Sức hấp dẫn từ thị trường đồ cũ với định giá tới 5,1 tỷ USD

Theo nghiên cứu gần nhất của RedSheer Strategy Consultants, thị trường mua bán đồ cũ ở Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, với định giá 1,1 tỷ USD năm 2011 và dự kiến đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2026.

Chia sẻ tại sự kiện “Ra mắt tính năng mới, xây dựng tương lai mới cho mua bán đồ cũ" vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Quek Siu Rui - Nhà Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Carousell (công ty mẹ của Chợ Tốt) nhận định rằng thị trường mua bán đồ cũ ở Việt Nam đang rất tiềm năng.

“Việt Nam là thị trường có số lượng người dùng lớn nhất và nằm trong top 3 thị trường có doanh thu cao nhất của tập đoàn. Với dân số hơn 90 triệu người cùng với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, chúng tôi tin rằng tiềm năng phát triển của Việt Nam là vô cùng lớn”, ông Quek Siu Rui cho biết thêm. Đồng thời, ông cũng tiết lộ rằng Carousell đang tăng tốc đầu tư cho Chợ Tốt tăng trưởng.

cho-tot-3-1655275898.JPG
Ông Quek Siu Rui - Nhà Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của Carousell (công ty mẹ của Chợ Tốt)

Khảo sát của Carousell Recommerce Index 2021 cũng cho thấy 83% người Việt Nam từng mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục xu hướng này. Carousell Recommerce Index được tập đoàn Carousell thực hiện khảo sát tại 8 thị trường gồm: Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam.

Nhận định về thị trường mua bán đồ cũ tại Việt Nam, bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám Đốc Tăng Trưởng & Chiến Lược của Chợ Tốt cho biết đang có 2 cơ hội lớn. Đầu tiên, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng cởi mở hơn với việc mua sắm trực tuyến với tỷ lệ 70% sử dụng Internet, 52% mua sắm trực tuyến, 54% dùng ví điện tử và thanh toán trực tuyến cộng với các phương thức vận chuyển đa dạng.

Cơ hội thứ 2 là sự dịch chuyển sang xu hướng tiêu dùng bền vững. Theo khảo sát Carousell Recommerce Index, 8/10 người cho biết họ đã từng mua và tiếp tục mua đồ đã qua sử dụng. Trong đó, top 3 ngành hàng được mua bán đã qua sử dụng nhiều nhất là đồ điện tử, thời trang và đồ gia dụng. Bên cạnh đó, tiêu dùng bền vững, trong đó tái sử dụng, tái chế và bảo vệ môi trường đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, thế hệ dẫn dắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới.

Chợ Tốt làm gì để chinh phục được thị trường đồ cũ với mức định giá vô cùng hấp dẫn?

Thứ nhất, Chợ Tốt sẽ giải quyết bài toán niềm tin cho người tiêu dùng.

Mặc dù thị trường đồ cũ được đánh giá rất tiềm năng, tuy nhiên vấn đề sản phẩm kém chất lượng lại là bài toán nan giải cho mảng kinh doanh này. Bà Hoàng Thị Minh Ngọc cho biết 70% lý do người dân Việt Nam không chọn mua đồ cũ là do lo ngại về chất lượng sản phẩm. Theo bà, bài toán nan giải nhất để chinh phục thị trường là vấn đề niềm tin. Đây cũng chính là lý do Chợ Tốt ra mắt tính năng thanh toán đảm bảo nhằm tăng cường trải nghiệm an toàn trong giao dịch mua bán đồ cũ.

cho-tot-2-1655275898.jpeg
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược của nền tảng Chợ Tốt chia sẻ về tính năng thanh toán đảm bảo của Chợ Tốt

Với tính năng này, số tiền người mua thanh toán sẽ được giữ đảm bảo an toàn cho đến khi xác nhận giao dịch thành công. Thông qua việc kết hợp với các dịch vụ thanh toán, bao gồm ví điện tử MoMo, Payoo và trong thời gian tới là đơn vị Ahamove cung cấp giải pháp thanh toán khi nhận hàng, các giao dịch qua tính năng thanh toán đảm bảo trên Chợ Tốt sẽ được hoàn tiền 100% khi không nhận được hàng hoặc hàng không đúng như mô tả. Đồng thời, Chợ Tốt hỗ trợ tư vấn giải quyết tranh chấp cho người mua và người bán dựa trên quy định nền tảng và tiêu chí minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên. Cũng theo bà Ngọc, với ngành hàng đồ cũ Chợ Tốt tự tin là đơn vị duy nhất có tính năng này cho tới thời điểm hiện nay.

Chia sẻ thêm về câu chuyện làm thế nào để giải quyết vấn đề hàng trộm cắp và hàng kém chất lượng mà người tiêu dùng thường hay gặp phải khi mua đồ cũ, ông Nguyễn Trọng Tấn - CEO Chợ Tốt tiết lộ rằng những người bán hàng này thường sẽ để lại những “dấu tích” ở trên mạng. Vì vậy, bằng việc sử dụng công nghệ, Chợ Tốt có thể phát hiện và chặn những thành viên này đăng tin trên trang ngay từ đầu. Sau hơn 10 năm hoạt động, công nghệ này của Chợ Tốt ngày càng phát huy hiệu quả với những thông tin chính xác hơn.

Thứ 2, Chợ Tốt đang xây dựng một hệ sinh thái cho việc mua bán đồ cũ.

Công ty sẽ liên kết với các đối tác chiến lược cung cấp dịch vụ như: kiểm định, bảo hành, tài chính, chứng thực. Đặc biệt đối với mặt hàng điện tử và các mặt hàng giá trị cao. Bên cạnh đó, công ty kết hợp nền tảng trực tuyến và chuỗi dịch vụ truyền thống nhằm cung cấp trải nghiệm toàn diện cho người bán và người mua.

Cụ thể, Chợ Tốt sẽ làm việc với các chuỗi cửa hàng ký gửi hoặc các chuỗi cửa hàng kiểm định để giúp cho người mua và người bán có thể thật sự an tâm. Ngoài ra, Chợ Tốt cũng sẽ phối hợp các tổ chức về kinh tế tuần hoàn thay đổi nhận thức về đồ cũ và truyền cảm hứng cho người Việt tiêu dùng bền vững.

Thứ 3, Chợ Tốt đang kỳ vọng thành sàn thương mại điện tử chuyên bán đồ cũ.

CEO Chợ Tốt cho biết kỳ vọng của ông là muốn đưa Chợ Tốt thành một sàn thương mại điện tử chuyên bán các đồ đã qua sử dụng. Theo ông Tấn để làm được chuyện này, Chợ Tốt sẽ đi từng bước bởi "giấc mơ ai cũng có, tuy nhiên để thực hiện giấc mơ thì cần phải theo một lộ trình cụ thể".

Theo đó, Chợ Tốt sẽ áp dụng những giải pháp công nghệ liên quan đến thanh toán và xác định nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Đối với công nghệ thanh toán, công ty sẽ áp dụng tính năng thanh toán đảm bảo. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt với các sàn thương mại điện tử bởi sau khi người mua thanh toán đảm bảo, xác nhận đã nhận hàng thì tiền sẽ đi thẳng về ví của người bán chứ không qua trung gian là Chợ Tốt.

“Tôi tin vào câu chuyện ai cũng có thể quản lý và tự xác nhận dòng tiền của mình, không cần một bên đối tác thứ 3 đứng ra làm điều đó và công nghệ sẽ giúp cho điều này làm chính xác hơn”, ông Tấn chia sẻ thêm.

cho-tot-1655275898.JPG
Ông Nguyễn Trọng Tấn - CEO Chợ Tốt (bìa phải)

Bên cạnh công nghệ thanh toán, Chợ Tốt đang có chiến lược M&A để có được công nghệ xác định nguồn gốc và chất lượng đồ cũ. Sau khi có công nghệ này, công ty dự định sẽ áp dụng vào nhiều ngành hàng khác nhau, giúp cho người tiêu dùng có thể tự tin mua sắm đồ cũ tại Chợ Tốt.

Ông Tấn đưa ra ví dụ cụ thể: Thử tưởng tượng một ngày nào đó, bạn muốn mua một chiếc điện thoại cũ và có một app (ứng dụng) giúp bạn có thể kiểm tra được chiếc điện thoại bạn muốn mua có linh kiện nào bị thay thế hay chưa, rõ ràng lúc này bạn sẽ tự tin hơn vào việc mua đồ cũ.

“Chúng tôi sẽ tích cực trong việc tìm hiểu và tìm cách để có được những công nghệ xác định nguồn gốc và chất lượng đồ cũ, hướng tới mục tiêu có thể thắng được thị trường recommerce (mua bán những món đồ đã qua sử dụng) ở cả Đông Nam Á”, ông Tấn đặt kỳ vọng.

Tính tới thời điểm này, theo tiết lộ của ông Tấn, Chợ Tốt sắp có thể có được công nghệ như vậy để giúp người tiêu dùng tự tin mua đồ cũ nhiều hơn.