Rất nhiều chủ doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau phải vật lộn để tìm và giữ nhân viên giữa cơn sóng thiếu hụt nhân sự đang diễn ra trên toàn cầu. Ví dụ, ở Mỹ, vào tháng Mười Một năm ngoái, 4.5 triệu người (một kỷ lục) đã nghỉ việc. Nhiều người trong số này nói rằng điều kiện làm việc tệ và lương thấp là những yếu tố thúc đẩy họ nghỉ việc. Trong một nỗ lực giữ lại nhân viên, các doanh nghiệp đã tăng lương, trả tiền thưởng tuyển dụng, và cung cấp các cơ hội đào tạo để thu hút thêm nhân viên. Nhưng ngay cả với những thay đổi này, cuộc khủng hoảng lao động vẫn còn tiếp tục và có thể kéo dài đến hết năm 2022, bất chấp nỗ lực của các công ty.

61d85551d21c1e0019ee31d6-1641790185.jpegChris Ronzio, CEO của Trainual

Tuy nhiên, một công ty đã tìm ra cách mới để tìm và giữ nhân viên. Chris Ronzio, CEO của Trainual, một công ty phần mềm có trụ sở ở bang Arizona, nói rằng anh trả tiền cho nhân viên để họ nghỉ việc. Cách làm này giúp công ty giữ được những người tài năng nhất cũng như duy trì được văn hóa công ty.

“Với thị trường ngày nay, bộ phận tuyển dụng phải nhanh chóng đánh giá các ứng viên và đưa cho họ một lời đề nghị có tính cạnh tranh, do đó không thể nào chuẩn 100% mọi lúc được,” Ronzio nói. “Lời đề nghị nghỉ việc cho phép mọi thứ trở nên rõ ràng hơn và cho phép nhân viên mới đặt câu hỏi nếu cần thiết.”

Ronzio đưa ra chính sách trả tiền để nghỉ vào tháng Năm 2020. Vào thời điểm đó, công ty trả 2.500 đô-la để nhân viên mới nghỉ việc sau 2 tuần nếu họ có bất kỳ cảm giác hay suy nghĩ nghi ngờ nào. Không có ai trong số 38 nhân viên mà công ty tuyển dụng kể từ khi chính sách này được áp dụng nhận số tiền này để nghỉ việc. Công ty cũng đã tăng số tiền này lên 5.000 đô-la.

“Chúng tôi nhìn vào mức lương trung bình của công ty khi xem xét thay đổi số tiền và cuối cùng thấy rằng nếu một người có thể làm ra 80.000 hoặc 100.000 đô-la một năm, 2.500 đô-la có thể không đủ lớn,” Ronzio nói. “Họ có thể ở lại trong khi tìm kiếm một công việc mới vì họ sẽ làm ra nhiều tiền hơn khi ở lại. Do đó, chúng tôi điều chỉnh số tiền với suy nghĩ đó.”

Là sếp, Ronzio chịu trách nhiệm xây dựng một văn hóa hòa nhập. Anh ấy tin rằng cho nhân viên một khoản tiền và khả năng “sa thải công ty” mang đến một thông điệp mạnh mẽ trong việc xây dựng văn hóa công ty. “Họ phải là những người rất mạnh mẽ khi từ chối nhận tiền, chọn ở lại và cống hiến – và điều đó tạo nên một nền tảng cho mối quan hệ công việc tuyệt vời.” Ronzio tiết lộ.

Lô-gic đằng sau khoảng thời gian hai tuần là sẽ có ít sự gián đoạn hơn so với việc nếu nhân viên ở lại lâu hơn, lúc này công ty đã đầu tư nhiều hơn vào nhân viên. Còn những người chọn ở lại thì thế nào? Ronzio nói rằng nếu tiếp tục ở lại, nhân viên không nhận được bất kỳ khoản tiền nào. “Những ai từ chối 5.000 đô-la bỏ qua một thứ “cộng thêm” vào thời điểm này bởi vì họ tin rằng giá trị lâu dài của việc gắn bó với công ty còn đáng giá hơn rất nhiều.”