ceo-coolmate-pham-chi-nhu-neu-khong-duoc-dau-tu-coolmate-chac-chet-lau-roi-1682335090.png

Được biết, ông chủ thương hiệu này luôn muốn tạo mối quan hệ tốt với các bạn nhân viên, cộng sự nên người ta không thấy anh có phòng làm việc riêng, luôn ngồi chung với mọi người để dễ dàng trao đổi.

Anh Nhu và cộng sự, đồng nghiệp đã trải qua nhiều lần thất bại, từng tuyệt vọng, từng khát vốn như bao startup khác để giờ có một Coolmate khoẻ mạnh. Và một điều phải công nhận rằng đây là một startup chiếm được lòng tin người dùng và sự ủng hộ nhanh nhất. Khi nhìn sự thành công hiện tại, ai mà ngờ được rằng startup này chỉ mới thành lập vào năm 2019.

Anh Nhu bảo rằng đời khởi nghiệp có thăng có trầm, không đơn giản và cũng không dễ thành công. Muốn thành công chỉ có làm, làm và làm. Ngoài ra, kinh doanh với anh là phải mang về lợi nhuận nên Coolmate chỉ làm những thứ thực chất, không màu mè.

Khoảng 3, 4 năm trước, thương hiệu Coolmate đã có lối đi khác biệt so với nhiều startup là nói không với sàn thương mại điện tử và chỉ bán hàng trên website, lúc đó đây là một hình thức mua sắm không mấy quen thuộc với người tiêu dùng tại thời điểm đó. Lý giải về lựa chọn này, anh Nhu cho rằng sàn thương mại điện tử ở thời điểm đó là một cái gì đó “hơi thập cẩm và không có tương lai nên không làm.”

Tiki, Shopee và Lazada và thậm chí là Facebook, Coolmate đều không màng đến, chỉ dùng Faceebook làm nơi marketing cho sản phẩm, không bán hàng. Nếu khách muốn mua thì phải... tự lên website, tự đọc thông tin rồi mua sắm, trong khi thói quen này chưa mấy phổ biến ở Việt Nam, nên lúc đó Coolmate chỉ bán được ít ỏi số hàng của thương hiệu, thêm nữa nhân sự đều rất cực mới kiếm ra được những doanh thu ít ỏi. 

“Giờ ngẫm lại, nếu ngày đó, tôi không cực đoan và làm mọi thứ đa dạng hơn thì bây giờ Coolmate đã lớn hơn rất nhiều. Vì có những thời điểm, khách nhắn tin hỏi mua hàng qua Fanpage, tôi cũng không bán mà mời mọi người lên website đặt sản phẩm. Cũng vì thế mà nhiều người đã rời đi vì họ cảm thấy mọi thứ phức tạp. Đánh giá về mô hình thì Coolmate không phải là mới, tôi cũng không phải là người đầu tiên nghĩ ra. Vì việc bán hàng qua website rất thịnh hành ở Mỹ và châu Âu, trong khi tôi thấy thị trường Việt Nam đang thiếu một cái như vậy nên quyết định làm.”

Phải đến tận tháng 3/2020, sau khi được đội ngũ Facebook Việt Nam tư vấn qua một lần gặp gỡ rằng Coolmate không nên sử dụng Facebook chỉ để chạy chuyển đổi trên website, làm như thế sẽ phát triển chậm. Vì ở Việt Nam, người ta vẫn thích mua trực tiếp, nhắn tin qua Fanpage và nhận tư vấn từ nhân viên. Từ đó về sau, có sự thay đổi nên Coolmate mới có lợi nhuận.

ceo-coolmate-pham-chi-nhu-neu-khong-duoc-dau-tu-coolmate-chac-chet-lau-roi-1-1682335116.png

Anh Nhu còn nhắc đến một điều khá gây chú ý rằng nếu không nhận được đầu tư thời điểm 2019, Coolmate chắc chết lâu rồi. Nói rõ hơn về chuyện này, anh Nhu kể vào khoảng tháng 3/2019, Coolmate đi vào sản xuất và cung ứng hàng ra thị trường từ nguồn vốn góp 2 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau 6 tháng, chúng tôi đã tiêu tiền nên phải góp thêm 1 tỷ đồng. Thậm chí, để có tiền, tôi phải mang cả sổ đỏ đi cắm lấy 800 triệu đồng.

“Thời điểm đó, mấy anh em cũng khó khăn vì có bao nhiêu tiền thì đã góp vào Coolmate. Với lại, việc gọi vốn của chúng tôi khi ấy cũng không mấy thuận lợi vì mọi người vẫn đề cao mô hình B2B, chứ không phải B2C như cách Coolmate vận hành. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với chúng tôi khi tiếp cận được quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam. Nếu không có đầu tư thời điểm đó, Coolmate chắc chết lâu rồi.”, anh Nhu cho biết.
Hiện nay, từ nhà kho rộng 20m2 ban đầu Coolmate đã có được 2 văn phòng kết hợp kho rộng tới 3.000m2 nằm tại 2 thành phố trọng điểm nhất nước là Hà Nội và TP.HCM.

Thương hiệu Coolmate hiện tại đã có đội ngũ nhân viên gần 150 người, đều là người trẻ tuổi nhiều nhiệt huyết. Coolmate đặt tham vọng vào năm 2023 doanh thu đạt được con số 500 tỷ đồng. CEO Phạm Chí Nhu cho biết Coolmate đang hướng đến mục tiêu đa dạng sản phẩm, vẫn hướng đến phục vụ nam giới với giá cả hợp lý và chất lượng tốt nhất.