Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I năm 2025, với nhiều chỉ số tài chính sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu hoạt động giảm mạnh 41% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm tới 85%.

Doanh thu hoạt động gặp khó khăn

Theo thông tin từ VDSC, tổng doanh thu hoạt động trong quý I/2025 đạt gần 170 tỷ thấp hơn 119 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động tự doanh ghi nhận mức giảm mạnh nhất, đến 76%, chỉ còn khoảng 34 tỷ. Bên cạnh đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới cũng giảm 36%, chỉ còn 34 tỷ. Dù một số lĩnh vực kinh doanh khác có sự tăng trưởng nhưng không đáng kể.

Trong khi doanh thu suy giảm, chi phí hoạt động lại gia tăng 4,2%, lên gần 123 tỷ. Điều này đã dẫn đến kết quả lợi nhuận trước thuế của VDSC chỉ ở mức 22,6 tỷ và lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 19 tỷ giảm 85% so với cùng kỳ.

chung-khoan-rong-viet-bao-lai-quy-i2025-giam-85-1746521709.png

Chứng khoán Rồng Việt giải thích rằng nguyên nhân chính cho sự sụt giảm doanh thu này là do diễn biến kém tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết quý I/2025, VN-Index đóng cửa ở mức 1.306,86 điểm, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2024 (1.284,09 điểm) và tăng 3,16% so với thời điểm cuối năm 2024 (1.266,78 điểm). Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,64% trong quý I năm trước.

Giá trị thanh khoản bình quân phiên trong quý I/2025 chỉ đạt 18.179 tỷ giảm 24,06% so với mức 23.940 tỷ của cùng kỳ năm 2024. Những yếu tố tiêu cực này đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của VDSC, đặc biệt là trong các mảng đầu tư và môi giới.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra vào ngày 03/04, VDSC đã thông qua kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu dự kiến đạt 1.106 tỷ tăng 6% so với thực hiện năm 2024; lợi nhuận trước thuế 368 tỷ tăng 3,5% và lợi nhuận sau thuế 294 tỷ tăng 1%. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2025, công ty mới chỉ hoàn thành 15% mục tiêu doanh thu và 6% mục tiêu lợi nhuận.

Đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của VDSC ghi nhận 6.348 tỷ giảm khoảng 47 tỷ so với đầu năm, chủ yếu do tài sản ngắn hạn suy giảm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm từ 1.207 tỷ hồi đầu năm xuống còn gần 664 tỷ.

Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giữ nguyên ở mức 400 tỷ trong khi các khoản cho vay đã tăng từ 2.746 tỷ lên mức 3.194 tỷ. Danh mục tài sản tài chính FVTPL có giá gốc đạt 1.437 tỷ hoàn toàn là đầu tư vào cổ phiếu. Đáng chú ý, trong kỳ, công ty đã tăng thêm 280 tỷ đầu tư vào cổ phiếu KBC và hiện đang tạm lãi 8,2%.

Ngược lại, danh mục tài sản AFS có giá gốc gần 278 tỷ đã giảm 214 tỷ đồng, chủ yếu đều là cổ phiếu, trong đó một số mã như CMG và MWG đang tạm chịu lỗ.

Về nguồn vốn, VDSC ghi nhận dư nợ vay ngân hàng ngắn hạn ở mức 433 tỷ trong khi dư nợ trái phiếu đạt 2.980 tỷ. Việc quản lý nợ và tài sản sẽ là bài toán không dễ trong bối cảnh thị trường hiện tại.