Nhiều bài báo đã nói về “thịnh vượng chung” (Common Prosperity), về Evergrande, và gần đây là cải cách thuế. Nhưng mối liên hệ giữa chúng như thế nào. Có mấy câu hỏi cần lưu ý.

(1) Khi ông Tập Cận Bình nói về “thịnh vượng chung”, lý do chính trị thực sự là gì?

(2) Vì sao cải cách thuế là một chính sách quan trọng để thực hiện “thịnh vượng chung”?

(3) Nhưng chính sách quan trọng nhất là gì?

21155931-7709-44c0-a903-4dc292b6a77121d1c5ca-20541548-1635309146.jpg
Ảnh minh họa: SCMP

Thịnh vượng chung, nghị trình thanh vọng

Khi nói về “thịnh vượng chung”, ông Tập Cận Bình có hai lý do chính trị: (i) đặt mình trong so sánh với Mao Trạch Đông và (ii) sửa lại toàn bộ cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình. Nói cách khác là muốn xác lập vị thế của mình ngang bằng với Mao Trạch Đông. Điều này như phân tích của tôi trước đây, đã phần nào hé lộ khi thời điểm “nghỉ hưu” của ông gần như đã ấn định vào năm 2035, khi đó ông 82 tuổi, bằng đúng số tuổi mà Mao Trạch Đông đã “nghỉ hưu”. Giờ đây, ông nhắc lại mục tiêu mà 70 năm trước Mao Trạch Đông đã theo đuổi. Tiếp nối một giấc mộng dang dở.

Khi cụm từ “thịnh vượng chung” lần đầu tiên xuất hiện tại hội nghị của Uỷ ban Kinh tế Tài chính Trung ương vào ngày 17/8, tần suất của từ khoá này trên công cụ tìm kiếm Baidu đã tăng vọt. Riêng trong 2 tháng 8-9/2021, số lần cụm từ này xuất hiện trên tiêu đề của tờ Nhân dân Nhật báo đã là 16 lần.

Nhưng cụm từ này đã có hai giai đoạn áp dụng. Thời của Mao Trạch Đông và thời “định nghĩa lại” của Đặng Tiểu Bình.

Cụm từ “thịnh vượng chung” xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Nhân dân Nhật báo vào ngày 25/9/1953, khi tờ báo công bố danh sách 65 khẩu hiệu đã được phê duyệt để kỷ niệm 4 năm ngày thành lập CHND Trung Hoa. “Thịnh vượng chung” là khẩu hiệu số 38. Đến ngày 12/12/1953, bài xã luận đầu tiên về cụm từ này mới xuất hiện trên Nhân dân Nhật báo với loạt bài có tên “Đường lối tuyên truyền chung cho nông dân” (向 农民 宣传 总路线). Ngay sau đó, các cải cách ruộng đất, hợp tác xã và xây dựng công xã nông thôn đã được khởi động để tạo ra của cải quân bình hơn cho nông dân. Nhưng chính sách đó đã thất bại.

Là người kế nhiệm, Đặng Tiểu Bình nhanh chóng sửa chữa bằng chính sách ưu tiên hiệu quả, ưu thế tự nhiên và phát huy tính tự chủ bằng khẩu hiệu “để một số vùng, một số người giàu lên trước”. Chính sách “thịnh vượng chung” sau rất nhiều tranh cãi đã được điều chỉnh về nội dung. Năm 1979, tờ Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận dài với tiêu đề “Cùng giàu có không phải là cào bằng giàu có” (共同富裕不是平均富裕). Chính sách này đã tạo ra sự phát triển bùng nổ của Thượng Hải, Thâm Quyến, thậm chí là Trùng Khánh. Nhưng cũng lãng quên các khu vực khác.

Và khi ông Tập Cận Bình cam kết thực hiện hai mục tiêu “100 năm”, ông đã nhìn thấy bản chất của việc thực thi “(xã hội khá giả) toàn diện” là phải bỏ đi cái phần “giàu lên trước” để “giàu cùng nhau”.

photo1632756698428-1632756699326996157238-1635309146.jpeg
Ông Tập Cận Bình sẽ có những chính sách quan trọng để thực hiện “thịnh vượng chung”

Căn nguyên bất bình đẳng

Nhưng căn nguyên của việc “không thịnh vượng như nhau” ở Trung Quốc thì rất nhiều. Đó vừa là căn nguyên (1) mang tính lợi thế tự nhiên (ví dụ có người thông minh, có vùng đất nằm sát biển, miền núi không thể bằng đồng bằng, nông thôn không thuận lợi như đô thị, vừa là (2) mang tính thể chế. Lẽ dĩ nhiên, chính phủ chỉ cần hướng vào nhóm thứ hai. Ba nguyên nhân thể chế của Trung Quốc khiến gia tăng bất bình đẳng bao gồm:

(i) Chế độ hộ khẩu tạo ra hai đẳng cấp dân cư. Người ở đô thị có chính sách an sinh xã hội tốt hơn và cơ hội phát triển rõ nét.

(ii) Chính sách đất đai. Chế độ hộ khẩu gián tiếp tạo ra một cơ hội làm giàu cho người ở thành thị là có thể mua bán bất động sản dễ dàng, và giàu lên rất nhanh thì nông thôn không có cơ chế đó. Đất thuộc sở hữu nhà nước do tập thể quản lý nên chính quyền địa phương mới có quyền chuyển nhượng (quy mô lớn). Vừa không có an sinh xã hội vừa không được buôn bán đất nên chênh lệch giàu nghèo do tài sản giữa hai khu vực ngày càng gia tăng.

(iii) Hệ thống thuế chưa hiệu quả. Tôi đã có một phân tích dài để giải thích với địa phương tại sao thể chế thuế phân cấp không đảm bảo nguồn thu bền vững và địa phương lại hăng say bán đất? Bán đất tạo ra khoảng 35% thu nhập cho chính quyền địa phương trong 9 tháng đầu năm 2021. Và tại sao nhà đất ở Trung Quốc tăng giá liên tục?

Như vậy về bề mặt, muốn phân phối lại sự giàu có giữa nông thôn với thành thị thì cần làm cho “cách tạo ra tiền” của mọi người là như nhau. Nhưng cải cách hộ khẩu và sở hữu đất đai thì không khả thi. Nên cải cách thuế là biện pháp kỹ thuật khả thi hơn cả. Nhưng đó không phải là chính sách nền tảng và lâu dài.

Trung Quốc đang tập trung vào ba loại thuế, ba hòn đá tảng vì các nhóm phản đối rất lớn. Nhưng với ba nhóm thuế nhằm vào ba đối tượng (cá nhân ở đô thị, doanh nghiệp và địa phương) thì việc làm cả ba cùng lúc sẽ rất khó khăn.

Thuế tài sản

Vào năm 2013, Trung Quốc đã kêu gọi áp dụng thuế bất động sản - dạng tài sản chiếm khoảng 70% tài sản hộ gia đình Trung Quốc. Thuế bất động sản thực sự sẽ là một loại thuế ổn định giá cả ở thị trường nhà ở nóng nhất. Năm 2014, sự phản đối cấp thành phố và cấp quận đã đình trệ các nỗ lực quốc gia nhằm tạo ra một sổ đăng ký tài sản trên toàn quốc. Chỉ có 16% thành phố và 4% quận đạt được các mục tiêu đăng ký. Một thập kỷ trước, Thượng Hải đã áp dụng mức thuế bất động sản từ 0,4% -0,6% đối với những ngôi nhà mới mua và những ngôi nhà thứ hai của cư dân địa phương. Nhưng hiệu quả rất hạn chế, các khoản thuế chỉ chiếm 3,4% tổng thu nhập từ thuế địa phương và chưa đến 7% số tiền thu được từ việc bán đất ở Thượng Hải vào năm 2020.

Thuế thu nhập

Trung Quốc đã đại tu hệ thống thuế cá nhân vài năm trước để giảm bớt gánh nặng cho những người có thu nhập thấp hơn và thúc đẩy tiêu dùng nói chung. Nhưng hệ thống vẫn ưu đãi người giàu, đánh thuế thu nhập kinh doanh và đầu tư ở mức thấp hơn nhiều so với thuế suất thu nhập cá nhân.

Trước đây, Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy cải cách về thuế thu nhập cá nhân. Vào năm 2018, các nhà chức trách đã nâng ngưỡng thuế thu nhập từ 3.500 nhân dân tệ (548 đô la) lên 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng và bổ sung các khoản khấu trừ mới bao gồm tiền học cho con cái và điều trị bệnh hiểm nghèo. Các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp đã kêu gọi tăng thêm mức sàn lên 10.000 nhân dân tệ một tháng.

Thuế thừa kế

Theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông địa phương, chính phủ lần đầu tiên áp dụng thuế thừa kế vào năm 1995, khi cục thuế của quốc gia này soạn thảo các quy định nhằm vào những người có tài sản trên 157.000 USD. Bốn năm sau, các quan chức Bộ Tài chính cho biết luật thuế thừa kế có thể được thông qua ngay sau năm 2000, nhưng nó đã không bao giờ được thông qua.

Các quan chức Trung Quốc lần cuối nói về thuế thừa kế vào năm 2013, khi Quốc vụ viện cho biết họ sẽ nghiên cứu biện pháp này. Tuy nhiên, các tin đồn vẫn xuất hiện và vào năm 2017, truyền thông nhà nước cho thấy rằng thuế thừa kế sẽ chỉ khuyến khích người giàu chuyển vốn ra nước ngoài.

Những ý kiến ​​phản đối là thực tế - không có hệ thống nào có thể theo dõi hoặc xác minh tài sản của một cá nhân - mà còn mang tính chính trị sâu sắc.

Tác giả: Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, VNUA