch quyết định thử làm nhà cung ứng của IKEA vào khoảng năm 2006 khi nhận thấy “làm với IKEA đảm bảo được sự ổn định của đơn hàng.” Ông kể, lúc ấy, IKEA sang Việt Nam tìm kiếm những đơn vị cung ứng vì muốn đa dạng chuỗi cung bên cạnh những nhà sản xuất đã có ở Malaysia hay Trung Quốc, và đồng thời cũng là cách “ép” nhà cung ứng tăng sự cạnh tranh trong đảm bảo chất lượng sản phẩm.

TRONG KHOẢNG BA NĂM ĐẦU TIÊN LÀM VIỆC VỚI IKEA, 70% nhân viên trung thành của công ty nghỉ hết. Những điều kiện khắt khe của một thương hiệu toàn cầu khiến cho nhân sự Việt Nam vốn dĩ quen với phong cách thoải mái, xuề xòa của ngành sản xuất thấy bó buộc.

Ngoài câu chuyện chất lượng, IKEA còn yêu cầu đủ điều kiện khắt khe kèm theo, ví dụ như trách nhiệm xã hội, đạo đức, nguồn nguyên liệu bền vững. “Thay vì thuê bên thứ ba làm kiểm tra, IKEA trực tiếp cử đại diện xuống nhà máy/công xưởng để kiểm tra. Bất kỳ lúc nào, chỉ cần họ bấm chuông là chúng tôi phải để cho họ kiểm tra”, ông Thắng nhớ lại.

Nhưng đi kèm với thử thách, đồng hành cùng với một tập đoàn toàn cầu khiến cho doanh nghiệp gỗ này vượt qua tất cả những thời điểm khó khăn hay khủng hoảng. Đại dịch COVID-19 là một ví dụ, khi nhiều doanh nghiệp lao đao, Scansia Pacific cũng chịu cảnh giảm khoảng 10-15% đơn hàng ở thời điểm cuối quý 1.2020. Nhưng IKEA có chương trình cho vay dành cho đối tác, dùng hàng tồn kho thế chấp nên Scansia Pacific vượt qua mà không có quá nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hoài Bảo - phó chủ tịch Scansia Pacific chia sẻ, trong những lần sang Việt Nam thăm đối tác sản xuất của mình, lãnh đạo IKEA từng nói: “Chúng tôi mua sức mạnh cung ứng của đối tác, chúng tôi tìm một người đồng hành đi đường dài chứ không đơn thuần là một nhà cung ứng ngắn hạn.”

Từ những đơn hàng đầu tiên của IKEA có giá trị chỉ khoảng 2-3 triệu USD, công ty này dần nâng lên tới những đơn hàng có giá trị 5-6 triệu USD. “Những đơn hàng trong năm sau bắt đầu tăng dần giá trị so với năm trước, vì họ thấy mình có khả năng làm được”, ông Thắng kể.
Sau 10 năm, giá trị đơn hàng của IKEA tăng khoảng 10 lần, đóng góp hơn 20 triệu USD vào doanh thu của Scansia Pacific năm 2019. Một trong những điều kiện khắt khe của IKEA yêu cầu Scansia Pacific tuân thủ nghiêm ngặt là vật liệu gỗ dùng để sản xuất phải là gỗ có chứng chỉ FSC.

Năm 2015, trước áp lực phải tìm ra nguồn cung nội địa để đáp ứng điều kiện gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC, ông Thắng tìm tới vùng Quy Nhơn - Bình Định đặt vấn đề hợp tác với các hộ nông dân để xây dựng vùng trồng bền vững.

Mất một khoảng thời gian thuyết phục kèm theo những điều kiện bao tiêu đầu ra, Scansia Pacific hiện tại đang hợp tác với nông dân để thu mua gỗ từ vùng nguyên liệu đạt chứng chỉ FSC với diện tích khoảng 7.000 héc ta. “Lượng gỗ từ vùng nguyên liệu hiện tại vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp”, ông Bảo khẳng định.

Bên cạnh những nguyên tắc về nguồn nguyên liệu bền vững, trách nhiệm xã hội, làm với đối tác có quy mô toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp phải kiểm soát rất chặt các chi phí nếu muốn có lời trong khi vẫn đảm bảo chất lượng.
Ông Bảo nhận xét, chi phí nguyên liệu và chi phí nhân công là hai khoản tốn kém nhất của doanh nghiệp trong ngành gỗ. “Có lời đã khó, tính toán làm sao vừa phải đảm bảo những quy tắc của đối tác vừa có lời lại càng khó hơn,” theo ông Bảo.

Sau khi có vùng trồng, phần chi phí đầu vào của Scansia Pacific có thể giảm bớt phần nào. Nhưng bài toán nhân sự làm sao để đáp ứng nhu cầu của đối tác mà vẫn tối ưu chi phí là một vấn đề họ phải giải quyết. Nếu IKEA là câu chuyện “ăn chắc mặc bền” và công ty phải đắn đo khi quyết định nhận lời thì hợp tác với Walmart lại là sự tình cờ không nằm trong dự kiến.

Thời điểm năm 2017, khi chuỗi bán lẻ lớn nhất nhì toàn cầu bể đơn hàng ở Trung Quốc, họ tìm tới doanh nghiệp Việt Nam như một lựa chọn thay thế. “Walmart gặp vấn đề với nhà cung ứng ở Trung Quốc, nên họ tìm tới một vài doanh nghiệp khác ở Malaysia, Trung Quốc và chúng tôi để đặt hàng,” ông Thắng kể.

Uy tín của một thương hiệu đã đi cùng với IKEA trong hơn một thập kỷ và những sản phẩm mẫu đạt chất lượng khiến Walmart đồng ý đưa đơn hàng đã đặt ở Trung Quốc sang cho Scansia Pacific sản xuất thử nghiệm. Thời điểm đó nhà máy thứ hai của công ty vẫn còn đang xây, phải cập nhật tiến độ sản xuất đều đặn tới đối tác lớn để xây dựng sự tin tưởng.


Giá trị đơn hàng ban đầu chỉ khoảng hơn một triệu đô la Mỹ đã mở đầu cho một mối quan hệ hợp tác giữa Scansia Pacific với chuỗi bán lẻ toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ. Việc đi cùng với Walmart theo ông Thắng, còn mang ý nghĩa cân bằng lại với sự phụ thuộc vào IKEA. Năm 2019, doanh thu từ sản phẩm xuất khẩu cho Walmart ước tính khoảng 10 triệu USD.

Ngành gỗ vốn dĩ chỉ có thể bán tự động, vẫn có những công đoạn phải có bàn tay con người. Để tăng hiệu suất, doanh nghiệp này tập trung đầu tư cho những loại máy móc hiện đại có thể giảm bớt thời gian tạo ra sản phẩm mà không cần tăng thêm nhân sự. Đồng thời, họ liên tục thay đổi quy trình sản xuất để không có thời gian thừa trong nhà máy.

Thay vì sử dụng phần mềm quản trị hệ thống và vận hành của đơn vị thứ ba, doanh nghiệp này lựa chọn tự xây dựng một đội ngũ kỹ thuật “trong nhà” (in-house), những nhân sự IT nắm rõ quy trình vận hành trong nhà máy và sẵn sàng xuống khu vực sản xuất ngay lập tức để hỗ trợ nếu có vấn đề xảy ra. “Chúng tôi đã từng thử dùng phần mềm của bên thứ ba, nhưng chi phí đầu tư và hiệu quả mang lại không được như mong muốn”, theo ông Bảo.

Để kiểm soát chất lượng sản phẩm của một ngành nghề vốn dĩ phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là điều quan trọng. “Người Việt mình sống rất tình cảm, nếu mình thương họ thì họ sẽ không bỏ mình”, ông Thắng nói về triết lý sử dụng người của mình. Nguyên tắc sử dụng nhân sự được duy trì bền vững qua hai thế hệ.

Khi Covid-19 xuất hiện, ông Bảo chia sẻ vẫn cố gắng duy trì sản xuất, chỉ giảm khoảng 10-15% năng suất, thậm chí một số mặt hàng dù khách có yêu cầu giảm bớt nhưng vẫn tiến hành sản xuất như đơn hàng ban đầu để “hỗ trợ người lao động qua thời điểm dịch bệnh đỉnh điểm nhất”.
Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận xét ông Thắng là một trong những người tiên phong trong nghề gỗ ở Việt Nam, và sự thành công của Scansia Pacific khi bắt tay với những người khổng lồ là một “nguồn cảm hứng” cho những doanh nghiệp sau này khi họ bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất của mình.

Gắn bó với ngành gỗ từ điểm khởi đầu và chứng kiến nhiều cột mốc thăng trầm của một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Thắng có nhiều trăn trở về tương lai của toàn ngành. “Ngành gỗ là một ngành kinh tế bền vững, vì bản thân ngành gỗ sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng tăng trưởng khi bản thân nó tăng trưởng”, ông Thắng phân tích.

Nguồn nguyên liệu gỗ tại Việt Nam sau một thời gian dài được đầu tư nay đã dồi dào trở lại, và phần nào được các khách hàng đón nhận, sức ép nguồn cung giảm là một trong những đòn bẩy để ngành gỗ tiếp tục phát triển. Nhưng quan trọng hơn, nguồn nhân lực của Việt Nam có những đặc tính phù hợp để đáp ứng các yêu cầu chi li của sản phẩm trong ngành này, hiện tại ngoài Việt Nam chỉ có Trung Quốc có thể làm được điều đó.

Dáng người cao lớn, ăn mặc giản dị, ông Thắng có phong cách nói chuyện nhẹ nhàng. Ông mới lui về hậu trường hai năm nay, nhường việc điều hành cho những người trẻ hơn. Nhận định về tác động của EVFTA tới hoạt động xuất khẩu gỗ, ông Bảo cho rằng về lâu dài hiệp định này sẽ gián tiếp “ép” doanh nghiệp Việt phải nâng tầm, nhưng đó là một tác động tích cực vì “làm được với các khách hàng châu Âu, đáp ứng được nhu cầu của họ rồi thì sẽ có cơ hội làm với nhiều khách hàng lớn trên thế giới”.

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nâng cao giá trị chuỗi cung ứng trong ngành gỗ, ông Bảo cho rằng Việt Nam có thể học được bài học chuyên môn hóa từ Trung Quốc để tối ưu sức mạnh của từng mắt xích và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Trong tương lai, khi lượng khách hàng từ Trung Quốc dần dịch chuyển sang Việt Nam, họ sẽ đòi hỏi những yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và chi phí.

Các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng có đơn hàng theo kiểu nhỏ lẻ, nhưng doanh nghiệp lớn muốn có đơn hàng ổn định thì phải tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững. “Thị trường sẽ tự động điều chỉnh mà không cần tới bất kỳ cá nhân hay cơ quan chính sách nào, những ai muốn phát triển phải tuân thủ luật chơi - đó là nguyên tắc bình đẳng của kinh tế thị trường,” ông Bảo nói.

(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 86, tháng 7.2020