chan-dung-chu-tich-tap-doan-loc-troi-huynh-van-thon-ong-trum-xuat-khau-gao-thanh-cong-tu-thuoc-bao-ve-thuc-vat-1-1665900528.jpg

Ông Huỳnh Văn Thòn là ai?

Ông Huỳnh Văn Thòn sinh ngày 09/9/1958 tại xã Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, là một kỹ sư kinh tế. Hiện ông đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Upcom: LTG) - tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Ông Thòn sở hữu riêng cho mình 3,16% cổ phần của tập đoàn trị giá gần 93 tỷ đồng và đại diện cho 24,15% cổ phần của UBND tỉnh An Giang. Những thành viên trong gia đình của vị chủ tịch này bao gồm vợ và các con, đều không nắm giữ cổ phần hoặc làm việc tại tập đoàn, mà chỉ có anh chị em của ông sở hữu vài nghìn cổ phiếu. Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, ông từng là cán bộ nhà nước làm việc tại An Giang - nơi ông được sinh ra và cũng là trụ sở của Tập đoàn Lộc Trời.

Năm 1988, ông Thòn làm việc tại Phòng Kế hoạch của Sở Nông Nghiệp ở tỉnh An Giang, sau đó được thăng tiến trở thành Trợ lý Phó chủ tịch tỉnh kiêm Giám đốc Sở Nông nghiệp. Từ vị trí giám đốc, ông được bổ nhiệm lại vị trí Phó giám đốc Sở Nông nghiệp kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật An Giang. Đây cũng là cơ duyên giúp ông Thòn có cơ hội chuyển đổi sang làm kinh tế. Và một trong những điều được xem thành công nhất của ông là xây dựng một công ty nhà nước từ thuở chỉ vài chục người, trở thành Tập đoàn Lộc Trời có vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, ông cùng tập đoàn của mình là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính châu Âu theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hành trình ông Thòn chuyển đổi công ty từ bán thuốc bảo vệ thực vật sang làm nông nghiệp bền vững

Ông Huỳnh Văn Thòn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo trong thời chiến tại An Giang, ba mẹ đã tham gia hoạt động cách mạng, nên ông đã quyết định tình nguyện trở thành chiến sĩ liên lạc. Để có được những thông tin quý giá cung cấp cho cán bộ, ông phải đi theo mẹ bán kẹo mạch nha hàng ngày, vừa kiếm tiền vừa thu thập tin tức. Đến năm 11 tuổi, ông được Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 8 (Trung Nam Bộ) nhận vào làm nhân viên báo vụ. Sau 3 năm, ông có cơ hội ra miền Bắc để theo học Trường Học sinh miền Nam và được gặp gỡ cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - cụ Kim Ngọc (1917-1979). Cụ Ngọc là người “cha đẻ của khoán hộ” đã gieo hạt giống cho ông Thòn nuôi ước mơ phát triển ruộng vườn của quê hương. Vì mong muốn giúp những người nông dân ở quê, nên ông đã đăng ký trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp (Niên khóa: 1980 - 1984). Tốt nghiệp và trở thành một kỹ sư, ông quay lại quê hương để bắt đầu hành trình thực hiện những điều mình ấp ủ.

chan-dung-chu-tich-tap-doan-loc-troi-huynh-van-thon-ong-trum-xuat-khau-gao-thanh-cong-tu-thuoc-bao-ve-thuc-vat-5-1665902333.jpg

Ông Huỳnh Văn Thòn cùng "lực lượng" của mình hỗ trợ bà con nông dân áp dụng biện pháp canh tác hiện đại

Trong quá trình làm việc tại Sở Nông nghiệp, ông Thòn quan sát thấy rằng bà con nông dân chủ yếu sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đúng cách,... Việc này đã gây ô nhiễm môi trường, nguồn đất nhưng năng suất cây trồng không hề tăng mà còn giảm, đặc biệt là gây hại cho người sử dụng. Năm 1993, ông là một trong số những người đã đưa ra ý kiến, để UBND tỉnh An Giang quyết định thành lập Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật của tỉnh. Sau đó, ông được bổ nhiệm vị trí Giám đốc của AGPPS và được toàn quyền sắp xếp nhân sự, vị trí làm việc. Mục tiêu ngay từ đầu thành lập công ty là tập trung vào lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, nên ông cùng ban lãnh đạo đã đầu tư tất cả nguồn lực vào mảng này. Chỉ trong vòng vài năm từ mức 13 tỷ đồng doanh thu lúc đầu, AGPPS đã đạt được mức doanh thu “khủng” 600 tỷ đồng và nộp ngân sách lên đến 110 tỷ đồng. Chính nhờ thành quả này mà công ty đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu đơn vị “Anh hùng Lao động” vào năm 2000. Đặc biệt, nhờ những đóng góp của mình mà cá nhân ông Huỳnh Văn Thòn cũng được trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động” vào năm 2002.

Năm 2004, công ty chuyển đổi mô hình sang cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Đồng thời, ông Thòn cũng là người nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty. Hai năm sau, vị chủ tịch này đã ra quyết định thành lập lực lượng “3 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Mục tiêu là giúp các hộ nông dân tiếp cận với các kỹ thuật canh tác hiện đại nhằm nâng cao năng suất và tăng giá trị đầu ra. Lực lượng ban đầu chỉ có 12 kỹ sư nông nghiệp nhưng dần dần đã tăng “khủng” lên đến hàng nghìn người được đào tạo kiến thức. Vì từng là người có thời gian làm việc trong quân đội, nên ông Thòn yêu cầu lực lượng của mình phải kỷ luật, tự giác, nghiêm minh và lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của bà con nông dân. Cũng trong thời gian này, cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long điêu đứng trước dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu truyền nhiễm sang cây lúa khiến Nhà nước phải đình chỉ xuất khẩu gạo. Dịch bệnh gây thiệt hại đến cả triệu tấn lúa trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Chính ông Huỳnh Văn Thòn và AGPPS, đã trực tiếp tài trợ cho đoàn công tác của các chuyên gia từ Viện Bảo vệ thực vật ở Hà Nội vào Long An để giúp nông dân đẩy lùi dịch bệnh. 

chan-dung-chu-tich-tap-doan-loc-troi-huynh-van-thon-ong-trum-xuat-khau-gao-thanh-cong-tu-thuoc-bao-ve-thuc-vat-4-1665901725.jpg

Ông Huỳnh Văn Thòn (trái) và nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Huy Ngọ (phải) thăm cánh đồng tại Trà Vinh năm 2007 (Nguồn ảnh: sggp.org.vn)

Sau đi thử nghiệm thành công mô hình đẩy lùi dịch bệnh, công ty lại tổ chức hội thảo giữa các nhà khoa học và người nông dân để nâng rộng mô hình này lên. Lực lượng “3 cùng” của ông Thòn đã trực tiếp cầm tay chỉ việc cho người nông dân, để bà con có thể bảo vệ những cánh đồng của mình khỏi dịch bệnh và nổi tiếng với tên gọi “lực lượng FF”. Cuối năm 2007 trong một lần đi công tác tại chi nhánh của công ty ở tỉnh Thái Bình, và nghe người phụ trách báo rằng năm nay thất thu, nhưng vị chủ tịch này không tức giận. Ông nói rằng: “Có gì băn khoăn! Không lẽ mình là người bán hòm lại mong người ta chết nhiều sao? Không có sâu bệnh, bà con không phải xài thuốc trừ sâu, giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập,...Mình phải mừng chứ!”. Tuy nhiên, trong các chiến lược của ông đều phân biệt rất rõ ràng giữa việc giúp đỡ và kinh doanh. Từng có lần ông Phạm Minh Nhị - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thời điểm đó, đề xuất với ông Thòn về việc giảm giá thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng vị doanh nhân này đã đáp lại thẳng thắn:”“Tôi kinh doanh mà lãnh đạo biểu giảm giá thuốc thì hóa ra thuốc của tôi là... thuốc dỏm à? Lúc nào tôi cũng phải giữ giá thuốc ngang với giá thị trường, luật chơi nó thế! Nhưng tôi có cách san sẻ lợi nhuận cho nông dân!”.

Năm 2010 được xem như là một bước ngoặt của cả ông Huỳnh Văn Thòn và AGPPS, khi quyết định bước chân vào lĩnh vực lương thực bằng dự án “cánh đồng mẫu lớn”. Từ một doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống cây trồng, ông Thòn đã đưa công ty “chuyển mình” tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Sang năm 2011, công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã khánh thành nhà máy chế biến gạo xuất khẩu có diện tích 5 ha, vốn đầu tư là 65 tỷ đồng. Khi đó, công ty đã ký hợp đồng với các hộ nông dân về việc AGPPS sẽ đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật. Đáng chú ý, công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm bằng cách khi nông dân chở lúa đến nhà máy sẽ được hỗ trợ sấy miễn phí và ký gửi vào kho. Nếu bà con nào có nhu cầu vốn để tiếp tục sản xuất hoặc trả nợ, thì công ty sẽ cho tạm ứng trước 50% - 60% giá trị lúa đã ký gửi, đến khi nào giá cao thì có thể bán. Mô hình này của ông Thòn đã gặt được thành quả đầu tiên là xuất khẩu 300 tấn gạo vào cuối năm 2012, đến một trong những thị trường khó tính nhất thế giới - Nhật Bản.

chan-dung-chu-tich-tap-doan-loc-troi-huynh-van-thon-ong-trum-xuat-khau-gao-thanh-cong-tu-thuoc-bao-ve-thuc-vat-2-1665901065.jpg

Thời điểm đó, vị doanh nhân này cũng cho khánh thành Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành - trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp có quy mô lớn đầu tiên thuộc công ty tư nhân, với tổng mức đầu tư là 4,5 triệu USD. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, và nghiên cứu về các giải pháp khoa học liên quan đến giống, đất, nước, phương pháp canh tác,...Đặc biệt, ông Thòn đã “tập” cho bà con nông dân tìm hiểu về cổ phần, cổ phiếu bằng việc phát hành cổ phiếu ưu đãi. Năm 2013, AGPPS đã phát hành gần 1,9 cổ phiếu trong tổng số 2,48 triệu cổ phần theo kế hoạch, cho hơn 1.700 nông dân với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 50% so với thị trường. Từ đó giúp công ty thu về hơn 56 tỷ và nâng tổng vốn điều lệ lên 652 tỷ đồng. Trong năm 2014, AGPPS đã từng gây xôn xao dư luận khi nhận được 70 triệu USD vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp từ Ngân hàng hàng đầu tại Anh - Standard Chartered. Chỉ trong vài tháng sau, Standard Chartered lại tiếp tục công bố về thương vụ mua lại số lượng lớn cổ phần thiểu số của công ty, giá trị đầu tư lên đến 90 triệu USD. Sau khi nhận được được vốn đầu tư “khủng”, ngày 23-8-2015, ông Thòn quyết định đổi tên từ CTCP Bảo vệ thực vật An Giang thành CTCP Tập đoàn Lộc Trời. Theo như thông tin vị chủ tịch này chia sẻ, lý do là tên “bảo vệ thực vật” không thể hiện hết được các hoạt động của công ty, vì Lộc Trời đã chuyển đổi sang chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ bà con nông dân đến người tiêu dùng.

Tập đoàn Lộc Trời của ông Thòn kinh doanh ra sao trong 7 năm qua?

Kể từ khi đổi tên và làm chuỗi giá trị nông nghiệp, tình hình kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời liên tục lao dốc. Năm 2014, công ty của ông Thòn đạt mức doanh thu và lợi nhuận trước thuế kỷ lục, lần lượt là 9.000 tỷ và 700 tỷ. Giai đoạn 2015 - 2016, doanh thu của tập đoàn liên tục sụt giảm về 7.856 tỷ và 7.783 tỷ, và lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 400 tỷ đồng, thấp hơn gần 30% so với thời kỳ đỉnh cao. Trong cơ cấu doanh thu, mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đóng góp hơn 60% vào doanh thu và biên lợi nhuận gộp khoảng 32%. Đứng thứ hai trong cơ cấu là ngành lương thực - gạo khi đóng góp 28%, nhưng biên lợi nhuận gộp của mảng này cực kỳ thấp chỉ ở mức chưa đến 5%. Ngoài ra, doanh thu còn đến từ một số mảng còn lại như: hạt giống cây trồng, bao bì, xây dựng,...Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Tiến Tùng - Trưởng ban chiến lược của tập đoàn, lý do kết quả kinh doanh là do quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp. Lĩnh vực chính từ trước đến giờ là thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, nhưng đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ 200 doanh nghiệp thuốc và 800 doanh nghiệp phân bón. Ngoài ra mảng mới là lương thực - gạo thì lại có biên lợi nhuận gộp quá mỏng dẫn đến sụt giảm lợi nhuận.

chan-dung-chu-tich-tap-doan-loc-troi-huynh-van-thon-ong-trum-xuat-khau-gao-thanh-cong-tu-thuoc-bao-ve-thuc-vat-3-1665901379.jpg

Giai đoạn 2017 - 2018, kết quả kinh doanh bắt đầu chuyển biến tích cực khi tăng hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là đạt mức 414 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này là do ngành nông nghiệp cả nước đã đạt được thắng lợi lớn khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, đặc biệt là xuất khẩu gạo đều tăng cả về lượng và giá trị. Sang năm 2019, mảng lương thực gặp bất lợi khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, khiến cho doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế sụt giảm lần lượt là 8% và hơn 19%. Đến năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời của ông Huỳnh Văn Thòn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và tình trạng bị nhiễm mặn. Ngoài ra có số lượng đáng kể hộ nông dân chuyên từ trồng lúa mùa sang nuôi trồng thủy sản, làm giảm diện tích gieo trồng lúa. Điều này khiến cho doanh thu sụt giảm 9,67% chỉ còn 7.506 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú là doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng trưởng 10,02% so với cùng kỳ ở mức 369 tỷ đồng, do công ty nỗ lực giảm các loại chi phí. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nước ta, nhưng Lộc Trời lại đạt được mức doanh thu cao nhất từ lúc thành lập đến nay. Trước đó, tập đoàn đã đặt chỉ tiêu là đạt được 1 tỷ USD doanh thu, nhưng chỉ có 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả kinh doanh cuối năm ghi nhận, doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ đạt 10.224 tỷ đồng. Chỉ số lãi ròng tăng 13% so với cùng kỳ và vượt 105% kế hoạch với mức 418 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời thì mảng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đóng góp tỷ lệ cao nhất gần 49%, đã giảm hơn so với 60% của năm 2016, và chỉ tăng trưởng hơn 13% so với năm 2021. Lĩnh vực lương thực - gạo đã tăng trưởng “khủng” hơn 91% so với cùng kỳ, đóng góp 39% vào cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của lương thực còn mỏng hơn trước khi chỉ đạt 2% và thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục là trụ cột mang lại nguồn lợi nhuận nuôi sống cả tập đoàn, khi biên lợi nhuận gộp lên đến 35%.

Mặc dù biên lợi nhuận gộp của ngành lương thực, đặc biệt là gạo vô cùng thấp, nhưng ông Huỳnh Văn Thòn cùng tập đoàn của mình luôn là một “ông lớn” trên thị trường này kể từ khi chuyển đổi vào năm 2010. Sau khi xuất khẩu gạo sang Nhật Bản vào cuối năm 2012, ông Thòn liên tục tiến vào các thị trường khác. Năm 2015, thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời của tập đoàn đã đạt danh hiệu “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” do The Rice Trader tổ chức, đây cũng chính là sản phẩm nổi tiếng trong cả nước. Tháng 9/2020, Lộc Trời là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn để xuất khẩu lô gạo 126 tấn đầu tiên sang thị trường Châu Âu, và hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào ngày 01-8-2020 trước đó. Kể từ thời điểm đó đến nay, tập đoàn đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo vào thị trường châu Âu. Đặc biệt, ông Thòn còn mời cựu Thủ tướng Đức - Phillipp Roesler trở thành Thành viên HĐQT độc lập của CTCP Tập đoàn Lộc Trời, khiến cho giới truyền thông “dậy sóng”. Mới đây, vào tháng 9 vừa qua, CTCP Tập đoàn Lộc Trời trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” vào Carrefour – hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu và Leclerc - hệ thống đại siêu thị hàng đầu tại Pháp, với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị. Theo kết quả kinh doanh quý 2/2022, Lộc Trời bất ngờ báo lỗ ròng hơn 46 tỷ đồng sau 8 quý lãi liên tiếp kể từ lần báo lỗ gần nhất là quý 1/2020. Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ đạt 5.893 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng sụt giảm 40% so với 6 tháng năm 2021, chỉ còn gần 138 tỷ đồng. Liệu rằng, ông Huỳnh Văn Thòn cùng ban lãnh đạo sẽ thay đổi chiến lược như thế nào để 6 tháng cuối năm “tăng tốc” bù lại giai đoạn này.