264794194-4836427283081959-2618649921084736217-n-1639217548.jpg
 

Didi Global, một công ty dịch vụ gọi xe của Trung Quốc, sẽ hủy niêm yết cổ phiếu của mình khỏi sàn giao dịch New York, chỉ 6 tháng sau khi phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). Phía Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) cũng đã ra tuyên bố chính thức – một sự đồng thuận hiếm hoi giữa Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội – về việc sẽ áp dụng luật kiểm toán mới với tất cả các công ty nước ngoài niêm yết trên sàn. SEC đã đưa ra một luật mới bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải công khai sổ sách tài chính với cơ quan Mỹ nếu không sẽ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York và sàn Nasdaq trong vòng 3 năm. Doanh nghiệp Trung Quốc và Hong Kong là nhóm duy nhất từ chối các cuộc thanh tra này dù rằng Washington đã không ngừng yêu cầu suốt từ năm 2002. Chủ tịch SEC, ông Gary Gensler, tuyên bố: “Nếu bạn muốn phát hành cổ phiếu công khai tại Mỹ, những doanh nghiệp kiểm toán sổ sách tài chính của bạn cần phải được chấp thuận bởi Ban giám sát kế toán các công ty đại chúng (PCAOB). Dù rằng hơn 50 quốc gia đã làm việc và tuân thủ với quy định của PCAOB, chỉ riêng Trung Quốc và Hong Kong là ngoại lệ”.

Những phân tích về động thái của Didi Global từ hai phía Trung – Mỹ tương đối khác biệt. Trong khi các quan điểm phía Trung Quốc cho rằng chính phủ nước này làm vậy vì SEC đã có những hành động can thiệp quá sâu vào tài chính doanh nghiệp thì phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đang lo bảo vệ nguồn tài nguyên dữ liệu của các công ty lớn nước này không chảy ra bên ngoài. Rõ ràng tài nguyên dữ liệu (data resource) là nguồn dầu mỏ quan trọng của nền kinh tế số.

Quá trình chia tách (decoupling) giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra trên nhiều khía cạnh, từ xây dựng các tiêu chuẩn mới (standard), luật chơi mới (rule), thương mại (trade), công nghệ (technology) và giờ là cả tài chính tiền tệ (finance).

Nhưng The Economist có một góc nhìn khác về sự chia tách này, không phải kiểu “đường ai nấy đi” mà tác giả bài viết cho rằng Trung Quốc đã chủ động rút nguồn vốn khỏi các thị trường phương Tây, và nới lỏng các kiểm soát vốn trong nước, dỡ bỏ bớt các hạn ngạch (chẳng hạn tỷ lệ cổ phần, số lượng trái phiếu được mua v.v.) và cho rằng ông Tập Cận Bình đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho điều này, và Trung Quốc hoàn toàn tự tin, thậm chí đã nhìn thấy kết quả khi 9 tháng đầu năm nay 100 tỷ USD vẫn chảy vào thị trường nước này.

Nhiều công ty ở Phố Wall đang được cấp giấy phép mới và đang mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Tỷ lệ giao dịch xuyên biên giới của JPMorgan Chase đối với Trung Quốc đã tăng 9% kể từ năm 2019. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gần gấp đôi trong ba năm qua.

Trung Quốc hy vọng họ có thể có được những lợi ích tốt nhất của cả hai thế giới — khả năng tiếp cận các quỹ và bí quyết toàn cầu, nhưng dưới sự giám sát trực tiếp của họ. Có những rủi ro rõ ràng, từ quan điểm của Trung Quốc. Theo một số cách, thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn là lãnh thổ xa lạ và các nhà đầu tư nước ngoài có thể không cam kết nhiều vốn vì họ lo lắng về việc kiểm soát tiền tệ, đối xử không công bằng dưới bàn tay của các cơ quan quản lý và nguy cơ bị tịch thu. Tuy nhiên, cuối cùng thì quy mô rộng lớn của thị trường Trung Quốc và chiều sâu của bối cảnh doanh nghiệp của nó có nghĩa là họ khó từ chối.

Nhưng có ít nhất 3 điểm mà các tác giả của bài bình luận này bỏ qua, hoặc không đưa vào trong các phương trình cân bằng của mình khi nó liên quan trực tiếp đến vị thế hay sức hấp dẫn của thị trường tài chính Trung Quốc.

Thứ nhất, 100 tỷ USD chảy vào Trung Quốc trong 9 tháng không rõ là vốn trực tiếp hay vốn gián tiếp. Nếu nó là vốn FDI thì đó là con số thông thường bởi mỗi năm Trung Quốc huy động được 120 -140 tỷ USD vốn FDI.

Thứ hai, về sức hấp dẫn của việc niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc. Khi Trung Quốc kéo các doanh nghiệp nước ngoài vào, hoặc họ sẽ kéo vào sàn Hong Kong hoặc Thượng Hải. Nhưng hãy nhớ lại những gì đã diễn ra trong việc kết nối sàn giao dịch Thượng Hải và London. Bằng việc kết nối hai sàn giao dịch chứng khoán này, các công ty cổ phần A niêm yết tại Thượng Hải sẽ được giao dịch tại LSE thông qua việc phát hành Biên lai lưu ký toàn cầu (GDR) trong khi các công ty niêm yết tại London có thể niêm yết trực tiếp trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải bằng cách phát hành Biên lai lưu ký của Trung Quốc. Được kết nối từ tháng 6/2019, đến đầu năm 2020, London đã tuyên bố tạm ngừng kết nối này, để phản đối Luật An ninh quốc gia của Trung Quốc tại Hong Kong. Nhưng còn một lý do quan trọng khác: trong khi các công ty Trung Quốc có thể tìm thấy hàng tỷ USD đầu tư từ sàn LSE (chẳng hạn công ty Chứng khoán Huatai đã huy động được 1,6 tỷ USD) nhưng ít có công ty phương Tây nào lại hào hứng với việc niêm yết ở Thượng Hải.

Thứ ba, sự hấp dẫn của Hong Kong đã mất. Thâm Quyến đang được giới chức Trung Quốc dồn sức phát triển để biến nó thành một trung tâm tài chính tiền tệ mới kiểu “Hong Kong phiên bản đâị lục” nhưng tương lai đó vẫn ở phía trước. Thời gian tới, Hong Kong vẫn là một điểm thu hút cả vốn và công nghệ đối với các công ty Trung Quốc. Nhưng điều này đã thay đổi nhanh chóng sau khi Mỹ chấm dứt Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ - Hong Kong năm 1992.

Về mặt nguồn vốn. Hong Kong với tư cách là trung tâm huy động vốn cho các công ty đại lục, thị trường tài chính của Hong Kong đã đóng vai trò như một đường dẫn kết nối đại lục với các thị trường vốn quốc tế. Tuy nhiên, theo luật An ninh quốc gia, cơ cấu kinh doanh và khách hàng của Hong Kong có thể thay đổi từ định hướng quốc tế trước đây sang các hoạt động tập trung vào đại lục. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào trung gian của Hong Kong có thể tăng lên khi chính phủ Trung Quốc tiến hành mở cửa thị trường tài chính của đất nước, huy động vốn nước ngoài để giải quyết những thách thức kinh tế lâu dài nhưng ngày càng sắp xảy ra (ví dụ như gánh nặng nợ nần, dân số già, ngân hàng thiếu vốn và tài sản kém).

Cổ phiếu. Không giống như Trung Quốc đại lục, Hong Kong cho phép dòng vốn chảy tự do, khiến nó trở thành một địa điểm lý tưởng cho việc mở cửa này. Nền tảng Kết nối Trái phiếu và Chứng khoán có trụ sở tại Hong Kong, cũng như niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong đã hỗ trợ mạnh mẽ cho việc đầu tư danh mục nước ngoài vào thị trường tài chính Trung Quốc. Những đặc điểm này khiến lãnh thổ trở nên lý tưởng cho các tổ chức tài chính toàn cầu. Trong hoạt động gây quỹ cổ phần, Hong Kong đóng vai trò là nền tảng cho các chương trình Kết nối Chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến bắt đầu lần lượt vào năm 2014 và 2016, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tài khoản tại Hồng Kong để giao dịch cổ phiếu trực tiếp tại Thượng Hải và Thâm Quyến.

Trái phiếu. Năm 2017, chương trình Bond Connect cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách và công ty vào Trung Quốc thông qua Hong Kong. Dòng vốn nước ngoài ròng thông qua Kết nối chứng khoán đã tăng lên 143 tỷ USD vào cuối năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế báo cáo rằng trong nửa đầu năm của năm 2019, các công ty Trung Quốc đại lục chiếm 77% vốn chủ sở hữu tại các sàn giao dịch ở Hong Kong, công ty đại lục cũng phát hành 56% trái phiếu mệnh giá USD của họ ở Hong Kong.

Niêm yết. Ngoài nền tảng Kết nối trái phiếu và Kết nối chứng khoán, các công ty Trung Quốc đại lục cũng có thể tiếp cận nguồn vốn quốc tế bằng cách niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong. Vào cuối năm 2019, 1.241 công ty đại lục đã niêm yết trên sàn giao dịch Hong Kong, tương đương khoảng 50% tổng số công ty Trung Quốc niêm yết. Các công ty niêm yết tại Hong Kong bổ sung thêm khoảng 2.900 tỷ USD vốn hóa thị trường cho các công ty Trung Quốc. Các công ty, bao gồm NetEase và JD.com, tiếp tục niêm yết tại Hong Kong kể từ tháng 6 năm 2020. Một số công ty có danh sách thứ cấp ở Hong Kong có tỷ trọng lớn trong các chỉ số thị trường mới nổi chính (ví dụ: Alibaba và China Mobile, cả hai đều được niêm yết ở Hong Kong và New York).

Cho vay từ ngân hàng. Ngoài đầu tư danh mục đầu tư, các ngân hàng toàn cầu ở Hong Kong dành một phần đáng kể khoản cho vay của họ để đầu tư vào các hoạt động ở đại lục. Tính đến tháng 6 năm 2020, khoảng 60% cho vay từ các ngân hàng ở Hong Kong được dành cho hoạt động kinh doanh của Trung Quốc đại lục. Khoảng 19% được chuyển đến các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, mà Cơ quan tiền tệ Hong Kong xác định là các thực thể thuộc sở hữu của chính quyền trung ương hoặc địa phương, các công ty con của họ và các liên doanh thuộc sở hữu chính của họ.

Trung tâm thanh toán giao dịch quốc tế. Cuối cùng, Hong Kong vẫn là trung tâm thanh toán bù trừ nước ngoài lớn nhất và là địa điểm giao dịch của Nhân dân tệ. Theo dịch vụ xử lý thanh toán toàn cầu SWIFT, vào tháng 10 năm 2020, khoảng 74,7% các khoản thanh toán bằng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã được tất toán ở Hong Kong. Hong Kong cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong giao dịch Nhân dân tệ ở nước ngoài vào năm 2019 với 41%, gần gấp đôi so với Vương quốc Anh (22%) đứng thứ hai.

Về mặt là cửa ngõ tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ trong bối cảnh xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc bị cấm hoặc bị hạn chế.

Luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ yêu cầu các nhà xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ phải có giấy phép từ Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trước khi giao hàng. Theo Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ - Hong Kong năm 1992, với tư cách là một lãnh thổ hải quan riêng biệt cho phép Hong Kong đối xử khác biệt theo luật kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ, ít hạn chế hơn so với Trung Quốc đại lục. Vào ngày 14 tháng 7 năm 2020, Tổng thống Trump đã ban hành Sắc lệnh về Bình thường hóa Hong Kong, cùng với những thay đổi khác đối với tình trạng của Hong Kong, đình chỉ đối xử khác biệt đối với hàng xuất khẩu sang Hong Kong theo luật kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Câu hỏi cuối cùng là, Trung Quốc sẽ cân bằng giữa những lợi thế khổng lồ của thị trường nội địa, dùng đó làm đòn bẩy để dẫn dụ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài, với việc bị mất những ưu thế hiện thời từ Mỹ và Hong Kong như thế nào? Hãy cùng chờ đợi.

Trong năm 2018, 1,2% xuất khẩu sang Hong Kong phải tuân theo các yêu cầu cấp phép của Cục Công nghiệp và An ninh, so với 3% xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục. Theo Nigel Inkster, hàng nghìn công ty Trung Quốc đại lục duy trì sự hiện diện ở Hong Kong để tiếp cận các công nghệ do Mỹ kiểm soát. Một sự thay đổi trong chế độ kiểm soát xuất khẩu có thể hạn chế quyền truy cập này.