Hồi Thế chiến thứ II, Không quân Hoa Kỳ muốn gia cố thêm giáp cho máy bay để tăng khả năng sống sót. Nhưng máy bay không thể nặng quá nên họ chỉ có thể chọn những vị trí quan trọng nhất để bọc giáp mà thôi.

Khi những chiếc máy bay chiến đấu trở về căn cứ, người ta đánh dấu những vị trí trúng đạn. Nếu ghép tất cả lại, ta thấy các vết đạn như trong hình. Dành 10s để xem nó nào.

Các vết đạn tập trung nhiều ở đầu cánh, thân máy bay, đuôi máy bay. Phương án sẽ đưa ra ấy là những nơi có nhiều vết đạn nhất là những vùng bị bắn nhiều nhất, và nên gia cố giáp tại đó. Chuyện này khá logic.

Nhưng một thực tế tàn khốc hơn nhiều, rằng hàng nghìn chiếc máy bay khác bị bắn trúng động cơ hoặc buồng lái đã không bao giờ quay trở về căn cứ để mà bạn thống kê. Dữ liệu đang chỉ kể câu chuyện của những chiến máy bay sống sót. Nghịch lý đó là: phải bọc giáp vào những nơi không có vết đạn nào trên sơ đồ! Bởi vì trúng ở đó thì rơi luôn, không ai về để báo cáo cả.

Điều này liên tưởng ngày tới một chuyện thú vị trong đầu tư chứng khoán.

Sau mỗi chu kỳ, người ta luôn tìm được danh sách dài những "lý do hợp lý" để giải thích vì sao thị trường như vậy.

- 2017 tăng, vì tiền rẻ.
- 2018 giảm, vì chiến tranh thương mại.
- 2020 tăng mạnh, vì nhóm F0 vào thị trường với vốn giá rẻ
- 2022 lao dốc, vì khủng hoảng thanh khoản.
- Và 2025 này tăng, vì… một loạt luận điểm nghe đều rất hợp lý.

Nếu bạn ghép tất cả những lời giải thích ấy lại, nó tạo thành một bức tranh hoàn hảo nơi mọi thứ đều có nguyên nhân có thể giải thích, thị trường trông như một cỗ máy có trật tự rõ ràng.

“Hiểu nguyên nhân rồi thì lần sau mình sẽ đoán đúng.”
Nghe có vẻ logic. Nhưng sự thật không đơn giản vậy.

Bởi vì có một lớp dữ liệu đã biến mất vĩnh viễn:

- Những quan điểm từng khẳng định 2018 “phải tiếp tục tăng”.
- Những dự đoán 2020 “chắc chắn sẽ giảm vì đại dịch”.
- Những nhận định 2022 “đáng lẽ là chu kỳ hồi phục”.

Bạn có còn nhớ không ?

Hay người đang dạy bạn về chu kỳ thị trường chứng khoán có nói ra không ?

Tất cả các luận điểm sai ấy không được nhắc lại. Chúng bị bỏ quên, bị xóa khỏi trí nhớ tập thể, giống như chưa từng tồn tại.

Vậy là người ta có thể kể về quá khứ như những kẻ sống tại thời điểm đó toàn là "lũ khờ" có mỗi việc "bơm tiền thì chứng khoán tăng, hút tiền thì chứng khoán giảm" thế thôi mà không biết.

Giống như những vết đạn chỉ còn trên thân máy bay sống sót, những gì bạn nghe hôm nay chỉ là các lập luận đã đúng thì được nhắc đi nhắc lại. Còn các lập luận sai (Nguyên cũng có) thứ thực sự khiến nhà đầu tư thua lỗ đã biến mất.
Charlie Munger nói rằng:
“All I want to know is where I’m going to d,i,e so I’ll never go there.”

Trong đầu tư, bài học quý giá nhất không phải là những lời lý giải cho kết quả đã rồi. Bài học quý nhất nằm trong những sai lầm thực sự từng dẫn đến thua lỗ mà người ta không nói cho bạn. Giống như những vùng không một vết đạn, nhưng lại chí tử…


-------------------

 Trương Đắc Nguyên