Tổng Công Ty Cổ Phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí được thành lập năm 2002. Đến năm 2006, công ty đã tiến hành cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2007 với tên Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
Sau khi hoàn thành cổ phần hóa, để phù hợp với quy mô ngày càng phát triển, Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí. Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí.
PVTrans từ một công ty vận tải biển với 1 con tàu vận tải dầu thô và khoảng 100 cán bộ công nhân viên, đến nay đã trở thành một Tổng Công ty vận tải với 9 đơn vị thành viên, 2 chi nhánh và hơn 2.500 cán bộ công nhân viên. PVTrans đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu về vận tải biển của Việt Nam có uy tín cả trong nước và quốc tế.
Nhu cầu vận chuyển dầu tăng, trong khi đội tàu toàn cầu tăng trưởng chậm, đã đẩy giá mua tàu chở dầu lên mức cao nhất trong 13 năm qua.
Trong quý 3/2024, PVT đã thanh lý 1 tàu chở hóa chất (PVT Synergy) với thu nhập khác ước tính đạt 150 tỷ đồng. Đối với việc mở rộng đội tàu, PVT cũng đã tiếp nhận 1 tàu chở LPG (Hải Phòng Gas) và 1 tàu chở hàng rời (PVT Topaz) giúp đội tàu của công ty đạt 54 tàu vào cuối quý.
Giá cước định hạn tương đối ổn định cùng với sự đóng góp trở lại từ phân khúc tàu chở hàng rời (nhiều tàu sửa chữa trong năm 2023), cùng với lợi nhuận một lần từ việc thanh lý tàu, được cho là sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của PVT trong quý 3/2024.
Việc giá của các tàu chở dầu thô ở mức cao (trên 80 triệu USD cho tàu VLCC 10 năm tuổi và trên 55 triệu USD cho tàu Aframax 10 năm tuổi) - đã ngăn PVT mở rộng đội tàu chở dầu thô như kế hoạch trước đó. Thay vào đó, công ty đã chuyển hướng sang mở rộng các phân khúc vận tải khác, với mức tăng ròng là 6 tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất, 2 tàu chở LPG và 3 tàu chở hàng rời kể từ quý 1/2023.
"Chúng tôi kỳ vọng mức giá cho tàu chở dầu thô sẽ giữ ở mức cao trong 3 năm tới, đặc biệt là đối với VLCC, do tốc độ đóng tàu và bàn giao tàu chậm. Trong kịch bản cơ sở của chúng tôi, PVT sẽ không mở rộng thêm đội tàu chở dầu thô trong ngắn hạn mà sẽ tập trung vào đội tàu chở dầu sản phẩm/ hóa chất và tàu chở hàng rời.
Môi trường lãi suất và tỷ giá thuận lợi hơn sẽ hỗ trợ công ty thực hiện kế hoạch mở rộng đội tàu. Vị thế tài chính tương đối vững chắc của PVT và lợi nhuận tiềm năng từ việc thanh lý các tàu cũ cho phép công ty thực hiện các hoạt động mua trực tiếp hoặc tham gia vào các hợp đồng thuê mua tàu (hình thức BBHP) cho các tàu mới", Công ty Cổ phần Chứng khoán MBS (MBS) chia sẻ.
Công ty chứng khoán này cũng cho rằng việc đội tàu PVT sẽ không bổ sung tàu chở dầu thô trong 3 năm tới, cùng với giá cước ổn định, sẽ giữ doanh thu của PVT không thay đổi lớn trong các năm 2024 - 2026 với mức tăng trưởng lần lượt là -4,7%/1,3%/-0,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của tàu chở dầu thô của PVT trong các năm 2024 - 2026 được dự báo sẽ đạt lần lượt 35,2%, 34,9% và 33,7%.
Đội tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất của PVT dự kiến sẽ dần đạt 25 tàu vào năm 2026, từ đó hỗ trợ tăng trưởng doanh thu đạt lần lượt 46,9%/7,6%/5,5% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024 - 2026.
"Chúng tôi cũng kỳ vọng hiệu quả hoạt động tốt hơn trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ duy trì trong 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 nhờ vào giá dầu thô tương đối thấp, điều này sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của phân khúc tàu chở dầu/hóa chất của PVT. Biên lợi nhuận gộp của tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất của PVT trong các năm 2024 - 2026 được dự báo sẽ đạt lần lượt 23,6%, 23,0% và 22,4%", MBS nhấn mạnh.