
Sáng nay, tình cờ trong buổi dạy viral, khi một nhóm các bạn học viên lên trình bày bài tập, cô giáo đã lập tức nghiêm giọng nhắc: trước khi nói sâu hơn, cô đề nghị các bạn phải lập tức sửa bài. Thứ nhất, vì các bạn vẽ vời quá xấu. Thứ hai, vì bản đồ của bọn em đã không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Cô cũng nói thêm rằng, cho dù đang ở trong lớp học, thì ý thức nhạy cảm Truyền thông vẫn luôn phải đề cao. Bạn Đức Minh Phạm cũng lên tiếng khuyên “các bạn lấy bút “chấm” ngay đi, nhỡ ai quay lại đưa lên thì có chuyện”.
Cô chưa từng có vinh dự đứng trong hàng ngũ Đảng viên như Ngọc Mai. Cô cũng không xuất hiện trong nhiều chương trình Truyền hình lớn nhỏ để hát các bài ca ngợi quê hương đất nước như Ngọc Mai. Cô càng chưa bao giờ có cơ hội mang “màu cờ sắc áo” Việt Nam ra nước ngoài chinh chiến như Quốc Nghiệp. Vậy tại sao chuyện chủ quyền cô biết mà vợ chồng Quốc Nghiệp - Ngọc Mai không biết?
Trong vụ Bạo loạn tại Điện Capitol Hoa Kỳ 2021 nhằm phản đối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, một số người gốc Việt tham gia vụ bạo loạn đã giơ lá cờ này cùng với cờ Mỹ ở Điện Capitol. Sau đó, hàng chục hội đoàn, nhà chính trị, nhà kinh doanh người Mỹ gốc Việt và cả một số viên chức chính phủ địa phương và liên bang của Mỹ cũng ký tên lên án sử dụng lá cờ vàng trong sự kiện này.
Trong trận đấu vòng loại Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 ở Melbourne giữa Úc và Việt Nam, nhiều trận đấu đã bị hoãn phát sóng đến mười phút do một số người Úc gốc Việt vẫy cờ vàng ba sọc. Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở trận đấu vòng loại của Việt Nam và Nhật Bản.
Tháng 5/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối việc Úc cho phát hành đồng xu có lá cờ vàng ba sọc mà nước Úc cho rằng dùng để “tôn vinh những người Úc đã chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam”.
Nếu để ý, các em sẽ thấy rằng đâu có vẫn còn những luận điệu “cãi cố” kiểu như “Chính quyền Việt Nam run sợ trước lá cờ ba sọc”. Nhưng thực ra, chưa cần phải nói tới chuyện run sợ hay không, thì câu chuyện ở đây lại vô cùng đơn giản, đơn giản đến mức đương nhiên: đó là, bất cứ công dân nào đang mang quốc tịch Việt Nam, tự thấy mình còn có dòng máu Việt Nam chảy trong người, thì có lý do gì để phải “chấp nhận”, “bình thường hoá” hay “bầu bạn” với một thứ biểu tượng được dùng để chống lại chính quê hương, tổ quốc mình???
Chúng tôi không tìm thấy bất cứ lý do hợp lý nào để làm việc đó, mà chưa cần phải “chính trị” hoá vấn đề.
Mỗi một Quốc gia, mỗi một đất nước và mỗi một thể chế đều có những vấn đề tồn tại. Việt Nam không hoàn hảo, Đảng cộng sản không hoàn hảo nhưng cũng đâu có tệ. Và nhất là đất nước này, tổ quốc này đối xử đâu có tệ với Quốc Nghiệp - Ngọc Mai, nếu không muốn nói là đang ưu ái họ?
Vậy lý do gì, họ lại vô tư xuất hiện, đùa giỡn, quay clip và đăng phát một hình ảnh “bên cạnh” lá cờ mang tính biểu tượng của chế độ cũ? Xa hơn nữa, là biểu tượng của những người “chống cộng”?
Cái sai của vợ chồng Quốc Nghiệp - Ngọc Mai đã rõ rành rành. Sai không thể nào bênh được về cả kết quả cuối cùng, cả lời xin lỗi hời hợt và bản lĩnh chính trị của một người đã từng đứng trong hàng ngũ Đảng viên. Nhưng không vì thế, mà cô giáo không thể để tâm tới một chi tiết hết sức bất thường trong câu chuyện.
Đó là, những người thuộc nhóm cờ vàng ba sọc bên Mĩ có truyền thống “biểu tình chống cộng”. Mà một trong những đối tượng nhóm này ưu tiên nhắm tới là các nghệ sỹ thuộc biên chế Nhà nước hoặc có “liên quan” đến Chính phủ Việt Nam khi lưu diễn nước ngoài. Hai cái tên nổi bật nhất trong các chiến dịch “chống cộng” của nhóm cờ vàng có lẽ là Hồ Quỳnh Hương và Đàm Vĩnh Hưng.
Hồ Quỳnh Hương, vốn là một ca sỹ và sau này trở thành giảng viên xuất sắc của trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân Đội có quân hàm, đã “được” hội cờ vàng gọi là “văn công Việt Cộng” và đó là lý do cô bị biểu tình phản đối. Nhưng Đàm Vĩnh Hưng (khi còn quốc tịch Việt Nam), cũng là mục tiêu bị “team cờ vàng” xem là “Văn công Việt Cộng” và kêu gọi biểu tình trên từng cây số do có liên quan đến một số hoạt động Đoàn, Hội, Đội.
Vụ nổi tiếng nhất gắn với Đàm Vĩnh Hưng có lẽ là vụ tai nạn năm 2010, khi bị một nhân vật “chống Cộng” khét tiếng là Lý Tống giả gái xịt hơi cay vào mặt khi ca sỹ này đang biểu diễn tại Santa Clara Convention Center (California). Và lý do thì vẫn không thay đổi, đó là “văn công Việt Cộng”.
Nhưng không hiểu vì sao, với những người mà chỉ cần thấy chữ “Việt Cộng” đã “không ưa” như vậy, họ lại vồn vã chào mời Ngọc Mai - một nghệ sỹ công khai đi theo con đường “ca ngợi quê hương đất nước” và là một cựu Đảng viên qua biểu diễn, chăm sóc đi lại ăn ở và cho cô lăn lộn trên giường ngủ? Để rồi trên thành giường tự nhiên xuất hiện 2 lá cờ (cờ Mĩ và cờ ba sọc) được cắm trong một chiếc ly thuỷ tinh và hoàn thành sứ mệnh “chui lên” clip?
Quả tình là cô giáo nghĩ tới không xuôi, mà nghĩ lui thì cũng không thấy lọt!
Theo thông tin từ nhiều fanpage (mà cô giáo chưa có cơ hội kiểm chứng kỹ hơn, nhưng có xem qua một vài hình ảnh), thì tổ chức mời Ngọc Mai qua Mĩ có liên quan đội “hội cờ vàng”. Tức là, nguồn cơn sự việc chỉ rơi vào 2 phương án:
(1) là Quốc Nghiệp - Ngọc Mai (và ekip) của họ không hề có bất cứ sự tìm hiểu cẩn trọng cần thiết nào với đơn vị đã mời mình bên Mĩ.
(2) là, họ có biết đến sự nhạy cảm liên quan những người này nhưng nhắm mắt cho qua.
Còn riêng với cá nhân mình, chia sẻ rất thật lòng, thì cô nghiêng về phương án thứ (3), đó là cả đôi bên đều không ổn chút nào.
Với những người mời Ngọc Mai qua Mĩ, cô không có bất cứ đáp án nào đủ thuyết phục cho vụ “cờ vàng” mời “cờ đỏ” qua nhà (trong khi team cờ vàng có 1001 lựa chọn “dễ hiểu” hơn). Ngoài lý do cố tình làm vậy. Vì lá cờ ba sọc cắm trong ly thuỷ tinh, đặt trên thành giường quả là chi tiết không lý giải được theo cách suy nghĩ bình thường. Tóm lại, là cố ý gài!
Thực ra, giả thiết này không có gì đặc biệt. Vì team cờ vàng đã làm vậy nhiều lần. Chiêu gài cờ 3 sọc vào bó hoa rồi mang tặng nghệ sỹ Việt Nam để quay lại hình ảnh họ “vẫy cờ trong hoa” đã được sử dụng nhiều lần. Nhưng ngay cả giả thiết này có đúng đi chăng nữa, thì cô cũng cho rằng Quốc Nghiệp - Ngọc Mai đã nhìn, đã thấy, đã hiểu và có thể đã “lờ” đi sự hiện diện của lá cờ 3 sọc.
Tức là, cô không chỉ nói về lá cờ trong clip, mà có thể là cả những lá cờ ở ngoài đường, ở trên tường nhà hay đâu đó. Vì chẳng có lý do gì một gia chủ cuồng cờ ba sọc như vậy lại “tha” việc giương nó ở những nơi những chỗ và những vị trí “chướng mắt” hơn. Họ (vợ chồng Quốc Nghiệp - Ngọc Mai) không thể nào không thấy, chỉ có thể là đã nghĩ đến vai trò “người đang đi ở nhờ” của mình và lẳng lặng đóng vai “mù câm điếc”.
Trong tình huống hiện nay, có lẽ giải pháp đẩy thông tin theo hướng “bị gài” sẽ giúp Quốc Nghiệp - Ngọc Mai giảm bớt được phần nào hậu quả từ việc “nô đùa” tắc trách lần này. Nó không giúp vợ chồng cô tránh được sự lên án mạnh mẽ từ dư luận, không tránh được sự vào cuộc và xử phạt của Cơ quan quản lý (thậm chí cả việc tước danh hiệu Nghệ sĩ Ưu Tú). Nhưng ít nhất, thông điệp “bị gài”, cùng với những phát biểu mạnh mẽ chống lại “cờ vàng”, khẳng định bản thân không bao giờ có mong muốn đứng cạnh cờ vàng, nêu cao tinh thần dân tộc, thì vẫn tốt hơn là thông điệp “hạnh phúc vui đùa không để ý xung quanh” đang tung tẩy trên miệng mồm Quốc Nghiệp như hiện tại.
Cá nhân cô giáo đánh giá lời giải thích này rất xảo trá và coi thường dư luận. Coi dư luận là ngu ngốc hết, và cho rằng 100 triệu dân Việt Nam cũng thờ ơ với vấn đề màu cờ sắc áo y như họ vậy?
Vấn đề là, Quốc Nghiệp - Ngọc Mai có muốn tuyên bố “chống lại cờ vàng 3 sọc” như vậy không? Hay coi việc “lá cờ 3 sọc” này chẳng có gì đáng kể, nên chỉ share một bài giải thích “nhảm nhí vớ vẩn” trên báo về tường và “cảm ơn nhà báo đã nghe tâm sự” một cách đầy vô trách nhiệm?
Mọi lựa chọn đều khiến chúng ta trả giá!
Lan Khuê cũng từng phải “trả giá” khi kiên quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc trong lúc chinh chiến sắc đẹp ở nước ngoài. Cơ thủ Trần Quyết Chiến cũng đã “trả giá” khi quyết định bỏ giải giao hữu billiards tại Trung Quốc sau khi hình ảnh vi phạm chủ quyền Việt Nam xuất hiện tại giải đấu. Hàng triệu người Việt Nam cũng phải “trả giá” bằng chính sinh mạng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc để lấy máu mình tô thắm lá cờ sao vàng trên nền đỏ.
Vậy cho cô giáo hỏi vợ chồng Quốc Nghiệp - Ngọc Mai, khi giả mù câm điếc để tận hưởng “hạnh phúc vui đùa không để ý xung quanh” bên lá cờ 3 sọc, các bạn có nghĩ đến việc mình sẵn sàng trả một cái giá thế nào?