abinh-mryoshua3-top-8263-1629447980-1629472653.png
Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình  trò chuyện cùng "bố già AI" Yoshua Bengio. Ảnh chụp màn hình. 

Giáo sư Yoshua Bengio, với các nghiên cứu về thị giác, mạng thần kinh để xử lý ngôn ngữ tự nhiên, ông đã góp phần tạo ra những đột phá lớn trong lĩnh vực thị giác máy tính và nhận dạng giọng nói đồng thời đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Năm 1993, ông thành lập Viện nghiên cứu Mila với sứ mệnh trở thành trung tâm toàn cầu của những tiến bộ khoa học, truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo và phát triển AI vì lợi ích của tất cả mọi người.

Anh Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT, người đang nuôi khát vọng lớn đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực, tạo cơ hội nhiều hơn nữa cho các tài năng công nghệ của Việt Nam được tiếp cận, học hỏi từ những người giỏi nhất trên thế giới.

Họ đã có cuộc trò chuyện trực tuyến xuyên giữa hai bán cầu, giữa ngày và đêm về "giấc mơ" đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực sau tròn 1 năm FPT và Mila bắt tay hợp tác đào tạo và trao đổi nguồn lực chất lượng AI cũng như tư vấn xây dựng trung tâm AI đẳng cấp thế giới tại Bình Định.

Cuộc đối thoại này nằm trong khuôn khổ tuần lễ Hội thảo và Triển lãm công nghệ trí tuệ nhân tạo 2021 của FPT (FAIC 2021) với chủ đề "Bứt phá để dẫn đầu trong kỷ nguyên AI" được tổ chức từ ngày 17-21/8/2021.

Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi thế giới

- Anh Trương Gia Bình: Thưa giáo sư, tôi hy vọng 30 phút trò chuyện của chúng ta sẽ truyền được cảm hứng cho các chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học trẻ của Việt Nam theo đuổi ước mơ trong lĩnh vực AI. Tôi xin bắt đầu bằng một câu hỏi mở, ông có thể chia sẻ góc nhìn tổng quan của mình về bối cảnh mà chúng ta đang sống, bối cảnh mà con người phải đối mặt với mối đe dọa từ một đại dịch như Covid-19 không?

ABinhS-9439-1629447291.jpg

Giáo sư Yoshua Bengio: Vào thời điểm đại dịch bắt đầu, giới khoa học, trong đó có tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có thể làm gì để giúp cộng đồng dựa trên những kinh nghiệm và kiến thức của mình. Tại Mila, cũng giống như tại rất nhiều nơi khác, chúng tôi cũng đã dành nhiều tâm huyết của mình cho vô vàn các dự án, sử dụng AI và Machine Learning để làm sao góp phần đẩy lùi đại dịch. Rất nhiều áp lực nhưng việc này cũng đem lại nhiều hứng khởi và kinh nghiệm quý báu. 

Chúng tôi đã rút ra được nhiều điều, ví dụ như cách dùng AI để tìm ra những phương thuốc hay thành phần mới cho sản xuất thuốc, hoặc giải quyết một số bài toán về tối ưu nguồn lực mà chúng ta đang gặp phải trong cộng đồng hiện nay. Và tôi cũng học một điều là chúng ta cần đoàn kết để đối mặt với các hiện tượng như đại dịch hay biến đổi khí hậu, và đó cũng là cách duy nhất để chúng ta vượt qua những thử thách này.

Tôi cũng luôn tin, AI có khả năng thay đổi thế giới. Trong tương lai, AI sẽ không chỉ mang đến những lợi ích tăng trưởng về kinh tế mà còn mang đến những giá trị lớn cho xã hội. Nhưng tất nhiên, chúng ta phải biết cách ứng dụng AI một cách đúng đắn.

- Anh Trương Gia Bình: Hiện tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thử thách hơn trong đại dịch, liệu AI có thể giúp chúng tôi dự báo tình hình dịch bệnh? Tôi muốn xin ông kinh nghiệm về việc này.

- Giáo sư Yoshua Bengio: Đúng là chúng ta có thể dùng AI để dự báo tình hình dịch bệnh nhưng sẽ phải tiến hành nhiều nghiên cứu phức tạp. Ví dụ như tìm hiểu về bộ GEN của các biến thể vi rút để đưa ra dự báo về các biến thể vi rút có thể được sinh ra trong thời gian tới, để từ đó đưa ra các loại vaccine, thuốc điều trị tương ứng trước khi vi rút lây lan trên diện rộng. 

Đây đang là những nghiên cứu thực sự rất nghiêm túc đang được thực hiện. Tôi nghĩ AI sẽ rất hữu dụng trong các hoạt động nghiên cứu này, tuy nhiên, không thể chỉ dựa vào duy nhất AI, cần có sự kết hợp của cả trí tuệ con người, trí tuệ của các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

YS11-S-8068-1629447291.png

- Anh Trương Gia Bình: AI có thể học nhanh hơn chúng ta, làm việc 24/7, có thể học bất kỳ kiến thức và kinh nghiệm nào một cách ngay lập tức. Tôi tò mò về những gì mà AI có thể làm được. Có nhiều ý kiến cho rằng cuộc tiến hóa tiếp theo trong lịch sử của loài ngoài sẽ là trí tuệ nhân tạo. Ông bình luận gì về điều này?

- Giáo sư Yoshua Bengio: Đó là một câu hỏi khó, nhưng hiện tại tôi tin rằng chúng ta có thể kiểm soát được AI, tất nhiên điều này là không dễ dàng. Nhưng chúng ta chính là người thiết kế ra AI. Có một số lo ngại rằng máy móc sẽ được sử dụng như một công cụ để củng cố quyền lực và đe dọa người khác. 

Liệu trí tuệ nhân tạo có thể sánh ngang và thay thế trí tuệ con người hay không thì thực sự là một vấn đề mang tính khoa học viễn tưởng. Vào thời điểm này, hệ thống AI chúng ta tạo ra, theo đánh giá của tôi thì vẫn còn rất đơn giản và sơ khai, và hy vọng chúng ta sẽ thông thái hơn, sáng suốt hơn để "dạy" AI làm những việc hữu ích.

Luôn giữ lửa cho những giấc mơ

- Anh Trương Gia Bình: Cách đây 20 năm, chúng tôi có một giấc mơ ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Chúng tôi bắt đầu giấc mơ ấy từ con số 0. Sau rất nhiều nỗ lực, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ của mình, Việt Nam đã đứng trong Top 5 quốc gia phát triển phần mềm. 

Tại thời điểm này, chúng tôi tiếp tục nuôi một giấc mơ lớn hơn, đó là đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI của khu vực, của thế giới. Chúng tôi đã và đang nỗ lực với rất nhiều việc đã được làm như xây dựng một trung tâm AI tại Quy Nhơn, Bình Định, gửi các sinh viên tới Mila để các bạn được học hỏi từ những người giỏi nhất, ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI.... Nhưng có thể sẽ phải mất nhiều năm để hiện thực hóa giấc mơ này. Do đó, tôi muốn nhờ Giáo sư tư vấn, nếu ở vị trí của tôi, ông sẽ làm gì để xây dựng giấc mơ tham vọng này thành sự thật?

- Giáo sư Yoshua Bengio: Đây là câu hỏi lớn. Tôi không ở vị trí của ông, nên cũng chưa rõ sẽ làm gì là tốt nhất. Nhưng theo tôi, đầu tiên là cần phải "giữ lửa" cho giấc mơ của mình. Ông có nói về câu chuyện giấc mơ của FPT 20 năm trước. Với tôi, 20 hoặc thậm chí là hơn 30 năm trước, khi tôi còn là sinh viên, tôi đã có mơ ước lớn, mơ ước về AI, về một hệ thống máy móc có thể hoạt động như bộ não của con người. 

Và tôi đã tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình bằng việc liên tục trả lời các câu hỏi liên quan đến ngành khoa học này trong rất nhiều năm, từ lúc còn là những khái niệm mới và khó hiểu. 

Điều thứ 2 thì rất rõ ràng và ông cũng đang làm việc này rồi, đó là giáo dục. Đây mới việc khó. Không dễ để Việt Nam có thể thu hút các nhà khoa học AI đầu ngành từ nước ngoài, và thậm chí một số người Việt Nam có trình độ sẽ sang nước ngoài để nghiên cứu học tập. Điều này, bắt buộc chúng ta phải tự tạo nên một dòng chảy những kỹ sư, nhà khởi nghiệp về lĩnh vực AI có kỹ năng vững vàng để dẫn dắt cuộc cách mạng AI cho Việt Nam. 

Việt Nam với nguồn lực dồi dào và yêu toán học, môn học nền tảng cho nghiên cứu AI, thì tôi tin việc tạo ra dòng chảy trên hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu có đủ sự đầu tư và nỗ lực trong giáo dục. Giáo dục ở mọi cấp độ nhưng ở trong lĩnh vực này chúng ta sẽ thường tập trung vào cấp giáo dục cao hơn, ví dụ là sau đại học.

- Anh Trương Gia Bình: Tôi xin phép được đúc rút lại những điều ông nói. Đó là không ngừng mơ ước, không ngừng học hỏi, nghiên cứu. Có rất ít người may mắn được tiếp cận với các chương trình nghiên cứu, được hướng dẫn, được học hỏi từ những giáo sư đầu ngành của Mila như một số kỹ sư của chúng tôi hiện nay. 

Tôi muốn đề xuất với ông một ý tưởng là liệu có thể, Mila mở một trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam để viết tiếp câu chuyện sứ mệnh truyền cảm hứng về AI của mình ở bên ngoài Canada. Như vậy, sẽ có thêm nhiều các tài năng trẻ của Việt Nam, giống như các kỹ sư của chúng tôi sẽ có cơ hội được học hỏi những điều mới mẻ.

- Giáo sư Yoshua Bengio: Đó là một ý tưởng tuyệt vời, tôi rất vui vì có những kỹ sư người Việt đã tham gia các chương trình học tập tại Mila. Chúng tôi cũng đã mở trung tâm đào tạo tại Nhật Bản và có thể chúng tôi sẽ bàn luận để làm điều tương tự tại Việt Nam.

- Anh Trương Gia Bình: Cảm ơn mọi người rất nhiều. Tôi nghĩ đây là cuộc trò chuyện hiệu quả nhất mà tôi từng có, bởi vì nó đã mở ra những hướng đi, dự định mới đầy hứng khởi mà chúng ta có thể cùng thực hiện trong thời gian sắp tới. 

Tháng 6/2020, FPT hợp tác với Mila theo ba hướng là đào tạo và trao đổi nguồn lực chất lượng AI; tư vấn xây dựng trung tâm AI tại Bình Định và kết nối các cơ hội kinh doanh trong hệ sinh thái của Mila. Đã có 17 chuyên gia công nghệ trẻ của Việt Nam được tiếp cận với các chương trình đào tạo/nghiên cứu các giáo sư hàng đầu của Mila. Hai bên cũng đã thảo luận đưa ra được cách thức xây dựng hệ sinh thái AI góp phần đưa Bình Định trở thành trung tâm AI khu vực/thế giới. Hiện FPT cũng đã hình thành được đội ngũ hơn 200 kỹ sư, chuyên gia AI tại trung tâm nghiên cứu phát triển AI của Tâp đoàn tại Quy Nhơn, Bình Định.

Đồng thời, Tập đoàn cũng đang quyết liệt đẩy nhanh việc triển khai Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đô thị phụ trợ quy mô 94ha. Bước đầu, cấp phổ thông trung học đã đào tạo khoá đầu tiên với 154 học sinh. Phân hiệu ĐH FPT đang xúc tiến thành lập với quy mô đào tạo trên 5.000 sinh viên và đã trao 10 suất học bổng toàn phần ngành trí tuệ nhân tạo từ bậc Đại học tới Tiến sĩ cho 10 học sinh giỏi Bình Định, nhằm thắp ngọn lửa đam mê nghiên cứu AI trong giới trẻ.