chat-ban-dan-co-vai-tro-quyet-dinh-nen-chinh-tri-quoc-te-cau-truc-nen-kinh-te-va-can-can-quyen-luc-quan-su-toan-cau-1717412803.jpeg
 

Tại sao vậy?

Bởi ngày nay, bán dẫn được ví như dầu mỏ ở đầu thế kỷ 20, số tiền mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu chip đã lớn hơn số tiền mà họ bỏ ra để nhập khẩu dầu mỏ. Có một thực tế là tất cả các công nghệ tiên tiến nhất đều cần đến những con chip, chính là chất bán dẫn hoặc mạch tích hợp. Tất cả các thiết bị xung quanh chúng ta đều cần đến chip. Chỉ riêng một chiếc điện thoại thông minh đã có hơn chục con chip, một chiếc ô tô thì số chip còn lên đến cả trăm, máy bay và tên lửa thì số chip nhiều đến mức mà người thường khó tưởng tượng ra. Trong gia đình chúng ta từ chiếc máy tính, tivi, tủ lạnh, lò vi sóng, bếp nấu ăn, lò nướng, máy rửa bát, máy giặt, robot lau nhà, robot dọn bể bơi, máy hút bụi, khoá cửa, khoá cổng và tất cả các thiết bị gia dụng khác, đều có một vài con chip bên trong. Phần lớn GDP của thế giới được tạo ra từ những máy móc, thiết bị mà bên trong chúng có gắn chip.

Thế nhưng hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít công ty, một số ít quốc gia nắm quyền kiểm soát hoạt động sản xuất những con chip này. Các quốc gia kiểm soát hoạt động sản xuất chip của thế giới là bốn nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan (ít hơn nhiều lần số quốc gia dầu mỏ), trong đó Đài Loan là nước kiểm soát nhiều nhất. Những con chip mà Đài Loan sản xuất đã tạo ra hơn 37% sức mạnh tính toán mà loài người sử dụng mỗi năm. Hãng TSMC của Đài Loan là nơi sản xuất gần như tất cả các con chip tiên tiến nhất thế giới.

Ngày nay tất cả các ngành kinh tế đều phụ thuộc vào những con chip, vì vậy thế giới đang phụ thuộc rất lớn vào Đài Loan. Thế nhưng việc phụ thuộc vào Đài Loan lại đang có quá nhiều rủi ro.

Đầu tiên là cuộc chiến chip Mỹ Trung. Thứ hai là chiến lược một Trung Quốc. Điều gì sẽ xẩy ra nếu Đài Loan trở thành một đơn vị hành chính của Trung Quốc hoặc nhẹ hơn là Trung Quốc phong toả một phần Đài Loan hoặc Trung Quốc tấn công tên lửa vào nhà máy sản xuất chip của Đài Loan?

Thứ ba là động đất. Trận động đất ở Đài Loan vào đầu tháng 4 vừa qua đã làm cho cả giới công nghệ toàn cầu nín thở, lo lắng. Chỉ cần TSMC ngừng sản xuất chip thì có nghĩa rằng các nhà máy sản xuất điện thoại, máy tính, ô tô, tàu thuỷ máy bay … ngừng sản xuất.

Chính vì vậy việc dịch chuyển một phần công việc sản xuất chip ra khỏi Đài Loan là việc chắc chắn phải làm. Mỹ là địa chỉ đầu tiên, với bộ luật CHIPS, Mỹ đã mở đường cho TSMC, Samsung thiết lập một số nhà máy chip ở Mỹ. Thế nhưng chắc chắn Mỹ không phải là địa chi duy nhất, chắc chắn còn ít nhất một quốc gia khác nữa sản xuất những con chip không thuộc chip công nghệ tiên tiến nhất.

Câu hỏi đặt ra là quốc gia thứ hai trong chiến lược chuyển dịch sản xuất chip có phải là Việt Nam chúng ta hay không? Việt Nam có lợi thế gì và cơ hội là lớn hay bé. Câu trả lời tôi để giành cho bài viết tiếp theo.

www.facebook.com/caobao.do.90/posts