3-1628129692.jpg

Từ cậu bé nghèo khổ trở thành ông chủ của một nhà bán lẻ lớn nhất thế giới

Chuck Feeney sinh ngày 13/04/1931 trong một gia đình thuộc tầng lớp bình dân ở New Jersey của Mỹ. Cha mẹ ông là người Mỹ gốc Ireland. Vì nhà quá nghèo nên Feeney đã phải làm nhiều việc để  kiếm tiền ngay từ bé như đi dọn tuyết thuê, bán thiệp Giáng sinh. 

Lớn lên, Feeney tham gia vào quân ngũ rồi mới bắt đầu học đại học. Ông tốt nghiệp trường Quản trị khách sạn thuộc Đại học Cornell (Cornell University School of Hotel Administration). Bằng những mối quan hệ trong quân ngũ, vào năm 1950 ông cũng với Robert Warren Miller - người bạn cùng lớp đại học bắt đầu bán rượu miễn thuế cho quân nhân Mỹ ở Châu Á. Sau đó, họ ngày càng mở rộng sang các mặt hàng khác như thuốc lá, ô tô. Vào ngày 7/11/1960 họ thành lập Tập đoàn Duty Free Shoppers - nhà bán lẻ du lịch lớn nhất thế giới.

Duty Free Shopper bắt đầu hoạt động ở Hồng Kông sau đó mở rộng sang Châu Âu và các lục địa lân cận. Duty Free Shopper có sự đột phá đầu tiên vào năm 1960 khi họ được độc quyền bán hàng miễn thuế tại Hawaii - nơi có rất nhiều khách du lịch Nhật Bản. Năm 1964, Nhật bản tổ chức Thế vận hội Tokyo và bắt đầu gỡ bỏ những hạn chế du lịch đối với người nước ngoài. Khi đó những địa điểm du lịch hàng đầu của người Nhật là Hồng Kông và Hawaii, đây cũng là các thị trường chính của Duty Free Shopper.

Một cửa hàng Duty Free tại Macau

Tiếp đến, Duty Free Shopper mở rộng các cửa hàng miễn thuế tại sân bay và các thương xá lớn ở trung tâm thành phố rồi dần dần trở thành nhà bán lẻ du lịch lớn nhất thế giới. Năm 1968, Feeney được hưởng 12.000 USD tiền cổ tức của Duty Free Shopper và năm sau đó con số này đã tăng lên gấp 10 lần. Vào giữa những năm 1990, Duty Free Shopper đã phân phối lợi nhuận lên đến 300 triệu đô la một năm.

Tỷ phú dùng hết số tiền mình có để làm từ thiện

Năm 1982, Chuck Feeney thành lập Quỹ từ thiện Đại Tây Dương (The Atlantic Philanthropies). Ông đã bí mật chuyển 38,75% cổ phần của mình tại Duty Free Shopper vào quỹ này. Tính vào thời điểm đó, số cổ phần của Feeney có trị giá khoảng 500 triệu đô la. Trong nhiều năm. Quỹ từ thiện Đại Tây Dương của ông đã bí mật giúp đỡ, âm thầm làm các hoạt động từ thiện nhưng yêu cầu người nhận không được tiết lộ nguồn tài trợ là từ họ. Ông chia sẻ: "Thật thú vị khi bạn được cho đi lúc bạn còn đang sống trên cõi đời này, bởi khi bạn chết đi rồi bạn cũng không thể mang tiền của đi cùng"

Feeney đã tặng gần 1 tỷ đô la cho trường cũ của ông - Đại học Cornell, trong đó có một khoản quyên góp cho công ty công nghệ Cornell Tech. Lĩnh vực công nghệ là một trong những lĩnh vực mà Freeney đã đầu tư rất nhiều vào đó. Thêm nữa, ông cũng đã tặng gần 1 tỷ đô la cho nền giáo dục ở Ai Len chủ yếu dành cho đại học Limerick và các trường cấp ba. 

Vào cuối năm 2016, ông đã tặng 7 triệu đô la cuối cùng của mình. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã hiến tặng hơn 8 tỷ đô la và chỉ giữ lại 2 triệu đô la để sống giản dị cùng vợ những ngày cuối đời. Điều đó có nghĩa là vị tỷ phú này đã cho đi số tiền gấp 4.000 lần số tiền ông giữ lại cho riêng mình. Feeney cho biết ông rất hạnh phúc khi đã hoàn thành tâm nguyện “cho đi khi còn có thể” của mình. Ông chia sẻ với Forbes: “Chúng tôi đã học được rất nhiều điều. Chúng tôi làm một số điều khác biệt, nhưng tôi rất hài lòng. Lời cảm ơn của tôi dành cho tất cả những người đã tham gia cùng chúng tôi trong hành trình này. Và với những người đang băn khoăn về việc "'Cho đi khi còn sống": Hãy thử đi, bạn sẽ thích nó.”

2-1628129534.jpg

Chuck Feeney kết hôn hai lần và có một con gái cùng bốn cô con gái. Người vợ đầu của ông là Danielle - người Pháp còn người vợ thứ hai của ông là Helga. Con gái đầu của Feeney, Leslie Feeney Bailly, từng chia sẻ trên tờ New York Times: "Ông ấy là một người lập dị nhưng ông không cho phép người khác dùng tiền để đối xử với chúng tôi không ra gì. Ông ấy giúp chúng tôi sống như những người bình thường".

Chuck Feeney và người vợ hai Helga

Hiện tại, ông đang sống cùng vợ trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco. Căn hộ của ông được bài trí với nội thất đơn giản, chỉ có vài bức tranh treo tường và một chiếc bàn gỗ đơn sơ. Được biết đến là một tỷ phú nhưng Feeney không có một chiếc ô tô hay là một món đồ dùng hàng hiệu xa xỉ nào. Phụ kiện đáng giá nhất mà ông đang sở hữu là chiếc đồng hồ bằng cao su trị giá 15 USD. Ông cũng là một người sống vô cùng tiết kiệm, thường xuyên di chuyển bằng tàu điện ngầm, xe buýt hay các hãng hàng không giá rẻ.

Thần tượng của Bill Gates và Warren Buffett

Tháng 2/2011, Bill gates và Warren Buffett đã khởi xướng phong trào Lời cam kết hiện tặng (The Giving Pledge) - nơi có hơn 90 người giàu nhất thế giới cam kết tặng 50% tài sản của mình để làm từ thiện. Feeney cũng là một trong những người ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Trong một lần viết thư gửi người sáng lập của The Giving Pledge, ông Feeney có viết: “Tôi không thể nghĩ đến việc sử dụng tài sản cá nhân ích lợi và xứng đáng hơn là để hiến tặng, ngay khi còn đang sống - để cá nhân cố gắng hết mình để cống hiến cho những nỗ lực có ý nghĩa để cải thiện điều kiện sống của con người. Quan trọng hơn, nhu cầu ngày nay rất lớn và đa dạng đến mức sự hỗ trợ từ thiện thông minh và các can thiệp tích cực có thể có giá trị và tác động lớn, hơn là nếu chúng bị trì hoãn khi nhu cầu thì ngày càng lớn hơn”

1-1628129491.jpg

Bill Gates đã thừa nhận Feeney là “người truyền cảm hứng” vì đã mở ra hướng đi cho các nhà từ thiện khác. Bill Gates nói: “Tôi nhớ đã gặp ông ấy trước khi bắt đầu Cam kết cho đi. Ông ấy nói với tôi rằng, chúng ta nên khuyến khích mọi người không chỉ cống hiến 50% mà càng nhiều càng tốt trong suốt cuộc đời của họ. Không ai là một ví dụ tốt hơn về điều đó ngoài Chuck. Nhiều người nói với tôi về cách ông ấy truyền cảm hứng cho họ. Nó thực sự đáng kinh ngạc". Chuck Feeney cũng là hình mẫu và là người hùng của Warren Buffett. Tỷ phú Warren Buffett đã từng chia sẻ với Forbes: “Chuck là hình mẫu cho tất cả chúng ta”.

Khi hoàn tất cho đi tất cả phần lớn tài sản của mình, cựu tỷ phú Feeney đã nhận được thư cảm ơn từ Bill Gates và cựu Thống đốc California Jerry Brown. Hơn nữa chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng gửi lời cảm ơn ông thay mặt Quốc hội Myz.

Bén duyên với Việt Nam

Năm 1997, trong một lần đi ngang sân bay San Francisco, Chuck Feeney đã tình cờ đọc được câu chuyện của Quỹ Đông Tây hội ngộ (East Meets West Foundation). Đây là một quỹ hướng tới cải thiện cho nền y tế và giáo dục cho người nghèo ở Việt Nam. Quỹ này thời điểm đó đang gặp khó khăn về tài chính. Sau khi đọc được tin tức đó, Feeney đã liên hệ với Mark Stewart - giám đốc điều hành của tổ chức để tìm hiểu thêm thông tin. 

 

Chuck Feeney và vợ trong một lần sang Việt Nam

Ngay sau đó ông đã viết tấm séc trị giá một trăm nghìn đô la để ủng hộ Quỹ Đông Tây hội ngộ. Số tiền này đã hỗ trợ xây dựng và cải tạo các trường tiểu học tại Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu hoạt động thiện nguyện đầu tiên của ông ở Việt Nam. Suốt những năm sau đó đến năm 2013, quỹ từ thiện Đại Tây Dương của ông cũng đã đầu tư thêm 381,5 triệu đô la để hỗ trợ các trường học và cải thiện sức khỏe cho người nghèo tại Việt Nam. Quỹ từ thiện Đại Tây Dương cũng ủng hộ nhiều chiến dịch khác tại Việt Nam như chiến dịch không hút thuốc lá trên toàn quốc và góp phần ủng hộ luật người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm.

*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền.

Nguyên Thảo

Vietnam Business Insider