Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN ở Jakarta hôm 4/9, CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy đã nhấn mạnh rằng VinFast đã làm được điều mà nhiều người cho là không thể kể từ khi bắt đầu sản xuất xe điện cách đây 6 năm. "Chế tạo ô tô rất phức tạp nhưng chúng tôi đã làm được", bà Thủy nói.
Đồng thời, bà Thủy cũng cho biết thêm Vinfast hiện đã tung ra 7 mẫu xe tại Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2023, VinFast đã giao 11.300 xe điện tập trung chủ yếu ở thị trường Việt Nam. Vinfast là doanh nghiệp Việt hiếm hoi niêm yết tại Mỹ và cũng là nhà sản xuất duy nhất xuất khẩu ô tô từ Việt Nam.
Bà Thủy cho rằng hệ sinh thái xe điện đang phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast. “Tôi nhìn thấy mọi thứ ở khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi có thể có được hầu hết các bộ phận, tất cả các bộ phận, linh kiện ở đây”, bà Thủy nói.
Nói về cổ phiếu VinFast đã có nhiều biến động sau khi niêm yết, bà Thủy nghĩ rằng rất nhiều người đã bất ngờ "nhưng chúng tôi thì không, bởi chúng tôi có niềm tin vào tiềm năng của công ty".
Mở cửa phiên giao dịch ngày 6/9, giá cổ phiếu VFS của VinFast Auto Ltd (VinFast) ở mức 26,7 USD/cp, tăng 2,1% so với giá đóng cửa phiên trước.

VFS sau đó vận động với biên độ hẹp trong phần lớn thời gian giao dịch, từ 24,4 USD - 27,2 USD/cp, trước khi đóng cửa ở mức giá 24,5 USD/cp (giảm 6,24% so với giá đóng cửa phiên trước). Ở mức giá này, vốn hóa thị trường của VinFast lùi về mức 56,8 tỉ USD.
Thanh khoản của cổ phiếu VFS tiếp tục xu hướng giảm, với 5,5 triệu đơn vị được trao tay trong phiên giao dịch ngày 6/9.
Tháng trước, VinFast đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq với mã VFS. Theo Nikkei Asia, 2,3 tỉ cổ phiếu của công ty thuộc quyền kiểm soát của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Biến động của cổ phiếu VFS đặt ra nhiều câu hỏi về định giá của Vinfast.
Tuần trước, vốn hóa của VinFast tăng vọt từ 80 tỉ USD lên 200 tỉ USD chỉ sau ít phiên giao dịch, vượt qua GM và Boeing. Song, vốn hóa của hãng xe điện Việt Nam này có lúc giảm tới 44% chỉ trong một ngày.