Chỉ có 4 startup được rót tiền

Kết thúc chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4, tổng cộng có 35 thương vụ nhận được cam kết đầu tư với tổng số tiền là 204.678.000.000 đồng, đạt tỷ lệ 64,81%.

Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật từ Shark Tank Việt Nam, khi mùa 5 sắp bắt đầu, số tiền giải ngân được công bố là hơn 21 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 10% số tiền cam kết đầu tư trên sóng truyền hình. Trong đó 4 statup trong Shark Tank Việt Nam mùa 4 được ký kết hợp đồng đầu tư và nhận giải ngân từ các “cá mập” gồm: Coolmate, Vua Cua, AnHome và Blusaigon.

Cụ thể như sau, thương vụ Coolmate giữa Shark Bình và Founder Phạm Chí Nhu: số tiền đề nghị trên sóng: 500.000 USD cho 10% cộng thêm 2,5% advisory shares (cổ phần tư vấn). Số tiền đầu tư thực tế: 500.000 USD cho 10%. Hiện trạng: đã giải ngân 500.000 USD.

Thương vụ Vua Cua giữa Shark Liên và Founder Đoàn Thị Anh Thư: Số tiền đề nghị trên sóng: 3,5 tỷ cho 10%. Số tiền đầu tư thực tế: 3,5 tỷ cho 10%. Hiện trạng: Sau khi rót vốn đợt 1 theo đúng cam kết trên sóng truyền hình, Shark Liên đã tiếp tục rót vốn đầu tư đợt 2 cho Vua Cua. Tuy nhiên, founder Vua Cua không tiết lộ số tiền rót vốn đầu tư từ đợt 2.

Thương vụ AnHome giữa Shark Phú và Founder Bùi Thành Ninh: Số tiền đề nghị trên sóng: 100.000 USD cho 40%. Số tiền đầu tư thực tế: 100.000 USD cho 40%. Hiện trạng: Đã giải ngân 100.000 USD.

Thương vụ Blusaigon giữa Shark Việt và Founder Tôn Nữ Xuân Quyên: Số tiền đề nghị trên sóng: 4 tỷ cho 32%. Số tiền đầu tư thực tế: 4 tỷ cho 32%. Hiện trạng: Đã giải ngân 4 tỷ.

shark-tank-2-1653272520.PNG
Bảng cập nhật kết quả thẩm định đầu tư (Due Diligence) mùa 4 cùa Shark Tank Việt Nam

Thực tế, ngoài 4 vị cá mập đã xuống tiền những deal đầu tiên, 3 cá mập còn lại chưa giải ngân đồng nào trong mùa 4 gồm Shark Hưng, Shark Linh và Shark Louis. Thậm chí với Shark Linh sau 4 mùa vẫn chưa giải ngân đồng nào dù số vốn cam kết đầu tư tại các chương trình lên đến gần 63 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, việc được cam kết đầu tư trên sóng truyền hình không có nghĩa các startup sẽ nhận được tiền từ các “cá mập”. Để chính thức được giải ngân, startup phải vượt qua vòng thẩm định đầu tư (Due Diligence).

Bí quyết gì đã giúp Coolmate, Vua Cua, AnHome và Blusaigon vượt qua vòng thẩm định đầu tư một cách nhanh chóng?

Due Diligence có thể hiểu nôm na là quá trình nhà đầu tư thẩm định các vấn đề pháp lý, tài chính và thương mại của startup trước khi chính thức ký quyết định đầu tư. Quá trình này nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước các thông tin không chính xác hoặc các rủi ro có thể có trong những thông tin đưa ra từ quá trình tiếp cận ban đầu của startup. Tùy vào mức độ minh bạch thông tin của startup với nhà đầu tư, quá trình due diligence có thể diễn ra trong thời gian dài hay ngắn.

Đối với 4 startup vừa mới được giải ngân trong mùa 4 là Coolmate, Vua Cua, BluSaigon và Anhome, các founder đều cho rằng sự minh bạch và số liệu trung thực là yếu tố quyết định giúp quá trình thẩm định đầu tư diễn ra một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.

shark-tank-1-1653271995.PNG
Đại diện 4 startup Coolmate, Vua Cua, AnHome và Blusaigon chia sẻ về quá trình thẩm định đầu tư sau khi lên sóng chương trình Shark Tank mùa 4

Đối với AnHome, theo chia sẻ từ anh Bùi Thành Ninh thì startup này có 2 phần thẩm định chính là về kỹ thuật và về vấn đề tài chính, xây dựng kế hoạch. Ngay sau khi lên sóng truyền hình, anh đã có cuộc gặp mặt với Shark Phú và Tập đoàn Sunhouse để thẩm định về kỹ thuật. Nhà sáng lập AnHome chia sẻ, doanh nghiệp của mình đã làm đề tài dựa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Sunhouse đưa ra.

Tiếp đó là quá trình thẩm định về tài chính và xây dựng kế hoạch. Theo Bùi Thành Ninh, AnHome khá phù hợp với hệ sinh thái Sunhouse và có thể hỗ trợ cho đầu ra của tập đoàn. Vì thế, quá trình thẩm định 2 vấn đề chính của startup này đều diễn ra khá nhanh.

Theo anh Phạm Chí Nhu - nhà sáng lập Coolmate có 2 lý do giúp startup này vượt qua vòng thẩm định nhanh. Đầu tiên, đó là những gì chia sẻ trên sóng truyền hình giống với hiện trạng thực tế của công ty nên quá trình thẩm định sẽ không phát sinh sự mâu thuẫn. Thứ 2, Coolmate làm tốt câu chuyện về mặt kế toán, tài chính và các thủ tục pháp lý.

Bên cạnh đó, do Coolmate đã gọi vốn một vòng và qua một số giai đoạn chuyển đổi phức tạp hơn trước đó nên sau khi lên chương trình Shark Tank Việt Nam, startup này hoàn thiện hồ sơ khá nhanh.

Đồng thời, Phạm Chí Nhu cũng chia sẻ rằng: "Các startup cần chuẩn bị sẵn một bộ tài liệu để khi nào chuẩn bị vào vòng Due Diligence thì mình chỉ cần sử dụng tài liệu đó cho các nhà đầu tư là gần như chắc chắn 80%".

Cùng ý kiến với founder của AnHome, Tôn Nữ Xuân Quyên cho biết BluSaigon đã chuẩn bị sẵn sổ sách chứng từ, báo cáo kế toán tài chính rất rõ ràng.

Xuân Quyên cho biết thêm: "Những gì ở trên sóng truyền hình không phải ở trong hợp đồng giấy, nhưng trên sóng đã thỏa thuận thì đó là lời hứa. Mình phải giữ lời hứa đó, dù cho sau đó có rất nhiều đề nghị của các “cá mập ngoài bể” có thể gấp 4-5 lần. Nhưng mình phải giữ chữ tín và những gì mình đã hứa thì mình làm, cho nên quá trình thẩm định đầu tư rất là nhanh".

Đoàn Thị Anh Thư – Founder Vua Cua chia sẻ sau khi Shark Tank mùa 4, startup gặp phải "đại nạn" do phải cách ly vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Shark Liên vẫn tiến hành thẩm định và Vua Cua được Hội đồng thẩm định của Shark Liên đánh giá đạt 7/10 điểm về sổ sách chứng từ và bài toán về tài chính. Theo Anh Thư, việc sổ sách tài chính trên sóng truyền hình với thực tế trùng khớp thì sẽ tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

Chia sẻ với các bạn startup chuẩn bị thi Shark Tank, ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Học Viện Kinh doanh & Tài chính BizUni và từng là Mentor của chương trình Shark Tank cho rằng việc số liệu trung thực và chính xác rất quan trọng.

“Số liệu thì các bạn tự khai thôi nhưng khi phỏng vấn dưới cái nhìn của chúng tôi có một số startup giữa nói và làm khác nhau, dẫn đến việc có nhiều người đặt câu hỏi là chương trình Shark Tank có thật sự đầu tư không? Một số startup cũng có nằm trong trường hợp này. Các bạn nói số tốt thế, nhưng khi ra ngoài làm thẩm định thì không đúng”, ông Lâm Minh Chánh nhấn mạnh.