Mới đây, báo cáo tài chính quý I mới công bố của CTCP Khử trùng Việt Nam - VFC (HoSE: VFG) đã nêu ra tổng thu nhập trong 3 tháng đầu năm nay của HĐQT và Ban điều hành công ty. Theo đó, con số này đã tăng vọt từ 17 tỷ đồng lên hơn 64 tỷ đồng, thậm chí khi so với mức thu nhập của cả năm 2023 còn bỏ xa gần 24 tỷ đồng.
Trong đó, thu nhập của bà Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc VFC đã gây xôn xao những ngày gần đây. Chỉ trong quý đầu năm nay bà đã nhận thu nhập lên đến hơn 22 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái bà chỉ nhận gần 5 tỷ đồng. Có thể suy ra bình quân mỗi tháng từ đầu năm, Chủ tịch Nguyễn Bạch Tuyết nhận tổng thu nhập hơn 7 tỷ đồng.
Thông tin cá nhân:
✅ Họ tên: Nguyễn Bạch Tuyết
✅ Năm sinh: 1942
✅ Quê quán: Quảng Ngãi
✅ Trình độ học vấn: Kỹ sư nông nghiệp
✅ Chức vụ: Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) kể từ năm 2001 đến nay.
Được biết bà Tuyết có vẻ ngoài trẻ hơn tuổi, còn rất nhanh nhẹn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với báo chí, bà Tuyết từng khẳng định rằng giai đoạn Covid-19 không phải thử thách lớn nhất trong ngần ấy năm làm Chủ tịch Công ty VFC. Đối với bà, lần liều mình sang Iraq - khi nơi đây đang có chiến tranh mới là trải nghiệm đáng nhớ nhất và nhờ đó giúp công ty không phải bồi thường một khoản tiền lớn cho đối tác.
Khi được hỏi rằng bà cảm nhận thế nào khi ở tuổi bà, đa số mọi người sẽ nghỉ ngơi chứ không bận rộn như bà, nữ chủ tịch cho hay:
"Nếu nói là tôi ham công tiếc việc thì không phải vì tôi tự tin là những nhân viên của mình đã làm tốt rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng việc dõi theo và đóng góp ý kiến cho mọi người sẽ là niềm vui của tôi và niềm tự hào của một người bà đã sống hết lòng vì công việc.
Mọi người đang thay tôi làm tất cả những gì tôi chờ đợi. Tôi theo dõi và mong chờ điều đó. Tôi nghĩ rằng khi các nhân viên VFC hiểu được điều này, mọi người cũng sẽ cố gắng hơn. Khi nào mệt thì thôi, nhưng nếu còn làm việc được thì tôi vẫn tiếp tục. Có thể không phải là chỗ dựa về sức mạnh nhưng tôi sẽ là chỗ dựa về tinh thần.
Khi bước chân vào ngành này, tôi có một ước mơ là “quân” của mình sẽ có nhà, có xe. Tuy hiện giờ con số đó chưa được nhiều lắm nhưng tôi vẫn mong sẽ có nhiều hơn trong tương lai gần. Đối với tôi, dù làm được gì, một phần dù to hay nhỏ cho các cháu thì tôi cũng thấy đó là niềm vui."
Cũng theo báo cáo tài chính quý I/2024 của VFC, thu nhập của các nhân sự khác trong HĐQT và Ban điều hành công ty này cũng được nâng tương ứng gấp 2-3 cùng kỳ. Thành viên Ban kiểm soát cũng được tăng thu nhập thêm 25% trong quý đầu năm nay.
Tình hình kinh doanh của CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC)
Quý I/2024, VFC báo doanh thu thuần đạt gần 966 tỷ đồng tương ứng tăng 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 79 tỷ đồng, tương ứng tăng 41%. Trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, đây cũng là mức lợi nhuận quý cao thứ 2.
Mục tiêu doanh thu năm nay của CTCP Khử trùng Việt Nam là đạt 3.690 tỷ đồng, tăng 13%. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn lãi ròng sẽ đạt 300 tỷ đồng, tăng 1%. Như vậy, kết thúc quý I, công ty đã hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Lịch sử hình thành của CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC)
CTCP Khử trùng Việt Nam tiền thân là Đội Khử trùng của Cục Bảo vệ thực vật trực thuộc bộ Nông nghiệp từ những năm 1960. Tại miền Nam, trước năm 1975 có Đội Khử trùng – Phòng Vệ sinh – Thảo Mộc trực thuộc Tổng Nha Nông nghiệp Sài Gòn.
Đội sát trùng trực thuộc Cục Bảo vệ Thực vật đã được thành lập vào năm 1976. Năm 1985, hai đội này được nâng cấp thành Công ty Khử trùng I – Hải Phòng và Công ty Khử trùng II – TP HCM. Tháng 12/1993, theo chủ trương đổi mới của Nhà nước về việc tách các tổ chức kinh doanh dịch vụ ra khỏi khối quản lý Nhà nước, Bộ Nông Nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quyết định hợp nhất các tổ chức khử trùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật thành Công ty Khử trùng Việt Nam (VFC) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.
VFC bắt đầu tham gia vào việc kinh doanh nhập khẩu nông dược từ năm 1994, đồng thời doanh nghiệp này cũng trở thành nhà phân phối của nhiều công ty nông dược hàng đầu trên thế giới như Zeneca, Ciba, Russel, Aventis, Kumiai, FMC.
Sau đó VFC đã hoàn tất việc cổ phần hóa toàn bộ công ty vào cuối năm 2001 và trở thành công ty cổ phần đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khử trùng và kinh doanh nông dược với các sản phẩm như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh và phân bón. Năm 2009, VFC đã niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Nhờ kết quả kinh doanh tích cực mà cổ phiếu VFG của công ty trên sàn chứng khoán cũng có nhiều bứt phá. Hiện tại cổ phiếu VFG của doanh nghiệp này đang được giao dịch ở quanh mức 68.000 đồng/ cổ phiếu, tăng hơn 94% so với đầu năm 2024.
Cái bắt tay của của CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) với Tập đoàn PAN
Khi chia sẻ về ý nghĩa của Tập đoàn PAN đối với VFC, bà Nguyễn Bạch Tuyết bày tỏ rằng ban đầu bà cũng hơi lo lắng vì thấy trên thị trường có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, tại sao PAN lại chọn VFC. Nhưng sau khi hiểu được vấn đề thì bà cũng thấy tự tin hơn. Tập đoàn PAN và ông Nguyễn Duy Hưng đã đặt niềm tin vào bà Nguyễn Bạch Tuyết cũng như VFC: "Họ hiểu rằng tôi là một người có ý chí và những điều tôi đã hứa tôi sẽ cố gắng làm", bà nói.
Bà cũng cho rằng Tập đoàn PAN sở hữu tính xuyên suốt khi đầu tư vào ngành nông nghiệp và rất quan tâm đến nông nghiệp nên bà nghĩ đó là một người đồng hành phù hợp với VFC.
Những đối tác của VFC cũng tự tin hơn khi hợp tác với VFC bởi có Tập đoàn PAN là đối tác lâu dài.
Câu chuyện ở Iraq
"Covid-19 không phải khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi nhớ thời chuyển từ làm kiểm dịch sang khử trùng, lúc đó có một tàu gạo sang Iraq và báo về là mọt không chết. Lúc đó tôi nghĩ nếu mọt không chết thì chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm vì không đạt yêu cầu như hợp đồng đã ký. Tôi không nhớ rõ số tiền bồi thường là bao nhiêu, chỉ biết nó rất lớn và chúng tôi có thể trắng tay vì vụ này.
Tôi cứ suy nghĩ mãi, nếu mình không sang bên đó thì sẽ không biết được sự thật và sự thật dù thế nào cũng sẽ là một bài học kinh nghiệm để mình làm tốt hơn. Nhưng đó thật sự là một hành trình rất gian truân vì lúc đó Iraq đang có chiến tranh.
Lúc đó ngoài 60 tuổi rồi, tôi vẫn quyết định đi cùng một anh kỹ thuật sang Iraq. Không có chuyến bay trực tiếp mà phải đến sân bay gần đó rồi đi ôtô sang, khi sang đến nơi cũng không có số điện thoại nào để liên lạc. Nhờ có sự giúp đỡ của lãnh sự quán Việt Nam tại Iraq, chúng tôi cũng đến được cảng.
Sau khi làm việc xong ở cảng thì điều đầu tiên tôi cảm thấy là rất nhẹ nhõm vì biết rằng mình sẽ không phải bồi thường. Khi sang đến nơi, chúng tôi thấy các bao gạo bị rách rồi để lộn xộn, rồi xảy ra tình trạng cướp gạo... Chúng tôi chụp lại những hình ảnh rồi gửi báo cáo cho các tổ chức liên quan. Đến giờ nhớ lại tôi vẫn thấy chuyến đi đó có phần may mắn.", chia sẻ tâm huyết của bà Nguyễn Bạch Tuyết về những thử thách ở Iraq.